Mấy ngày gần đây, việc một số tài khoản Facebook chia sẻ thông tin, hình ảnh cá nhân gán ghép cho một nữ nhân viên của Samsung Thái Nguyên lây nhiễm HIV cho nhiều người thực sự gây sốc dư luận. Lực lượng chức năng đã vào cuộc xác minh và xử phạt hành chính một số đối tượng tung tin thất thiệt. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, vụ việc trên đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người bị hại, cần phải xử phạt nặng hơn mới đủ sức răn đe.
Một số đối tượng lan truyền thông tin sai sự thật về nhân viên Samsung Thái Nguyên đã bị điều tra, xử lý. Ảnh: T.L |
Vấn đề đặt ra của dư luận không phải không có căn cứ. Bằng chứng là những năm gần đây, rất nhiều trường hợp tung tin thất thiệt, chia sẻ thông tin thiếu kiểm chứng hoặc cố tình lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm nhằm hạ uy tín người khác, nhưng chỉ bị xử phạt hành chính.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cơ quan chức năng cũng đã xử lý không ít trường hợp tương tự nhưng chủ yếu vẫn dừng ở xử lý hành chính, mức phạt tiền từ 5 đến 7,5 triệu đồng trở lên. Kèm theo đó là yêu cầu gỡ bài, đính chính trên trang cá nhân... Có lẽ, cũng bởi vậy mà các trường hợp vi phạm vẫn chưa dừng lại.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, dù mới là xử lý hành chính nhưng có những trường hợp phải rà soát, cân nhắc rất kỹ các quy định và tình tiết vi phạm mới có thể xử lý được.
Với trường hợp tung tin thất thiệt liên quan đến nhân viên Samsung Thái Nguyên mấy ngày qua, lực lượng chức năng sau khi xem xét, bước đầu đã xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng đối với chị Nguyễn Thị N. (trú tại phường Túc Duyên, TP. Thái Nguyên) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Chị này đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân để đăng tải, chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, không đúng sự thật.
Tiếp đến, cơ quan Công an cũng đã mở rộng điều tra, xác minh các đối tượng liên quan với hành vi lan truyền trên không gian mạng thông tin liên quan đến văn hóa phẩm đồi trụy, lây nhiễm HIV cho nhân viên Samsung Thái Nguyên. Đồng thời chuyển hồ sơ các đối tượng này cho cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra, xử lý.
Theo nhiều người, đối với các trường hợp phát tán thông tin sai sự thật, cố tình chia sẻ thông tin thất thiệt làm thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của tổ chức, cá nhân nói trên cần phải xem xét xử lý hình sự hoặc có mức xử phạt thích đáng hơn. Bởi thực tế, trong một số luật, văn bản dưới luật cũng đã quy định khá rõ.
Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022), quy định: "phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (điều chỉnh) cũng có nhiều điều luật quy định đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… có thể áp dụng xử lý.
Cụ thể nhất ở đây là tội Vu khống (Điều 156) và tội Làm nhục người khác (Điều 155). Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của luật để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.
Như vậy, các trường hợp tung tin thất thiệt trên mạng xã hội có thể bị xử lý với hình thức nặng hơn, có thể phạt hành chính ở mức tiền cao hơn hoặc xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin