"Bánh vẽ" lao động tại Malaysia - Người cả tin "nếm trái đắng"

Nhóm P.V Nội chính 16:27, 14/09/2023

Báo Thái Nguyên nhận được phản ánh của anh Vương Đức Tiệp, ở xóm Nho, xã Liên Minh (Võ Nhai), về việc bản thân bị lừa xuất khẩu lao động sang Malaysia. Tiền phí đã mất, công việc không như giới thiệu và không có visa lao động, anh Tiệp phải nhờ người giúp đỡ để về nước sau chưa đầy 1 tháng. Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi phát hiện những mánh khóe của đơn vị môi giới, khiến người lao động không tìm hiểu kỹ có thể “nếm trái đắng”.

Biển hiệu ghi: Công ty CP Phát triển nhân lực quốc tế AAM tại Khu đô thị Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên).
Biển hiệu ghi: Công ty CP Phát triển nhân lực quốc tế AAM tại Khu đô thị Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên).

Dễ đi… khó ở

Xóm Nho là địa bàn còn nhiều khó khăn của xã Liên Minh (Võ Nhai), với hầu hết là đồng bào dân tộc Nùng. Căn nhà của gia đình anh Vương Đức Tiệp chỉ khoảng 30m2 và thấp lè tè, mái nhà lợp tôn nên nóng hầm hập. Trong nhà chẳng có đồ đạc gì giá trị. Anh chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, đợt vừa rồi đi xuất khẩu lao động phải vay ngân hàng 50 triệu đồng nên càng khó khăn thêm”.

Ruộng vườn ít, lại không có nghề nghiệp ổn định nên hai vợ chồng anh Vương Đức Tiệp bàn nhau để một người đi xuất khẩu lao động mong thoát khỏi cái nghèo đeo bám.

Một lần tình cờ lên mạng xã hội Facebook, anh thấy quảng cáo về việc tuyển dụng đi lao động tại Malaysia. “Tôi thấy họ giới thiệu thu nhập cao, không yêu cầu tay nghề, tuổi tuyển dụng lại đến 50 nên để lại thông tin cá nhân. Ngay sau đó thì có nhân viên gọi điện đến tư vấn” - anh Tiệp chia sẻ.

Sau quá trình trao đổi và trực tiếp xuống văn phòng đơn vị môi giới ở TP. Thái Nguyên, anh Tiệp quyết định lựa chọn công việc phụ bếp tại Malaysia. Chi phí môi giới là 38 triệu đồng, không phải khám sức khỏe, làm visa và học tiếng, thời gian bay chỉ 10-15 ngày sau khi ký hợp đồng.

Tuy nhiên, khi sang đến nước bạn anh mới tá hỏa khi không được bố trí công việc như thỏa thuận. Nhờ một số người Việt mới quen, anh xin làm phụ bếp tại nhà hàng tại bang Johor. Sau khi đủ tiền mua vé máy bay thì xin nghỉ việc về nước vào ngày 26/6/2023, chỉ sau hơn 20 ngày sang nước bạn.

Gia đình anh Vương Đức Tiệp là hộ cận nghèo.
Gia đình anh Vương Đức Tiệp là hộ cận nghèo.

“Sang đến Maylaysia tôi mới biết visa chỉ có thời hạn lưu trú 30 ngày. Tôi sợ ở lại sẽ bị cảnh sát bắt vì cư trú bất hợp pháp nếu ở quá thời gian trên” - anh Tiệp nói.

Cùng đơn vị môi giới và cùng chuyến bay với anh Tiệp, chị N.T.H., ở xã Hoàng Nông (Đại Từ), vẫn đang mắc kẹt tại Malaysia. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, chị H. cho biết: “Thời hạn visa đã hết, giờ tôi chỉ ở trong nhà, không dám ra ngoài vì sợ cảnh sát bắt. Thu nhập cũng chỉ đủ ăn uống và chi phí sinh hoạt, giờ không biết cách nào để trở về nhà”.

Được biết, chị H. ký hợp đồng sang Malaysia làm công việc nhặt lông yến, đơn vị môi giới quảng cáo mỗi ngày có thể làm được khoảng 3 lạng, thu nhập 900 nghìn đồng. Tuy nhiên, sau khoảng 3 tháng làm công việc nhặt lông yến, có ngày làm tới 12 tiếng mà thu nhập cũng chỉ gần 300 nghìn đồng/ngày (tức khoảng 1 lạng yến). Bản thân chị H. đã nhiều lần liên hệ để đổi công việc khác nhưng không được, đồng thời bị nhân viên Công ty chặn toàn bộ liên lạc…

Chị Nguyễn Thị Hải đang làm công việc nhặt lông yến tại Malaysia.
Chị N.T.H. đang làm công việc nhặt lông yến tại Malaysia.

“Không có trách nhiệm”

Trong vai người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, phóng viên Báo Thái Nguyên đã liên hệ tới văn phòng đơn vị mà anh Vương Đức Tiệp và chị N.T.H. đã ký hợp đồng. Địa chỉ văn phòng tại Khu đô thị Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng (TP. Thái Nguyên); trên biển văn phòng ghi: Công ty CP Phát triển nhân lực quốc tế AAM”.

Tại đây, chúng tôi cũng được nhân viên tư vấn các công việc phụ bếp, xây dựng, nhặt lông tổ yến… với mức thu nhập bình quân từ 20-30 triệu đồng. Đối tượng tuyển dụng từ 18-50 tuổi, chỉ cần biết đọc và viết thành thạo, không cần học tiếng, hỗ trợ làm hộ chiếu và các loại giấy tờ pháp lý khác.

Để có nhìn nhận khách quan và đa chiều, chúng tôi đã cùng anh Vương Đức Tiệp trực tiếp đến văn phòng Công ty CP Phát triển nhân lực quốc tế AAM để đối chất với bà Nông Thị Liên, người tự nhận là đại diện pháp luật của văn phòng Rainbow Group - chi nhánh Công ty CP Phát triển nhân lực quốc tế AAM tại Thái Nguyên.

Sau một hồi trao đổi và đưa ra các chứng cứ về việc chuyển tiền phí qua tài khoản ngân hàng, đại diện văn phòng chỉ thừa nhận từng làm thủ tục xuất cảnh cho anh Tiệp với mức phí 38 triệu đồng. Để chứng minh điều đó, phía văn phòng đưa ra một tờ giấy cam kết tự nguyện xuất cảnh với đại diện bên cung ứng vé máy bay là ông Tường Việt Phương, nhận là phụ trách mảng phòng vé (chồng bà Liên), có chữ ký của anh Vương Đức Tiệp.

Trên giấy cam kết có ghi “Đồng ý tự nguyện đóng số tiền 38 triệu đồng để mua vé (chỉ mua chiều đi) và các chi phí khác để bay sang Malaysia”. Văn bản được ký ngày 2/6/2023. Phía văn phòng cũng cho rằng không có trách nhiệm về thực tế công việc, lưu trú và các vấn đề liên quan đối với anh Tiệp.

Người lao động đuối lý và chịu thiệt

Anh Vương Đức Tiệp và chị N.T.H. đều khẳng định có ký hợp đồng lao động với Rainbow Group, nhưng văn phòng đều giữ và không đưa bất kỳ văn bản nào. Ngay cả giấy cam kết tự nguyện xuất cảnh, anh Tiệp cũng chỉ được đưa để ký ngay trước khi lên máy bay, khi không có nhiều thời gian để xem xét kỹ nội dung trong đó.

Rõ ràng, chi phí 38 triệu đồng chỉ để lo vé máy bay và các chi phí khác để bay sang Malaysia là một con số vô lý. Ở đây, phía doanh nghiệp đã có sự nhập nhèm trong tư vấn, ký hợp đồng và tổ chức cho người lao động đi xuất khẩu.

Các tờ rơi giới thiệu việc làm chỉ nêu chung, không ghi tên, địa chỉ đơn vị tư vấn và dấu Công ty. Bà Liên cũng cho rằng không biết, không kiểm soát đội ngũ cộng tác viên của Công ty đã tư vấn những gì cho người lao động.

Tờ rơi quảng cáo, giới thiệu công việc tại Malaysia.
Tờ rơi quảng cáo, giới thiệu công việc tại Malaysia.

Được biết, không chỉ 2 trường hợp nêu trên mà một số người khác cũng bị “ăn bánh vẽ” xuất khẩu lao động. Rủi ro qua công ty môi giới là vậy, nhưng tại sao vẫn có lao động trở thành nạn nhân? Câu trả lời được cho là từ những lời quảng cáo hấp dẫn, mức phí khá thấp so với các kênh khác, không phải học tiếng, không phải làm các loại giấy tờ và thời gian đi lao động “thần tốc”.

Trong khi đó, hầu hết lao động nông thôn có nhận thức pháp luật còn hạn chế, không nghiên cứu kỹ, không hiểu rõ nội dung hợp đồng và giấy tờ liên quan.

Những quảng cáo hấp dẫn và nhập nhèm trong tư vấn, giới thiệu việc làm khiến nhiều người không tỉnh táo bị “mắc bẫy”, cuộc sống của họ vốn khó khăn giờ càng thêm khó vì còn phải gánh thêm một khoản nợ trên vai. Anh Tiệp nói như cảnh tỉnh: “Tiền đóng phí khó có thể lấy lại, tôi muốn mọi người tỉnh táo và không để bị lừa như mình”.

Bà Vũ Thị Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh (Võ Nhai): Hằng năm, chính quyền địa phương đều phối hợp tổ chức các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều lưu ý và tìm hiểu. Chúng tôi khuyến cáo, bà con nếu có nhu cầu đi lao động nên tìm hiểu các kênh chính thống do cơ quan chức năng giới thiệu hoặc đơn vị uy tín để có công việc phù hợp, tránh bị lừa mất tiền.


24h tìm việc làm mới nhất Quần áo lao động chính hãng