CBO với “sứ mệnh” đẩy lùi HIV

Hạ Liên 11:15, 16/12/2024

Nhiều người nghiện ma túy thường không dám chia sẻ về những điều thầm kín với bất cứ ai. Tuy nhiên, với những nhân viên tiếp cận cộng đồng, họ lại sẵn sàng mở lòng, lắng nghe tư vấn… Đó là chia sẻ của bác sĩ Phan Mạnh Cường, Phó trưởng Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên, khi nói về vai trò của các nhóm hỗ trợ cộng đồng.

Truyền thông nhóm nhỏ cũng là một trong những ưu tiên mà các nhóm hỗ trợ cộng đồng thực hiện thời gian qua tại các khu nhà trọ công nhân, sinh viên…
Truyền thông nhóm nhỏ cũng là một trong những ưu tiên mà các nhóm hỗ trợ cộng đồng thực hiện thời gian qua tại các khu nhà trọ công nhân, sinh viên…

Giúp tìm lại niềm tin

Nhóm hỗ trợ cộng đồng (CBO) hoạt động phòng chống HIV là những người trong các nhóm cộng đồng nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, người đồng tính nam, song tính, chuyển giới (LGBT), người có HIV (NCH), phụ nữ bán dâm (SW). Qua thực tế hoạt động, các CBO đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thông giảm hành vi nguy cơ lây truyền HIV cho cộng đồng, giới thiệu và kết nối các dịch vụ như: Xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), điều trị ARV...

Chị Nguyễn Thị N., viên chức một cơ quan trên địa bàn tỉnh đã chỉ nghĩ đến cái chết khi biết bản thân nhiễm HIV trong một lần vào viện điều trị. Sau đó, chị được chị Đ.T.T.H, Trưởng một CBO chủ động gọi điện tư vấn, động viên. Sau nhiều lần thuyết phục, chị N. đã đồng ý gặp chị H. ở một quán nước, nhưng sau nửa buổi sáng, chị N. vẫn không dám đối mặt với chị H.

Chỉ đến khi chị H. gọi điện thì chị N. mới từ bàn bên bước lại trong tình trạng mệt mỏi. Chị N. ngồi đó nghe chị H. kể về cuộc đời của mình, về những lần chị định buông xuôi… Dường như những tâm sự đẫm nước mắt của chị H. đã khiến chị N. thấy mình ở đó nên chị N. dần mở lòng. Sau lần đó, chị N. thỉnh thoảng lại xin được gặp chị H. ở những chỗ riêng tư. Dần dần, chị N. cũng đã tìm lại được nghị lực sống.

Hơn 3 năm sau kể từ khi phát hiện có H, được sự động viên, hỗ trợ tích cực của chị H., chị N. đã mang thai đứa con thứ 2. Bao năm qua, chị H. vẫn luôn giúp chị N. lấy thuốc ARV. Ngay cả bệnh viện nơi chị N. sinh con, chị H. cũng là người nhờ bác sĩ sắp xếp chu toàn. Tính đến nay, đã 7 năm kể từ ngày biết mình có HIV, nhưng sức khỏe của chị N. vẫn rất ổn định, tải lượng vi-rút trong máu nhiều năm luôn ở ngưỡng không phát hiện; chồng và 2 con chị N. đều rất khỏe mạnh.

Anh T.N.H, Trưởng nhóm Chân trời mới cũng là người có nhiều năm tham gia hoạt động cộng đồng. Anh H. chia sẻ: Hơn 17 năm qua, tôi được tham gia nhiều chương trình đào tạo, tập huấn nên có kiến thức và kinh nghiệm để chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ. Trước đây, người có H rất mặc cảm, thậm chí còn sợ tiếp xúc với những người mặc áo blu trắng. Tuy nhiên, với những người cùng cảnh ngộ như chúng tôi thì khác. Họ sẵn sàng chia sẻ những băn khoăn, lo lắng; nhờ chúng tôi tư vấn những điều chưa rõ…

Tôi rất hạnh phúc khi hỗ trợ thành công một cặp vợ chồng đều có H ở Gang Thép sinh cậu con trai khỏe mạnh. Suốt 10 năm biết có H, họ không dám có con. Cháu bé hiện đã được 3 tuổi, rất kháu khỉnh. Hai bạn ấy rất muốn tôi nhận lời làm bố nuôi của cháu, vì họ bảo tôi là ân nhân của họ. - Anh T.N.H

Vì mục tiêu kết thúc đại dịch

Không giống với chị H. và anh H., anh Đ.H.H, 36 tuổi, trưởng 1 nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, không bị nhiễm HIV, nhưng anh là người hiểu rất rõ những nguy cơ có thể xảy đến với mình nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống. Hơn 12 năm gắn bó với công việc cộng đồng, anh đã tìm được niềm vui khi bản thân sống có ích với những người có nguy cơ cao như anh.

Các nhóm hỗ trợ cộng đồng thường tổ chức các hoạt động truyền thông nhóm lớn về HIV trong các trường đại học, khu công nghiệp.
Các nhóm hỗ trợ cộng đồng thường tổ chức các hoạt động truyền thông nhóm lớn về HIV trong các trường đại học, khu công nghiệp.

Hiện, ngoài làm trưởng nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, anh H còn làm trưởng nhóm tư vấn hỗ trợ cộng đồng người có H; vừa tham gia chuyển gửi người có H đến các cơ sở điều trị; tư vấn, hỗ trợ cộng đồng có nguy cơ cao nhiễm H; tuyên truyền, cấp phát vật phẩm như bao cao su, chất bôi trơn cho những người thuộc đối tượng; thực hiện xét nghiệm cho những người nghi ngờ; tham gia hỗ trợ trực tiếp tại phòng điều trị HIV/AIDS của cơ sở y tế…

Anh Đ.H.H: Ban đầu, tôi sống khép mình, rất ngại xuất hiện nơi đông người nhưng sau khi được các thành viên CBO mà trực tiếp là chị H. (khi đó là cộng tác viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh, hiện làm Trưởng nhóm Niềm tin mơ ước) động viên, tôi đã dần cởi mở, rồi tự tin tham gia các hoạt động hỗ trợ những người có nguy cơ cao.

Theo bác sĩ Hoàng Văn Thắng, Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh: Trên địa bàn tỉnh hiện có 54 nhân viên tiếp cận cộng đồng được cấp thẻ. Những năm gần đây, tỷ lệ người nhiễm HIV tăng nhanh ở nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng tính. Qua quét các ứng dụng, các nhóm trên mạng xã hội, chúng tôi thống kê được năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 2.200 người có quan hệ tình dục đồng tính nam.

Trên thực tế, con số này có thể lớn hơn nhiều vì theo một số nghiên cứu khoa học thì có khoảng 1-3% nam giới trưởng thành là người đồng tính. Trong khi đó, Thái Nguyên là địa bàn có nhiều công nhân các khu, cụm công nghiệp và sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… Vì thế, sự tham gia của các nhóm CBO có vai trò, ý nghĩa rất lớn. - Bác sĩ Hoàng Văn Thắng

Nhờ làm tốt công tác phát hiện và điều trị dự phòng nên trong những năm qua, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh ngày càng có xu hướng giảm. Tuy nhiên, số người nhiễm mới HIV hiện trên địa bàn tỉnh vẫn khoảng trên 100 người/năm, trong đó, 50% trường hợp được phát hiện nhờ các nhóm CBO.

Đặc biệt, với sự tích cực vào cuộc của ngành y tế và các nhóm CBO, đến nay, trên 99% bệnh nhân HIV trên địa bàn tỉnh có tải lượng vi rút ở ngưỡng không phát hiện (không có khả năng lây nhiễm HIV qua đường tình dục và có thể sinh con mà con không bị nhiễm HIV). Nhiều năm qua, các tổ chức tài trợ nước ngoài luôn đánh giá chất lượng hoạt động của các nhóm CBO tại Thái Nguyên luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Đây cũng chính là một trong những nhân tố quan trọng góp phần trong hiện thực hóa mục tiêu kết thúc đại dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung vào năm 2030.