Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến đất Hà Quảng - Cao Bằng đầu năm 1941 thì đầu năm 1942, Người chỉ thị cho Tỉnh ủy Cao Bằng phải mở rộng căn cứ địa nối Cao Bằng với Bắc Sơn - Võ Nhai (Vũ Nhai) Thái Nguyên “Phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa…”, "xây dựng thành một hành lang chính trị vững chắc từ miền núi xuống miền xuôi để giữ mối liên lạc với Trung ương trong mọi tình huống…".
Đoàn làm phim tìm hiểu về Con đường Nam tiến tại Di tích Bác Hồ dừng chân ở xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. |
Hôm chúng tôi đi trở lại con đường Nam tiến để ghi hình làm phim tài liệu cùng tên, ngoài anh Nông Quang Đông (con trai cụ Nông Văn Lạc), biên kịch còn có anh Võ Hoài Nam (con trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp) và anh Chu Thành (Con trai Thượng tướng Chu Văn Tấn)…
Trong hành trình Nam tiến từ Pác Bó đến Tân Trào để thuận tiện cho lãnh đạo Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, Đoàn hành quân qua nhiều địa điểm, chúng tôi chỉ đi được phần nào. Trong đó, việc hợp nhất các lực lượng để thành lập Việt Nam Giải phong quân tại đình Làng Quặng, xã Định Biên, huyện Định Hóa, ngày 15/5/1945, là một địa chỉ quan trọng…
Sử sách cũng đã nói rất rõ: Thực hiện chủ trương của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941), con đường Nam tiến nối căn cứ Cao Bằng với Thái Nguyên được khai thông vào tháng 10 - 1943. Đầu tháng 5-1945, Bác Hồ cùng đội quân theo lộ trình đã định rời Cao Bằng về xuôi.
Trước đó, từ năm 1942, ông Nông Văn Quang được Bác giao nhiệm vụ bắt liên lạc, đưa thư của Người cho đồng chí Vũ Hưng là cán bộ cốt cán để xây dựng phong trào ở Định Hóa, một huyện có địa thế “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, có tầm chiến lược quan trọng ở Việt Bắc.
Cùng với đồng chí Thiết, ông Quang cơm nắm, muối lạc, đội mưa gió từ Nguyên Bình xuôi Bắc Kạn, tới ngã ba Bờ Đậu, rẽ lên Phú Minh (Đại Từ), rồi qua Quảng Nạp (Bình Thành), đến Trung Hội gần Chợ Chu (Định Hóa)… Bác cho rằng, ngoài giao thông bí mật, phải tổ chức những con đường quần chúng để khi thời cơ chuyển biến có thể tiến lên tổng khởi nghĩa. Trước mắt, Người yêu cầu mở đường Nam tiến, cử một số cán bộ có nhiệm vụ khai thông con đường từ Đông Khê (Thạch An, Cao Bằng) về Đình Cả (Võ Nhai, Thái Nguyên); Ban Xung phong Nam tiến mở con đường từ Nguyên Bình qua Ngân Sơn, Chợ Rã nối liền với Chợ Chu (Định Hóa) và huyện Đại Từ.
Chi bộ Nam tiến được thành lập, gồm các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Lê Thiết Hùng. Bằng nhiều hình thức vận động đồng bào Tày, Nùng, Dao... đến giữa tháng 10-1943, tuyến đường Nam tiến và Bắc tiến (đồng chí Chu Văn Tấn từ Võ Nhai phát triển lên) đã gặp nhau tại xã Nghĩa Tá, Chợ Đồn, Bắc Kạn. Như vậy, con đường Nam tiến Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên được khai thông, thực hiện thắng lợi chủ trương của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng mà Nghị quyết 8 Trung ương Đảng đã đề ra là nối liền căn cứ địa Cao Bằng với Bắc Sơn, Võ Nhai và thông xuống nữa nối liền với phong trào cả nước.
Từ tháng 2-1943 đến khoảng giữa tháng 10-1943, có 19 đội xung phong Nam tiến xuất phát từ Tam Kim (Nguyên Bình), qua xã Cốc Đán (Ngân Sơn)... hoạt động trên các tuyến đường Nam tiến. Đồng thời, từ Cao Bằng cũng đã tổ chức được những đội xung phong hoạt động theo các hướng “Đông tiến” và “Tây tiến” để tuyên truyền và gây dựng cơ sở cách mạng. Nhờ đó, căn cứ Cao - Bắc - Lạng được mở rộng, lan dần sang các tỉnh lân cận, con đường quần chúng cách mạng, một hành lang của Đảng, của Mặt trận Việt Minh được hình thành.
Để chuẩn bị cho hành trình, Bác thành lập Tiểu đội bảo vệ gồm 12 người, 10 học sinh Cao Bằng do đoàn thể lựa chọn. Tổng cộng đoàn đi với Bác từ Pác Bó về xuôi có 25 người. Ngày 4/5/1945, Đoàn xuất phát từ Pác Bó, đi theo con đường Nam Tiến mà Người đã chỉ đạo, các đồng chí chuẩn bị từ trước. Ngày 5/5/1945, Đoàn tới địa danh Lam Sơn. Từ ngày 5 đến ngày 8/5/1945, Bác làm việc với các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Đặng Văn Châu, Vũ Anh, Phạm Văn Đồng, Đặng Văn Cáp...
Ngày 9/5/1945, Bác rời Lam Sơn đến bản Khuổi Lầy, xã Thịnh Vượng, huyện Nguyên Bình. Ngày 10/5/1945, Bác cùng Đoàn đi Ngân Sơn, qua Đèo Bè Le, theo Quốc lộ Cao Bằng - Thái Nguyên rẽ xuống bản Lũng Sao, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn.
Ngày 11/5/1945, Bác qua bản Sành đến bản Hoàng Phài (xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn). Tối hôm đó, cuộc gặp gỡ thân mật giữa Bác với đại diện các đoàn thể liên hoan văn nghệ kéo dài đến 9 giờ đêm. Tối 13/5/1945, Đoàn đến Chợ Rã. Ngày 14/5/1945, Đoàn vượt “Núi Cứu Quốc” qua Kheo Cáo, qua bản Pác Phai dưới chân núi Phia Boóc.
Di tích Tổng Luyên, địa điểm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dừng chân nói chuyện với bà con Chợ Rã, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), trên hành trình từ Pác Bó đến Tân Trào (tháng 5-1945). |
Ngày 15/5/1945, Bác tiếp tục cuộc hành trình. Chiều tối, Bác đến Bản Cải (xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Ngày 16/5/1945, Bác hành trình đến Chợ Đồn. Ngày 17/5/1945, Bác đến Nà Kiến (xã Nghĩa Tá), điểm cuối cùng của huyện Chợ Đồn, cũng là nơi gặp nhau của đoàn quân Nam tiến với đoàn quân Bắc tiến.
Trước đó, ngày 15/5/1945, tại đình làng Quặng xã Định Biên gần đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tổ chức sáp nhập Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Bác Hồ ở đây 3 ngày (từ 17/5/1945 đến 19/5/1945).
Từ Chợ Chu, Định Hóa, Thái Nguyên, đồng chí Văn (Võ Nguyên Giáp) đi ngựa vượt Đèo So đón Bác. Ngày 20/5/1945, Bác từ Nà Kiến đi tiếp và ngày 21/5/1945, Bác cùng Đoàn đến đình Hồng Thái, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Đồng chí Chu Văn Tấn và đồng chí Song Hào cùng một số cán bộ có mặt đón Bác. Người vào làng Tân Lập, ở tại nhà ông Nguyễn Tiến Sự, Chủ nhiệm Việt Minh. Sau đó, Bác chuyển lên lán Nà Lừa. Bác về Tân Trào, triệu tập Quốc dân Đại hội, thành lập Ủy ban Giải phóng, phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, thành lập nhà nước công nông, mở ra thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Chúng tôi đi qua những địa danh và di tích lịch sử, nơi 79 năm trước Bác Hồ hành quân qua. Bản làng tươi đẹp, cuộc sống đủ đầy, đường, điện, trường đều đã khang trang... Bản Lũng Sao, xã Bằng Vân; bản Hoàng Phài, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn (Cao Bằng); bản Khuổi Mản, xã Hà Hiệu, Cốc Lùng, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, hay bản Tổng Luyên thuộc thị trấn Chợ Rã; bản Cài, thôn Nà Làng, xã Phương Viên, Nà Pay xã Nghĩa Tá huyện Chợ Đồn... là những địa danh gắn liền với lịch sử cách mạng...
Tại Lễ tổng kết cuộc hành quân lịch sử năm ấy, đồng chí Võ Nguyên Giáp, người tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến đánh giá: “Con đường Nam tiến mở ra theo chỉ thị của Bác và dưới sự chỉ đạo của Ban xung phong Nam tiến đã thành công xuất sắc, nối Cao Bằng và Thái Nguyên, Tuyên Quang. Các đội xung phong Nam tiến đã góp phần xứng đáng vào thành công đó”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin