Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), sáng 4/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp nhằm tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp vào đổi mới và phát triển đất nước; đồng thời lắng nghe chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Dự cuộc gặp mặt có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; hơn 200 doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam.
Mở đầu cuộc gặp mặt, nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tham dự, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thư gửi tới giới Công Thương Việt Nam nhằm khuyến khích sự phát triển và nhấn mạnh vai trò của giới Công Thương đối với nền kinh tế quốc gia: “Hiện nay Công Thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc, lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng…”.
Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, cách đây 20 năm, ngày 13/10 hằng năm đã được chọn là ngày Doanh nhân Việt Nam, với ý nghĩa chính là khuyến khích và tôn vinh vai trò của những doanh nhân đã cống hiến nhiều thành tựu cho Tổ quốc và nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
Hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng đề nghị, tại buổi gặp mặt, các đại biểu, nhất là các doanh nhân, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cùng suy nghĩ, chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ, nguyện vọng về sự phát triển của doanh nghiệp, tập đoàn và của đất nước ta, đặc biệt trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Thủ tướng mong muốn các doanh nhân có thể đóng góp hơn nữa như thế nào cho phát triển kinh tế - xã hội, phát huy vai trò tiên phong trong việc tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; tham gia vào các xu thế, lĩnh vực mới nổi của thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10). Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Các doanh nhân, doanh nghiệp có những kiến nghị, đề xuất, tham mưu, hiến kế gì cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp; thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, vươn tầm thế giới; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có đầy đủ phẩm chất, uy tín; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới và trong thế hệ trẻ.
Cùng với đó, các doanh nhân, doanh nghiệp có thể tiếp tục tham gia tích cực hơn như thế nào trong thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giúp đỡ những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin