Ngăn chặn hiểm họa kép đồng nhiễm HIV/lao

Theo Tiengchuong.vn 10:25, 26/03/2025

Lao là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người nhiễm HIV. Vì vậy, việc khám sàng lọc ở người nhiễm HIV rất quan trọng, bởi nếu người nhiễm HIV đồng mắc lao sẽ được điều trị kịp thời, còn nếu không mắc lao có thể được điều trị dự phòng lao.
 

Người nhiễm HIV được ưu tiên làm xét nghiệm sinh học phân tử để phát hiện lao và lao đa kháng thuốc. Ảnh internet

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính Việt Nam có khoảng 182.000 bệnh nhân lao mới, 9.900 bệnh nhân lao kháng thuốc và có khoảng 11.000 người tử vong do lao hằng năm.

Tại lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống lao (24/3) với chủ đề "Việt Nam cam kết, đầu tư, hành động để chấm dứt bệnh lao", TS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương - Trưởng ban điều hành Chương trình chống lao quốc gia cho biết, trong năm 2024, Chương trình chống lao quốc gia đã đạt được kết quả tốt nhất từ trước đến nay. Số bệnh nhân lao được phát hiện là hơn 113.000 ca (tăng 7% so với năm 2023). Tỉ lệ bệnh lao có bằng chứng vi khuẩn trên 72%, tỉ lệ điều trị thành công đạt 89% (cao hơn tỉ lệ này trên toàn cầu - mức 88%). Tuy nhiên, việc kiểm soát lao còn nhiều khó khăn, tình hình dịch tễ bệnh lao tại nước ta còn rất nặng nề. 
Bên cạnh đó, lao cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người nhiễm HIV. Đồng nhiễm lao/HIV là chỉ người vừa nhiễm HIV vừa bị bệnh lao. Nguy cơ mắc lao của những người nhiễm HIV cao hơn ở những người bình thường 20 – 37 lần. Bệnh lao tiến triển nhanh ở người nhiễm HIV, đồng thời HIV cũng tiến triển nhanh khi bị mắc lao. Vì vậy, những bệnh nhân nhiễm HIV đều cần được thực hiện xét nghiệm lao ngay khi vừa phát hiện bị HIV. Mỗi lần tái khám, bệnh nhân HIV đều cần phải làm xét nghiệm sàng lọc bệnh lao.

Xét nghiệm đờm là cách tốt nhất để xác định người nghi lao có mắc bệnh lao phổi hay không. Xét nghiệm sinh học phân tử đờm được thực hiện tại cơ sở chuyên khoa lao.

Nếu kết quả xét nghiệm đờm âm tính mà người bệnh vẫn có các dấu hiệu nghi ngờ mắc lao thì sẽ được mắc lao thì sẽ được hướng dẫn làm thêm một số xét nghiệm khác như: chụp Xquang phổi, nuôi cấy đờm tìm vi khuẩn lao.

Người nhiễm HIV được ưu tiên làm xét nghiệm sinh học phân tử để phát hiện lao và lao đa kháng thuốc.

Để điều trị lao đúng cách, bệnh nhân cần được khám và điều trị tại cơ sở chuyên khoa lao hoặc các cơ sở y tế có xác nhận của Chương trình chống lao quốc gia. Bệnh nhân nên dùng thuốc theo nguyên tắc "phối hợp thuốc, đúng, đủ, đều". Dùng phối hợp thuốc từ 3 – 4 loại thuốc; Dùng thuốc đúng là đúng tên thuốc theo đơn, không tự ý bỏ bớt, thêm hoặc đổi thuốc; Dùng thuốc đủ liều và đủ thời gian ít nhấ là 6 tháng; Dùng đều là dùng một lần duy nhất trong ngày, uống các thuốc cùng một lần cách xa bữa ăn.

Đi xét nghiệm đầy đủ, đúng hẹn theo hướng dẫn của cán bộ y tế; Người nhiễm HIV mắc lao sẽ được ưu tiên điều trị bằng thuốc ARV ngay sau khi bắt đầu điều trị lao.

Để phòng mắc bệnh lao, các chuyên gia khuyến cáo, cần tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh theo lịch tiêm chủng; phát hiện sớm người mắc bệnh lao và điều trị cho đến khi khỏi bệnh để không lây lan cho những người xung quanh; Điều trị dự phòng lao bằng thuốc Izoniasid (INH) theo hướng dẫn của Bộ Y tế đối với trẻ em dưới 5 tuổi trong gia đình có người mắc lao và người nhiễm HIV; bảo đảm điều kiện nhà ở thông thoáng, vệ sinh; dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe.

Để ngăn ngừa lây nhiễm lao, TS. Đinh Văn Lượng đề xuất việc phòng chống lao ngay tại tuyến y tế cơ sở. Theo đó toàn bộ mạng lưới y tế, cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám, kiểm soát sức khỏe toàn dân gắn với nội dung phát hiện, khám và điều trị bệnh lao. Bên cạnh đó kiểm soát lao dựa trên hệ thống quản lý sổ sức khỏe điện tử.

Ngoài ra, các cơ sở đào tạo y khoa đưa nội dung về bệnh lao là bắt buộc để các thầy thuốc cần có đầy đủ kiến thức, chứng chỉ về bệnh lao trong quá trình hành nghề.

Hiện nay Việt Nam mới phát hiện được khoảng 60% số bệnh nhân lao tại cộng đồng, nếu số người mắc lao trong cộng đồng không được kiểm soát, các năm tiếp theo sẽ rất khó khăn cho công tác phòng chống lao. "Năm 2024, số phát hiện lao trong cộng đồng đã vượt 60%. Tôi hy vọng, năm 2025 với việc triển khai mạnh mẽ Công điện của Thủ tướng cùng với kiểm soát lao tại các cơ sở khám chữa bệnh số ca lao được phát hiện sẽ tăng lên. Từ đó kiểm soát lao ở Việt Nam mới thành công và bệnh lao sẽ chấm dứt sớm.", TS Đinh Văn Lượng nói.