Ngăn chặn lợn nhập lậu

Nguyễn San 08:34, 13/08/2023

Hiện nay, tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam đang diễn ra khá phức tạp, nhất là nhập lậu từ các nước lân cận. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến sản xuất trong nước mà còn gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc. Thái Nguyên là tỉnh giáp ranh với tỉnh biên giới Lạng Sơn nên có nguy cơ cao xuất hiện tình trạng lợn nhập lậu.

Theo các chuyên gia, lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc có thể được cho sử dụng các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người dân.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia đã phát hiện và ngăn chặn một số trường hợp vận chuyển trái phép lợn từ nước ngoài vào Việt Nam.

Mới nhất (ngày 25/7/2023) là trường hợp vận chuyển lợn trái phép từ Lào qua đường mòn biên giới sang huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tiêu thụ. Các đối tượng lựa chọn thời điểm ban đêm để vận chuyển. Tuy số lượng không nhiều (khoảng 15 con), nhưng là mầm mống rất dễ lây lan bệnh dịch.

Trước đó, ngày 13/7, lực lượng chức năng tỉnh Long An cũng bắt giữ được một trường hợp vận chuyển lợn trái phép bằng thuyền từ Campuchia sang. Điều đáng nói là số lợn bị tạm giữ có thể trạng rất yếu, có con đã chết, nghi bị mắc bệnh.

Được biết, từ tháng 7/2023, khi giá lợn trong nước và nước ngoài có sự chênh lệch đáng kể, các “đầu nậu” bắt đầu tạo các mối liên kết hai bên biên giới để tìm cách vận chuyển lợn từ nước ngoài về Việt Nam.

Thực tế cho thấy, hiện nay tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi vẫn đang diễn ra phổ biến trong cả nước. Đáng chú ý là bệnh lở mồm, long móng, bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xuất hiện và có nguy cơ bùng phát trở lại tại một số địa phương.

Theo thống kê, riêng dịch tả lợn châu Phi hiện xảy ra tại 37 tỉnh, thành, 113 huyện với số lượng mắc bệnh phải tiêu hủy là trên 8,7 nghìn con.

Thái Nguyên lúc ở thời điểm bùng phát dịch tả lợn châu Phi đầu tiên cách nay hơn 4 năm cũng có tới hàng chục nghìn con lợn mắc bệnh phải tiêu hủy. Sau khi dập dịch thành công, chưa đầy 2 năm sau, dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát trở lại ở Thái Nguyên. Điều đó cho thấy, không thể lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Trước thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện chỉ đạo nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam.

Tỉnh Thái Nguyên cũng đã yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép vào địa bàn. Trường hợp bắt được lợn nhập lậu phải xử lý theo quy định hoặc tiêu hủy ngay.

Các huyện, thành phố phải thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển lợn tiêu thụ trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền về dịch bệnh, hướng dẫn người dân không tham gia, tiếp tay vận chuyển, tiêu thụ lợn nhập lậu.

Tổ chức thống kê, kiểm soát số lượng đàn lợn của từng địa phương, kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến thông qua việc hợp thức hóa nguồn gốc lợn nhập lậu.

Tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương chủ động giám sát đàn lợn khi có biểu hiện mắc bệnh, báo cáo ngay cơ quan thú y để kịp thời phòng dịch. Tuyệt đối không buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, nhập lậu và vứt xác lợn bừa bãi ra môi trường.

Ngành chuyên môn phải tăng cường lấy mẫu, phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý, không để lây lan ra diện rộng…