Cần thể hiện rõ và đầy đủ hơn cơ chế huy động nguồn lực phòng cháy, chữa cháy

Thu Hoài 19:22, 27/06/2024

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 27-6, các vị đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua 2 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Theo kết quả biểu quyết điện tử, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản được thông qua với 463/463 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,27% tổng số đại biểu Quốc hội. Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp được thông qua với 464/464 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,47% tổng số đại biểu Quốc hội).

Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật PCCC&CNCH, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, thể hiện rõ phạm vi hoạt động cứu nạn, cứu hộ do lực lượng PCCC&CNCH thực hiện, tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện hành.

Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu tại phiên làm việc chiều 27-6 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Hảo (Đoàn Thái Nguyên) phát biểu tại phiên làm việc chiều 27-6 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bên cạnh đó, các lực lượng tại chỗ đang có sự giao thoa giữa các luật (như: Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở…), cần có đánh giá cụ thể về các lực lượng này và chế độ chính sách khi tham gia lực lượng PCCC&CNCH ở cơ sở, để quy định phù hợp, đảm bảo có sự thống nhất trong huy động và chỉ huy tại chỗ, nhất là khi xảy ra các sự cố cần phải huy động lực lượng, đồng thời cân nhắc, nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ cho một số lực lượng khác, như: Cảnh sát cơ động, Cảnh sát trật tự… là lực lượng bán chuyên trách, hoặc kiêm nhiệm trong phòng cháy chữa cháy để bổ sung lực lượng chữa cháy khi xảy ra sự cố.

Về trách nhiệm giáo dục và đào tạo trong công tác PCCC&CNCH, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Chính phủ giao cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo nhiệm vụ đưa kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào giáo trình, bài giảng trong chương trình học tập phù hợp với từng cấp học, ngành học; đồng thời giao thêm nhiệm vụ và đặc biệt là các điều kiện cần thiết về nguồn lực để nâng cấp các cơ sở giáo dục và đào tạo về PCCC&CNCH, để các cơ sở này có khả năng tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở.

Về chính sách cho công tác PCCC&CNCH, theo đại biểu Đoàn Thị Hảo, nên quy định theo hướng có sự ưu tiên, trang bị phương tiện, thiết bị hiện đại tại các khu vực, địa bàn trọng yếu, có nguy cơ cao; thể hiện rõ và đầy đủ hơn cơ chế huy động nguồn lực cho công tác PCCC&CNCH; bổ sung chính sách liên quan đến sản xuất, nâng cao thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đặc biệt là các loại thiết bị cảnh báo cháy, các loại xe, phương tiện chuyên dụng, có thể tiếp cận nhà cao tầng, các ngõ nhỏ, ngõ sâu, ngõ đông dân cư…