Sớm giải quyết tranh chấp đất ở Hồng Tiến

Hoàng Cường 15:05, 19/11/2024

Mặc dù đã sử dụng thửa đất ổn định hơn 38 năm qua, nhưng khi đo lại vào năm 2023, gia đình ông Phạm Trung Kiên, ở tổ dân phố Thành Lập, phường Hồng Tiến (TP. Phổ Yên) phát hiện một phần diện tích đất của nhà mình lại nằm trong “bìa đỏ” của hộ giáp ranh. Từ đó, tranh chấp đất giữa 2 hộ gia đình xảy ra và chưa được giải quyết dứt điểm.

Bức tường được ông Phạm Trung Kiên cho rằng là mốc ranh giới giữa 2 gia đình.
Bức tường được ông Phạm Trung Kiên cho rằng là mốc ranh giới giữa 2 gia đình.

Ông Phạm Trung Kiên có thửa đất 716, tờ bản đồ 104 (tương ứng tờ bản đồ số 32), diện tích 220m2, loại đất ở được UBND huyện Phổ Yên (nay là TP. Phổ Yên) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1998. Cuối năm vừa qua, ông Kiên thuê đo đạc lại thửa đất thì phát hiện phần diện tích 40m2 đang sử dụng nằm trong “bìa đỏ” của ông Đỗ Văn Cần. 

Ông Phạm Trung Kiên cho biết: 40m2 này nằm trong thửa đất vợ chồng tôi mua lại của gia đình ông Đỗ Văn Cần năm 1985. Từ khi mua bán đến trước khi có sự việc trên, hai bên gia đình chúng tôi chưa từng xảy ra tranh chấp về đất đai vì có ranh giới sử dụng rõ ràng.

Minh chứng lời mình nói, ông Kiên đưa ra “giấy bán đất và hoa màu” có chữ ký của ông Đỗ Văn Cần lập vào ngày 28/12/1985. Và tại thực địa, chúng tôi ghi nhận thêm trên phần đất tranh chấp tồn tại một bức tường phân chia ranh giới, cùng với đó là khá nhiều tài sản thuộc sở hữu khác của gia đình ông Kiên như cổng, sân nhà, mái tôn, tường gạch...

Ông Đỗ Văn Cần thừa nhận: Có sự việc mua bán đất giữa gia đình tôi và vợ chồng anh Kiên trước đây. Còn bức tường trên phần đất đang tranh chấp là nền móng nhà cũ của tôi. Từ nền móng này kéo sang đất anh Kiên đang sử dụng từ 1-2m mới đủ diện tích đất của gia đình tôi. 

Trao đổi với người dân tại khu dân cư, chúng tôi được bà Đỗ Thị Thuận, đã sống tại đây 50 năm, thông tin: Tôi thấy phần đất tranh chấp giữa 2 gia đình đã được ông Kiên sử dụng từ cách đây rất lâu và có tường rào phân chia ranh giới rõ ràng. Do đó khi xảy ra tranh chấp, nhiều người dân rất ngạc nhiên vì không nghĩ phần đất này lại chưa có trong “bìa đỏ” của ông Kiên.

Phần đất tranh chấp đã được gia đình ông Phạm Trung Kiên sử dụng ổn định hơn 38 năm nay.
Phần đất tranh chấp đã được gia đình ông Phạm Trung Kiên sử dụng ổn định hơn 38 năm nay.

Vì không tìm được tiếng nói chung nên ông Kiên đã gửi đơn yêu cầu giải quyết giải tranh chấp đất đai đến các cấp. Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND phường Hồng Tiến, cho biết: Sau khi nhận được đơn yêu cầu hòa giải tranh chấp đất của ông Phạm Trung Kiên, phường đã tổ chức hòa giải nhưng không thành vào tháng 11-2023. Theo biên bản hòa giải của phường, phần diện tích đang tranh chấp căn cứ vào kết quả đo đạc và đối chiếu với hồ sơ địa chính khẳng định gia đình ông Kiên đang sử dụng vào diện tích do Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Đỗ Văn Cần.

Qua tìm hiểu hồ sơ địa chính, chúng tôi biết được, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Phạm Trung Kiên và ông Đỗ Văn Cần được cấp sau khi có tài liệu đo vẽ năm 1992. Tuy nhiên, ông Kiên khẳng định khi Nhà nước thực hiện đo vẽ năm 1992, thửa đất của gia đình ông không được cán bộ xuống đo đạc thực địa. Do đó, ông cho rằng đây chính là nguyên nhân gây ra sự sai lệch giữa số liệu đo vẽ trên hồ sơ địa chính với hiện trạng thực tế thửa đất của gia đình.

Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng tài liệu đo vẽ năm 1992 chưa được chuyên nghiệp hóa như hiện nay nên kết quả đo đạc còn có những bất cập như bị xô lệch so với thực tế... Hệ quả là thửa đất của gia đình ông Kiên hiện trạng một đằng, bìa đỏ cấp một nẻo và phát sinh tranh chấp không đáng có như hiện nay. 

Do không nhất trí với quan điểm hòa giải của phường Hồng Tiến, gia đình ông Kiên tiếp tục có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân TP. Phổ Yên và đã được thụ lý theo quy định. Trước sự việc này, cơ quan Tòa án nên xem xét đến nguồn gốc, quá trình sử dụng đất cũng như đối chiếu bản đồ địa chính qua các thời kỳ để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho các bên.