Vùng cao vun “gốc của công việc”

Mai An 08:41, 20/06/2024

Đội ngũ cán bộ là nhân tố quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với đặc thù là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 72%, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được cấp ủy, chính quyền Võ Nhai đặc biệt quan tâm.

Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ cán bộ của huyện Võ Nhai không ngừng được nâng lên.
Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, chất lượng đội ngũ cán bộ của huyện Võ Nhai không ngừng được nâng lên.

Năng động, sáng tạo, linh hoạt xử lý công việc phù hợp với điều kiện thực tế, đó là những thay đổi tích cực chị Lương Thị Mỹ Chải, Chủ tịch UBND xã Thượng Nung (Võ Nhai), có được sau khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Chị Chải chia sẻ: Là cán bộ người DTTS, tôi nhận thấy việc tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn là cần thiết. Qua đó giúp chúng tôi xử lý công việc thuận lợi hơn, nhất là trong giai đoạn ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

Còn đối với đồng chí Triệu Tiến Văn, Bí thư Đảng ủy xã Tràng Xá, việc được đào tạo, cập nhật kiến thức thường xuyên giúp anh giải quyết nhiều vấn đề còn “mắc” ở địa phương. Đơn cử như việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của người dân còn hạn chế. Để giải quyết khó khăn này, Đảng ủy xã đã chỉ đạo đơn giản hóa quy trình một số thủ tục hành chính để đưa lên dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình. Xã cũng cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn và thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở từng xóm; phối hợp với lực lượng Công an đưa dịch vụ công trực tuyến đến với cộng đồng dân cư tại các xóm đặc biệt khó khăn…

Không riêng chị Chải, anh Văn, thời gian qua, thực hiện Đề án số 01-ĐA/HU, ngày 03/12/2020 của Huyện ủy Võ Nhai về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý huyện Võ Nhai, giai đoạn 2021-2025”, huyện Võ Nhai đã phối hợp, tổ chức nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ là người DTTS và cán bộ đang công tác tại vùng đồng bào DTTS (lãnh đạo, quản lý, cán bộ chuyên môn cấp xã; bí thư chi bộ, trưởng xóm, trưởng các đoàn thể trong xóm), với những nội dung phù hợp, sát với nhiệm vụ nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với từng lĩnh vực công tác.

Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc DTTS cấp huyện và cấp xã của Võ Nhai chiếm 48,13%. Các xã có nhiều đồng bào DTTS sinh sống đều có cơ cấu cán bộ là người DTTS tham gia cấp ủy, HĐND phù hợp. Đội ngũ viên chức công tác tại các trường học hiện có 1.446 người, trong đó người DTTS chiếm 46,96%.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giai đoạn 2020-2023, toàn huyện Võ Nhai đã mở 3 lớp sơ cấp chính trị cho 153 học viên; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh mở 3 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 212 học viên; mở 4 lớp bồi dưỡng bí thư chi bộ, cấp ủy viên cơ sở cho 345 học viên; 9 lớp tập huấn cập nhật kiến thức, kỹ năng công tác đảng cho 461 đồng chí cấp ủy viên cơ sở và cấp ủy viên chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở tại các xã, thị trấn…

Hiện nay, toàn huyện có 434 cán bộ, công chức, trong đó cấp huyện 133 đồng chí, cấp xã 301 đồng chí. Về trình độ chuyên môn, thạc sĩ có 43 đồng chí (chiếm tỷ lệ 32,33%, tăng 5,38% so với đầu nhiệm kỳ); đại học 90 đồng chí (chiếm 67,67%). Trình độ lý luận chính trị, cao cấp và cử nhân 52 đồng chí (39,1%), trung cấp 78 đồng chí (58,650)…

Qua đánh giá cho thấy, về cơ bản, đội ngũ cán bộ của huyện được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành, thực thi nhiệm vụ đáp ứng tốt công việc, nhiệm vụ được giao.

Nhờ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện không ngừng được nâng lên. Đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai, khẳng định: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Thực hiện tốt công tác này không chỉ tạo điều kiện để cán bộ được rèn luyện, bồi dưỡng, mà còn tạo ra “luồng gió mới” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị... Từ đó góp phần vào sự phát triển chung của huyện và tỉnh.