Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2024):
Xứng đáng với vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng

Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên 06:44, 01/08/2024

Công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Ðảng, là nhân tố hàng đầu bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Những năm qua, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, coi trọng công tác tư tưởng, coi đây là nội dung trọng yếu, nhân tố quan trọng tạo nên sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng và sự đồng thuận của toàn xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong mỗi chặng đường cách mạng, công tác tư tưởng nói chung, hoạt động của ngành Tuyên giáo Thái Nguyên nói riêng đã đóng góp xứng đáng vào thành quả chung của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trao giải cho các thí sinh tại Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh năm 2024. Ảnh: H.T
Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trao giải cho các thí sinh tại Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh năm 2024. Ảnh: H.T

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của công tác tư tưởng; coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên nhằm truyền bá, phổ biến hệ tư tưởng cách mạng trong xã hội, khơi dậy tinh thần yêu nước, thúc đẩy các tầng lớp nhân dân hành động tích cực và sáng tạo để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người đã nhấn mạnh: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc” và “Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”.

Nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng, những năm qua, các cấp ủy đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các mặt công tác tư tưởng và thực tiễn quá trình phát triển của tỉnh là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.

Chính nhờ làm tốt công tác tư tưởng, nhân dân Thái Nguyên luôn đi theo Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực hưởng ứng, thực hiện các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Từ đó xây dựng được sức mạnh tổng hợp to lớn và giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Đóng góp vào kết quả chung đó, ngành Tuyên giáo Thái Nguyên qua các thời kỳ luôn phát huy vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng bộ tỉnh; chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn làm tốt công tác tư tưởng; bảo đảm công tác tư tưởng luôn đi trước một bước và đạt nhiều kết quả nổi bật trên mọi lĩnh vực:

Công tác tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt, góp phần nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, củng cố khối đại đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đảm bảo đầy đủ, nghiêm túc, từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả; góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân - là tiền đề quan trọng để tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng.

Công tác tuyên truyền xây dựng Đảng được tăng cường và đạt hiệu quả, nhất là việc tuyên truyền triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng có bước đổi mới, đi vào chiều sâu; chú trọng đưa nội dung tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, cơ quan, đơn vị, tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn vào sinh hoạt chi bộ, các chương trình giáo dục, bồi dưỡng, góp phần tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống lịch sử cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị tiếp tục được đẩy mạnh, đổi mới về nội dung, hình thức đa dạng, phong phú hơn, gắn lý luận với thực tiễn. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được quan tâm triển khai thực hiện, nhất là việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy các cấp đảm bảo tính khoa học và thực tiễn. Ngành Tuyên giáo tỉnh đã tham mưu tổ chức nhiều hội thảo gắn với kỷ niệm các ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước và của tỉnh để góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh.

Công tác khoa giáo, văn hóa, văn nghệ tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; tập trung triển khai xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thái Nguyên trong thời kỳ mới, trong đó xác định văn hóa luôn là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện...

Công tác dự báo, nắm tình hình tư tưởng, xử lý thông tin, định hướng dư luận xã hội được tăng cường, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, không để hình thành “điểm nóng”.

Chất lượng hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng, cập nhật kiến thức mới được nâng lên; phát huy vai trò của báo cáo viên, tuyên truyền viên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác không để các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc xâm nhập vào địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí trên địa bàn được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, nhạy bén, hiệu quả, đảm bảo nguyên tắc báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển trong điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh.

Các đại biểu tham quan không gian trưng bày ấn phẩm tuyên truyền về biển đảo tại TP. Sông Công. Ảnh: T.L
Các đại biểu tham quan không gian trưng bày ấn phẩm tuyên truyền về biển đảo tại TP. Sông Công. Ảnh: T.L

Các cơ quan báo chí của tỉnh, cổng/trang thông tin điện tử, ấn phẩm truyền thông bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức, tăng thời lượng phát sóng, lượng thông tin, tính thời sự, mở thêm nhiều chuyên mục tăng tính hấp dẫn, thuyết phục, từng bước nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền.

Điểm mới, nổi bật trong công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh thời gian qua là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin theo tinh thần Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số. Cùng với cả nước, Thái Nguyên đã tích cực tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến đến cấp cơ sở với sự tham gia của hàng chục nghìn đảng viên mỗi đợt.

Các tài liệu phục vụ sinh hoạt chi bộ được gửi đến từng đảng viên thông qua ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử. Qua đó góp phần cung cấp thông tin nhanh, chính xác phục vụ công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện ở cơ sở, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, kinh phí nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả chuyên môn.

Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh trên hệ thống các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là lồng ghép qua các hội thi, cuộc thi, livestream trên internet, mạng xã hội. Cùng với đó, các trang, nhóm cộng đồng trên mạng xã hội từ tỉnh đến cơ sở được thành lập, duy trì, tạo dòng thông tin chính thống, chủ lưu, định hướng dư luận; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận được những thông tin tin cậy, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp...

Có thể nói, với những kết quả đã đạt được trên mặt trận tư tưởng thời gian qua, ngành Tuyên giáo Thái Nguyên đã thể hiện đúng vai trò là mũi nhọn xung kích, là “vũ khí” sắc bén trong công tác tư tưởng của Đảng. Qua đó nâng cao nhận thức chính trị của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: “Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng”.

Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển của tỉnh, đòi hỏi công tác tuyên giáo nói chung, công tác tư tưởng nói riêng phải tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, thực chất và ngày càng đi vào chiều sâu, mang tính bền vững để tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã đề ra. Đặc biệt phải là cầu nối tình cảm, tư tưởng, chính trị của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng.

Tiến tới đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, đòi hỏi công tác tư tưởng phải hoàn thành sứ mệnh tiên phong, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động, góp phần tổ chức thành công đại hội và triển khai đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống, tạo nên bệ phóng vững chắc để Thái Nguyên bứt phá, hiện thực hóa khát vọng phát triển...