Thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đón chúng tôi trong một buổi sáng rất đẹp. Những hạt mưa li ti lấp lóa trên từng ô cửa, nơi có những ánh mắt thân thiện của người dân hướng về đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới thăm Trung Quốc.
Quảng Châu gây ấn tượng mạnh mẽ với chúng tôi không chỉ bởi vẻ sôi động, náo nhiệt của những công trình kiến trúc cao vút trời, sừng sững giữa lòng thành phố mà còn bởi vẻ thanh bình của điệp trùng rừng cây, bởi thanh âm trong trẻo, sâu lắng của những bản cổ nhạc Trung Hoa quyện lòng người.
Dù đã biết vai trò, tầm quan trọng của chuyến thăm, song chúng tôi khá bất ngờ trước sự quan tâm của truyền thông Trung Quốc về chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Trên các trang báo lớn của Trung Quốc đều đăng hình ảnh chân dung Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và dành nhiều bài phỏng vấn, bài viết, dẫn nhiều ý kiến chuyên gia, học giả, nhân sĩ đánh giá và nhận định về ý nghĩa, mục đích của chuyến đi, đặc biệt là đề cao mối quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” của Việt Nam-Trung Quốc. Đúng như thông điệp mà Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba khẳng định: Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc là biểu hiện sinh động của “mối tình thắm thiết Việt-Hoa”, làm nổi bật quan hệ hữu nghị đặc biệt của hai Đảng, hai nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân đến Sân bay Quốc tế Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: TTXVN |
Lời khẳng định ấy của Đại sứ Hùng Ba đã được minh chứng trong thực tế qua cách đón tiếp trọng thị, nồng hậu của nước chủ nhà dành cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác. Ngay sau khi chuyên cơ hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, đồng chí Vương Vĩ Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông cùng các quan chức tỉnh Quảng Đông nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Sân bay rực rỡ Quốc kỳ Việt Nam và Quốc kỳ Trung Quốc.
Từ sân bay Bạch Vân, chỉ sau hơn 30 phút di chuyển bằng xe buýt, Công viên nghĩa trang Hoàng Hoa Cương hiện ra trước mắt chúng tôi với hàng cây xanh mướt. Những hạt mưa nhỏ buổi sáng dần thấm vào lòng đất, trên cao mây trắng bồng bềnh, những tia nắng ấm áp quyện trong làn khói bảng lảng hương trầm. Phần mộ của liệt sĩ Phạm Hồng Thái nằm sâu trong khu công viên, trên đó có dòng chữ “Mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái” bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc.
Thành kính dâng vòng hoa, dâng nén nhang thơm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ liệt sĩ Phạm Hồng Thái, bày tỏ lòng biết ơn sự hy sinh của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nguyện phát huy truyền thống đoàn kết, cách mạng, ý chí tự lực tự cường, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Đã nhiều lần đón các đoàn khách Việt Nam đến với công viên, song mỗi lần được giới thiệu về liệt sĩ Phạm Hồng Thái, giọng nữ hướng dẫn viên người Trung Quốc vẫn rưng rưng. Đồng chí Phạm Hồng Thái sinh năm 1895, quê ở tỉnh Nghệ An, là một chiến sĩ yêu nước của Việt Nam. Thời niên thiếu, ông tham gia tổ chức Việt Nam Quang Phục hội và tích cực tham gia các phong trào yêu nước giải phóng dân tộc. Vào ngày 19-6-1924, đồng chí Phạm Hồng Thái cùng tổ chức Tâm Tâm xã đã tổ chức ám sát Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin khét tiếng khi đang công tác tại Quảng Châu. Vụ ám sát bất thành, Toàn quyền Merlin chỉ bị thương. Đồng chí Phạm Hồng Thái đã hy sinh trong sự truy sát của kẻ thù. Sự kiện này đã để lại tiếng vang rất lớn tại Trung Quốc cũng như trên thế giới với tên gọi “Tiếng bom Sa Diện”.
Rời Công viên nghĩa trang Hoàng Hoa Cương, các thành viên trong đoàn đều tự hào về người thanh niên cách mạng dám xả thân vì nghĩa lớn, vì Tổ quốc đã hy sinh thân mình giữa tuổi thanh xuân tươi đẹp, đến hôm nay vẫn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân Quảng Châu.
Sau đó, đoàn đến Khu di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên nằm trên con phố Văn Minh hoa lệ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm xúc động khi xem những bức ảnh ghi lại các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Châu từ tháng 11-1924 đến tháng 5-1927. Đây cũng là một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong thời kỳ hoạt động cách mạng của Người ở nước ngoài.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, là một người bạn được nhân dân Trung Quốc yêu quý, kính trọng. Trong niềm xúc động, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã ghi lưu bút: “Đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước Việt Nam vô cùng xúc động đến thăm di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên-nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã có những năm tháng hoạt động cách mạng, nơi đã đào tạo nên những thế hệ người cộng sản kiên trung đầu tiên của Việt Nam, nơi đã chứng kiến tình cảm quốc tế cộng sản vô tư, trong sáng và tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết, gắn bó, “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc...”!
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định: Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm diễn ra vào thời điểm rất đặc biệt, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Moscow đến Quảng Châu với tư cách đại diện của Quốc tế Cộng sản để hoạt động cách mạng. Đây là những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà cách mạng Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, nhất là trong việc thành lập “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng ta (tháng 6-1925).
Thông qua chuyến thăm, hai bên cùng ôn lại lịch sử phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước; đồng thời thể hiện Việt Nam luôn trân trọng, cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Trung Quốc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Ghi chép của phóng viên Báo Quân đội nhân dân (từ Quảng Đông, Trung Quốc)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin