Chiều 7/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại họp báo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan các vấn đề mà dư luận xã hội đang quan tâm.
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 (Ảnh: VGP). |
Tăng cường quản lý chặt các cơ sở mái ấm
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, vụ việc Mái ấm Hoa Hồng ở Quận 12 Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu được xác định là vụ bạo lực, bạo hành trẻ em. Thứ hai là cũng liên quan đến yếu tố lợi dụng việc từ thiện nhân đạo. Ngay sau khi các phóng viên phát hiện, Bộ đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan ban ngành của Thành phố phối hợp vào cuộc, xử lý ngay vụ việc. Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành ngay Công điện số 02 gửi Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng để vào cuộc xử lý.
Thứ trưởng cho biết, cơ sở Mái ấm này không phải cơ sở tự phát mà được Quận 12 cấp phép hoạt động. Khi vụ việc xảy ra, số lượng 86 cháu là vượt công suất được cấp phép (cấp phép chỉ được 35 cháu). 86 cháu này đã được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và Quận 12 đưa vào 3 cơ sở bảo trợ xã hội công lập để chăm sóc, bảo đảm quyền lợi của trẻ em. Có 2 cháu đã được gia đình đón về. Cơ sở Mái ấm Hoa hồng hiện đã bị thu hồi giấy phép và tạm giữ các cá nhân, củng cố hồ sơ pháp lý để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8. (Ảnh: VGP) |
Về các mái ấm và cơ sở tự nguyện trên cả nước, theo tinh thần của Luật Trẻ em và luật pháp có liên quan, Nhà nước ta khuyến khích và có các cơ chế chính sách để huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm sóc giúp đỡ cho trẻ em. Việc thành lập và tổ chức hoạt động các cơ sở này có quy định theo các cấp: xã, huyện, tỉnh. Quy định của pháp luật nghiêm cấm việc thiện nguyện để trục lợi, nghiêm cấm các hành vi bạo lực, bạo hành xâm hại trẻ em. Có nhiều góc độ xử lý, nhẹ thì xử phạt hành chính, nặng thì xử lý hình sự. Các loại hình cơ sở hiện nay có nhiều và hoạt động theo cơ chế phân cấp. Tất cả các cơ sở phải hội tụ đầy đủ các tiêu chí, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân viên chăm sóc… theo quy định.
Trong thời gian tới, qua vụ việc của Mái ấm Hoa hồng, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành có liên quan tăng cường thanh tra kiểm tra. Vụ việc ở Mái ấm Hoa hồng có liên quan đến công tác quản lý. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra kiểm tra chưa xử lý được. Và đây là liên quan đến buông lỏng quản lý. Qua vụ việc này, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, rà soát trên cả nước. Đặc biệt là cấp xã phải tăng cường kiểm tra thanh tra tại cơ sở, cấp huyện tăng cường công tác thanh tra kiểm tra cấp huyện, cấp tỉnh cũng vậy. Cơ sở nào chưa có giấy phép hoạt động thì dừng. Cơ sở nào chưa hội tụ đủ các tiêu chí điều kiện thì khẩn trương hoàn thiện để tăng cường năng lực chăm sóc trẻ em. Đề nghị tăng cường công nghệ áp dụng trong việc giám sát thường xuyên, liên tục việc chăm sóc trẻ em tại các cơ sở, mái ấm.
Tăng cường thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước về quy định liên quan đến chăm sóc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là quy định mới nhất của Nghị định số 110/2024/NĐ-CP Chính phủ mới ban hành về công tác xã hội. Trong này có một số nhóm quy định như hoạt động thiện nguyện, Nhà nước tạo các cơ hội cho các tổ chức cá nhân có thể giúp đỡ người khó khăn nhưng phải bảo đảm đúng quy trình, quy định, không được bóc lột lợi dụng, hành hạ, xâm hại các đối tượng… Bên cạnh đó là các chính sách liên quan đến các cơ sở dịch vụ chuyên nghiệp phải tuân thủ các tiêu chí điều kiện và phải được phép hoạt động. Tăng cường công tác về truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phát hiện các vụ việc, xử lý nhanh và tăng cường công tác thanh tra kiểm tra.
Tích cực chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Quy mô, tính chất rất mới; đây là việc hệ trọng, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2024- 2025. Xác định tính chất quan trọng này, ngay từ đầu năm 2023, lãnh đạo Bộ đã tập trung chỉ đạo, với nguyên tắc là bám sát chỉ đạo của Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội, Nghị quyết 144 của Chính phủ. Theo đó, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 phải bảo đảm gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém và đảm bảo chất lượng, đánh giá khách quan chất lượng dạy và học; cung cấp dữ liệu đủ tin cậy để tuyển sinh các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng làm công tác tuyển sinh của mình.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8. (Ảnh: VGP) |
Trên cơ sở đó, Bộ tích cực chuẩn bị và những việc đã làm tập trung vào 4 nội dung sau:
Công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi vào ngày 28/11/2023, sớm hơn một năm rưỡi, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và các cơ sở giáo dục.
Ban hành cấu trúc và định dạng đề thi để các thầy cô giáo và học sinh để thuận lợi trong công tác dạy và học.
Tổ chức tập huấn cho hơn 3.000 giáo viên cốt cán về phương pháp và nâng cao kỹ năng ra đề, kiểm tra đánh giá thường xuyên đề thi tốt nghiệp THPT.
Bộ đã ban hành các văn bản hướng dẫn trong năm học và các văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động mọi phương án về cơ sở vật chất, nhân lực, phương án chuyên môn, phương án dạy và học để tập trung cho công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Những việc sẽ làm cũng có mấy nội dung sau: Thứ nhất, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 9 này ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác lãnh đạo, phối hợp để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024-2025. Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ tham mưu… Điều này thể hiện sự quan tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với một công việc khó, có tác động rất lớn đối với xã hội.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đăng tải trên mạng về việc ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi. Dự kiến sau khi tiếp thu ý kiến hoàn thiện sẽ ban hành vào tháng 11/2024 này, sớm hơn 3 tháng so với các kỳ ban hành quy chế khác.
Thứ ba, Bộ đang xây dựng và sẽ công bố đề thi mẫu để học sinh và giáo viên căn cứ làm cơ sở phục vụ cho công tác dạy học.
Thứ tư, tiếp tục tổ chức hội nghị, hội thảo tập huấn về công tác chuyên môn liên quan đến đề thi.
Thứ năm, chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tốt cho công tác này theo các nhóm nhiệm vụ: Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị; Nhân lực và công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên; Công tác dạy và học thường xuyên;
Thứ sáu, tăng cường cơ sở vật chất chung của Bộ cũng như các tỉnh, thành phố, nhất là phần mềm tổ chức kỳ thi.
Với tinh thần chuẩn bị như vậy, Bộ đã chủ động, tích cực, hiệu quả và bám sát nguyên tắc chỉ đạo của các nghị quyết cũng như tình hình thực tiễn mà ngành giáo dục đào tạo đang chỉ đạo. Đây cũng là công việc có tác động đến xã hội rất lớn. Chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí tiếp tục phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo truyền thông, tăng cường nâng cao nhận thức, kiến thức, đặc biệt là công tác dạy học và tổ chức cho kỳ thi sắp tới.
Triển khai đăng ký xe lần đầu toàn trình trên Cổng dịch vụ công VNeID
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: từ ngày 1/8 Bộ Công an triển khai đăng ký xe lần đầu toàn trình trên Cổng dịch vụ công VNeID. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an là một trong những bộ đi đầu, quyết tâm trong việc triển khai dịch vụ công. Đến nay, Bộ Công an đã thực hiện triển khai toàn bộ 224 dịch vụ công trực tuyến, chiếm số lượng rất cao là toàn trình với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc triển khai này nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của người dân.
Thí dụ như triển khai toàn trình việc cấp hộ chiếu phổ thông, người dân hiện nay không phải đến trực tiếp. Cho đến nay, số liệu trong 8 tháng đầu năm, Bộ Công an đã giải quyết 4,5 triệu yêu cầu về dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, riêng tháng 8, số liệu dịch vụ công trực tuyến giải quyết được gần 500.000 hồ sơ, chiếm hơn 99%.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an. (Ảnh: VGP) |
Lĩnh vực đăng ký xe là lĩnh vực rất thiết yếu và phổ biến của người dân. Hiện nay, thủ tục đăng ký xe lần đầu tương đối phức tạp như nộp lệ phí, thuế, đăng ký số khung, số máy… Bộ Công an xác định đây là một trong những thủ tục dịch vụ công rất sát với người dân. Lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đến ngày 29/6/2024 ban hành Thông tư 28 trong đó quy định từ ngày 1/8/2024, ngành Công an thực hiện cung cấp dịch vụ công đăng ký xe lần đầu toàn trình trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an và ứng dụng VNeID đối với ô-tô, xe mô-tô sản xuất lắp ráp trong nước đối với chủ xe là công dân Việt Nam.
Đây là quy định rất sớm, quyết tâm rất cao của Bộ. Dù tháng 6 ban hành Thông tư và 1/8 đã triển khai nhưng cơ quan chức năng của Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan làm nhiều việc, trong đó có việc gắn kết, kết nối giữa bên Đăng kiểm thuộc Bộ Giao thông vận tải, thủ tục nộp thuế của Bộ Tài chính, thường xuyên giữ quy trình, quy phạm, tổ chức tập huấn với cường độ làm việc rất tập trung. Đúng ngày 1/8 dịch vụ này đã được triển khai trên thực tế.
Trong tháng đầu tiên, từ 1/8 đến 31/8 đã có 728 xe, trong đó có 108 ô-tô, còn lại là xe mô-tô. Đến chiều qua, 6/9, số lượng xe đăng ký trực tuyến tăng lên gấp đôi, khoảng 1.620 xe, Cơ quan công an đã làm thủ tục xong 1.383 hồ sơ, trong đó 1.083 ô-tô, mô-tô, còn lại đang chờ bấm biển và thanh toán.
Việc làm hồ sơ trực tuyến toàn trình như vậy mang lại rất nhiều tiện ích, cải cách thủ tục hành chính, người dân không phải đến cơ quan, không phải đăng kiểm xe trực tiếp mà có thể bấm biển số trực tuyến tại nhà. Do vậy giúp cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc làm thủ tục này.
Cho đến nay, bước đầu triển khai tổ chức toàn trình đối với đăng ký lần đầu xe sản xuất trong nước nhận được sự phản ánh rất tích cực của người dân và toàn xã hội.
Do đây là dịch vụ mới đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ nên những ngày đầu tiên triển khai vẫn còn vướng mắc và có những khó khăn nhất định, đặc biệt là xung quanh việc kết nối, tương thích giữa các phần mềm, tra cứu dữ liệu, nhiều thủ tục rất mới với người dân. Tuy nhiên đến nay, cơ quan công an đã thực hiện rất tốt thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, đăng kiểm của Bộ Giao thông vận tải. Cơ bản những tồn tại, vướng mắc đối với thủ tục toàn trình với xe đăng ký lần đầu đã được tháo gỡ và đi nề nếp.
Bộ Công an đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục giúp Bộ Công an tổ chức truyền thông mạnh mẽ việc thực hiện dịch vụ này để giảm thiểu vất vả, đi lại của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc đăng ký xe lần đầu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin