Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 22-11, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) tham gia thảo luận tổ. |
Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) làm việc tại tổ, thảo luận về 2 nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia tổ thảo luận số 7 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đồng Nai.
Tham gia ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đại biểu Hoàng Anh Công (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị bổ sung vào nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 30 quy định về giám sát việc tiếp công dân.
Đối với hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu thống nhất với phương án “Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, tiến hành các hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”. Về trách nhiệm của các cơ quan trong giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu đề nghị quy định rõ trách nhiệm giải quyết kiến nghị của Đoàn giám sát.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) đóng góp ý kiến. |
Đối với việc bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương” trong hoạt động giám sát, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ sự đồng tình.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị điều chỉnh quy định trên theo hướng kết quả giám sát phải phục vụ đắc lực cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của chính sách, pháp luật. Về quy định lựa chọn chuyên đề giám sát, đại biểu đề nghị chỉ nên quy định nguyên tắc chung.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) đề nghị rà soát, bổ sung quy định về quyền hạn, địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH, ĐBQH, đặc biệt là trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương; cũng như cơ chế theo dõi, đánh giá hoạt động của ĐBQH trong Đoàn ĐBQH để thống nhất thực hiện trong cả nước. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về thẩm quyền của Đoàn ĐBQH trong việc tiến hành giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) nêu kiến nghị về một số nội dung. |
Bên cạnh đó, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã quy định Đoàn ĐBQH có thẩm quyền giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà Đoàn ĐBQH đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, tuy nhiên lại chưa quy định cụ thể về quy trình thực hiện.
Do đó, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị bổ sung nội dung này trong Luật, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ để Đoàn ĐBQH thực hiện chức năng này, đồng thời xem xét bổ sung quy định về phối hợp giám sát giữa Đoàn ĐBQH và HĐND. Về bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp cụ thể hơn để bảo đảm kết luận, kiến nghị giám sát được thực hiện hiệu lực, hiệu quả...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin