Di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho toàn Đảng, toàn dân là vô cùng lớn lao. Khi Tổng Bí thư đi xa, mỗi người dân Việt Nam phải hành động để tiếp nối di sản đó, làm cho đất nước hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện với nhân dân phường Ba Hàng (TP. Phổ Yên), ngày 10/1/2023. Ảnh T.L |
Dẫu biết rằng con người ai cũng phải tuân theo quy luật của tự nhiên sinh lão bệnh tử, nhưng trong những ngày qua sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến cho hàng triệu trái tim người Việt Nam như nghẹn lại. Đây là mất mát to lớn đối với Đảng ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế.
Vĩnh biệt người anh cả - Tổng tư lệnh của lòng dân
Những ngày qua, từ khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Ngô Quý Bích, ở thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội cứ thẫn thờ đi ra đi vào. Là người học sau Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 2 lớp ở Trường Nguyễn Gia Thiều (Gia Lâm, Hà Nội), trong ký ức của ông Bích, “anh Trọng” là một người mộc mạc, giản dị, học giỏi thì không ai bằng và có nhiều năng khiếu, tài lẻ, viết báo hay, văn nghệ giỏi.
“Tôi học lớp 8 còn anh Trọng học lớp 10B nhưng chúng tôi đều biết nhau cả. Anh Trọng học rất giỏi nên được thầy chủ nhiệm yêu mến, được ở cùng nhà với thầy Chủ nhiệm lớp 10B Trường Nguyễn Gia Thiều năm đó…”. Kể đến đây, giọng ông Bích như nghẹn lại và phải mất một lúc lâu sau mới tiếp tục câu chuyện. Khi học xong, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi theo sự nghiệp chính trị, còn ông công tác trong ngành Giao thông vận tải. Do yêu cầu công việc nên ông và Tổng Bí thư ít có dịp gặp lại. Thế nhưng có một lần tình cờ ông và Tổng Bí thư cùng về thăm quê, gặp nhau ở đầu làng. Vì biết “anh Trọng” đã là một nhà lãnh đạo cấp cao nên ông Bích ngại và có ý muốn tránh.
“Vậy mà không ngờ, anh Trọng lại người chủ động gọi tôi trước, “anh Bích à. Dạo này có khỏe không, gia đình thế nào. Và khi biết tôi đang công tác trong ngành Giao thông vận tải, anh Trọng đã nói rất nhiều về ngành này, rất cởi mở và thân mật…”, ông Bích kể.
“Rất nhân văn, trọng nghĩa tình và hết sức gần gũi gắn bó với nhân dân. Một con người bình dị nhưng đã để lại cho chúng ta những di sản rất đồ sộ trên tất cả các phương diện”, GS. TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia đã bắt đầu câu chuyện của ông về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng những lời như thế.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, GS Vũ Minh Giang bồi hồi nhớ lại, vào dịp trước Tết Tân Mão (năm 2011), sau khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư khóa XI, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội muốn đến chúc mừng nhưng Tổng Bí thư đã kiên quyết từ chối và nói rằng ông sẽ không tiếp bất cứ đoàn chúc Tết nào. “Tổng Bí thư rất chân thành, nhẹ nhàng nói với chúng tôi rằng, hãy tập trung lo cho anh em, lo cho cán bộ, lo cho cơ quan chứ đừng mất thời gian chúc tụng làm gì vào những lúc đang bận rộn như thế này” - GS Vũ Minh Giang kể.
Thế nhưng thật bất ngờ, sau đó khi biết đây không phải là đoàn chúc Tết của lãnh đạo Đại học Quốc gia mà là một cuộc gặp gỡ thân mật, sum vầy thầy trò thì Tổng Bí thư lại vui vẻ nhận lời. Và thế là với túi quà là những cuốn sách, Đoàn của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm cả các thầy giáo cũ đã có dịp diện kiến tân Tổng Bí thư ngay sau Đại hội. Cuộc gặp gỡ diễn ra giản dị, đậm tình thầy trò, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không câu nệ gì.
“Cuộc gặp mặt thân tình đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về một vị Tổng Bí thư rất nhân văn, trọng tình nghĩa và hết sức gần gũi, giản dị”. GS Vũ Minh Giang chia sẻ, khi nghe tin Tổng Bí thư từ trần thì những cảm giác ấm áp ấy lại ùa về. Một con người bình dị nhưng đã đưa vị thế đất nước đi lên một tầm cao mới. Điều đó đã giúp củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Tổng Bí thư đã để lại một di sản vô cùng lớn lao cho cách mạng và cho đất nước.
Với góc quan sát và lắng nghe của một người trẻ, đồng thời cũng là người có may mắn được nhiều lần tiếp xúc với Tổng Bí thư tại các diễn đàn tuổi trẻ, của Thủ đô, của đất nước, trong suy nghĩ của anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội, Tổng Bí thư là một người rất đặc biệt. Dù ở cương vị là người đứng đầu Đảng, lãnh đạo Quốc gia, một nhân cách lớn, một người hội tụ đầy đủ tài, tâm, tầm và mẫu mực nhưng Tổng Bí thư vẫn mang đến cho bất kỳ ai khi tiếp xúc một cảm giác rất ấm áp, giản dị, bao dung và đầy tình người.
“Năm 2012, tôi có may mắn được gặp trực tiếp Tổng Bí thư tại Văn phòng làm việc để báo cáo về chương trình tuyên dương đảng viên trẻ do Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Lần đầu được gặp trực tiếp một người đứng đầu Đảng, khiến tôi vô cùng hồi hộp. Thế nhưng thật lạ, khi gặp Tổng Bí thư với nụ cười hiền hậu và cái bắt tay chủ động đã khiến tôi xua tan đi mọi lo lắng ban đầu”, anh Nguyễn Đức Tiến kể lại.
Trách nhiệm người ở lại - sống xứng đáng với kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Một lần nữa Nước tôi nghiêng mình, Một Ngôi sao đã tắt!
Một lần nữa Dân tôi tiếc thương, Một Người đã ra đi!
Phải làm gì, làm gì, Để Ánh sao sáng mãi?
Phải làm gì, làm gì, Để Dân tôi vĩ đại?
Phải làm gì, làm gì, Để Nước tôi hùng cường? Ơi những người ở lại!
Những vần thơ giản dị như một thông điệp gửi gắm trách nhiệm cho những người ở lại phải hành động, sống xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đất nước. GS Vũ Minh Giang cho rằng, di sản mà Tổng Bí thư để lại cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng, cho nhân dân ta vô cùng lớn lao. Vấn đề bây giờ là sau khi Tổng Bí thư đi xa thì mỗi người dân Việt Nam phải làm thế nào để tiếp nối di sản đó. Tổng Bí thư luôn luôn đau đáu là làm sao để đất nước hùng cường, nhân dân phải có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
“Mặc dù giờ đây đất nước ta đang từng bước thực hiện ý tưởng đó. Việt Nam đang ở vị thế mà chưa từng có trong lịch sử thì đấy chính là điều kiện để chúng ta có thể thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước hùng cường và phải làm sao đó mỗi người dân thể hiện được ý thức dân tộc, lòng yêu nước theo tấm gương mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra”, GS Vũ Minh Giang khẳng định, đồng thời cũng nhấn mạnh, trong mỗi người dân Việt Nam ý thức dân tộc tự chảy trong huyết quản. Tấm gương quên mình vì đất nước, vì dân tộc của Tổng Bí thư sẽ là ngôi sao chỉ đường cho tất cả mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tình nguyện xung phong trên mọi lĩnh vực.
Trong những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm, tin yêu, kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Trong các bài phát biểu tại các sự kiện quan trọng của tổ chức Đoàn Thanh niên, Tổng Bí thư luôn khẳng định thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia; đồng thời, có nhiều định hướng, chỉ đạo, truyền cảm hứng cho thanh niên, tổ chức Đoàn phát triển. Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư thường trực Thành đoàn Hà Nội cho rằng, trong những thông điệp gửi đến cho thế hệ trẻ, Tổng Bí thư thường nhắc đến hai chữ tiên phong. Thanh niên phải tiên phong trong lao động sản xuất, tiên phong trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, tiên phong trên lĩnh vực khoa học và công nghệ. Và đấy là điều căn dặn mà anh và các bạn trẻ khắc ghi nhất.
“Trong suốt những năm qua, cụ thể hóa những lời căn dặn cũng như các chỉ đạo của Tổng Bí thư, thanh niên Việt Nam nói chung và thanh niên Thủ đô nói riêng đang tiên phong trên nhiều lĩnh vực để đóng góp sức trẻ vào sự phát triển của Thủ đô, đất nước”. Theo anh Nguyễn Đức Tiến, được thừa hưởng những thành quả cách mạng của Đảng, của dân tộc, tuổi trẻ Thủ đô có rất nhiều điều kiện được trưởng thành, cống hiến và được khẳng định mình. Bởi vậy Thành đoàn Hà Nội đã và sẽ tiếp tục các chương trình hành động cụ thể để góp phần xây dựng người Hà Nội hào hoa, văn minh, thanh lịch, đúng với mong muốn của Tổng Bí thư trong việc xây dựng cốt cách con người Hà Nội.
Chào đồng bào, tôi đi "công tác"
"Chuyến đi" này chắc chắn sẽ rất lâu
Xin bà con cố nén buồn sầu
Có thương tôi, hãy vững lòng yêu nước
Ai cũng sẽ đi, chỉ là tôi đi trước
Giấc mộng tương lai, xin tiếp tục dựng xây
Nếu có thương tôi, hãy gắng nhớ lời này:
"Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Những câu thơ của Mai Thanh Hạ, một người dân Việt Nam viết để bày tỏ tình cảm của mình nhưng đó cũng là tiếng lòng của những người ở lại. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa nhưng ông sẽ mãi là tấm gương sáng, lan tỏa và tạo nguồn cảm hứng để mỗi người dân Việt Nam trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, tận tâm, tận lực, tận hiến vì nước, vì dân...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin