Những ngày thu, trên các tuyến đường, ngõ phố ở phường Tiên Phong (TP. Phổ Yên), cờ đỏ sao vàng phấp phới, không khí vui tươi hiển hiện trên từng gương mặt. Từ một xã thuần nông còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tiên Phong không ngừng vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Di tích lịch sử Soi Quýt - 1 trong 4 điểm di tích được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch xếp hạng Quốc gia năm 1990. |
Đưa chúng tôi tham quan một số di tích lịch sử ở các tổ dân phố: Cổ Pháp, Yên Trung, Nguyễn Hậu… ông Nguyễn Văn Cương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Tiên Phong, tự hào nói: Cán bộ và nhân chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi được sinh ra, lớn lên ở mảnh đất giàu truyền thống lịch sử. Bởi, đây là quê hương của vị vua đầu tiên, người có công khai sinh ra nước Vạn Xuân - mở đầu triều Tiền Lý, cũng là nơi được chọn làm An toàn khu II (ATK) trong kháng chiến chống thực dân Pháp - nơi ở và làm việc của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ trong thời kỳ hoạt động bí mật (năm 1941).
Dừng chân bên di tích lịch sử Soi Quýt - 1 trong 4 điểm di tích (gồm Soi Quýt, nhà ông Ngô Hải Long, nhà bà Hoàng Thị Tỳ và Lưu Thị Phận) được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch xếp hạng Quốc gia năm 1990, ông Cương giới thiệu: Nơi đây từng là đầu mối liên lạc, địa điểm đi lại, hoạt động của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Trung ương Đảng thời kỳ 1939-1945 giữa ATK huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) và xã Tiên Phong (Phổ Yên).
Với 6 di tích lịch sử cấp Quốc gia và 7 di tích lịch sử cấp tỉnh, Tiên Phong trở thành “địa chỉ đỏ” trong giáo dục truyền thống cách mạng. Trên cơ sở này, hoạt động tuyên truyền lịch sử Đảng, lịch sử địa phương được phường quan tâm thực hiện thường xuyên, bằng nhiều hình thức phù hợp như: Chăm sóc, chỉnh trang các di tích, tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết… Qua đó vừa tri ân, vừa nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay nêu cao lòng tự hào dân tộc, tiếp bước cha anh, kế tục sự nghiệp cách mạng bằng việc góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Theo ông Ngô Ngọc Tâm, Chủ tịch UBND phường Tiên Phong: Năm 2022, phường được thành lập trên cơ sở một xã thuần nông, hạ tầng còn thiếu và yếu. Do vậy, hằng năm cùng với sự đầu tư của Nhà nước, địa phương cũng huy động nguồn lực từ nhân dân, tranh thủ các điều kiện thuận lợi để xây dựng, nâng cấp các công trình phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân. Từ năm 2021 đến nay, phường đã xây dựng được 11,8km đường giao thông, xây dựng và sửa chữa hơn 3km kênh mương…
Vùng quê cách mạng Tiên Phong. |
Hiện nay, Tiên Phong cũng đang được triển khai một số dự án trọng điểm, góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương như: Tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục); điểm dân cư nông thôn Cầu Gô phường Tiên Phong; đường Vành đai 5 đi chùa Hương Ấp; cải tạo, nâng cấp tuyến đường dốc Cao Vương - đê Hà Châu với chiều dài gần 1km; cải tạo nâng cấp tuyến đường ATK phường Tiên Phong với chiều dài 3,29km… Trong quá trình triển khai, công tác giải phóng mặt bằng được địa phương tập trung đẩy mạnh, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Cùng với đầu tư xây dựng hạ tầng, việc nâng cao thu nhập cho người dân cũng được phường Tiên Phong quan tâm. Không chỉ tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, phường cũng xây dựng thành công các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả.
Đến nay, ngoài việc duy trì và phát triển Làng nghề truyền thống mây tre đan Thù Lâm, Hảo Sơn; Làng nghề gỗ mỹ nghệ Giã Trung, địa phương cũng khuyến khích phát triển, mở rộng gần 100 cơ sở kinh doanh thương mại, vận tải, may mặc, cơ khí, ăn uống (tăng hơn 30 cơ sở so với năm 2021)…
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thường xuyên được quan tâm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Riêng năm 2023, toàn phường có hơn 400 lao động được tạo việc làm mới; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt xấp xỉ 70 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 5 triệu đồng/người/năm so với năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin