Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, Nhà trường đã hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng đề ra, khẳng định được vị trí, vai trò nòng cốt trong hệ thống các trường đại học sư phạm của cả nước. Thành tựu đó là nền tảng vững chắc để Đảng bộ hướng đến mục tiêu xây dựng Nhà trường trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo của cả nước trong giai đoạn tới.
Cán bộ, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. |
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ XX trong bối cảnh có nhiều thuận lợi. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được tích cực triển khai thực hiện. Đảng bộ Nhà trường đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và đạt được một số kết quả quan trọng.
Đảng bộ Nhà trường chú trọng xây dựng Đảng bộ vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và tính tiên phong, gương mẫu của mỗi đảng viên, xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo xây dựng môi trường sư phạm dân chủ, kỷ cương, trách nhiệm và cụ thể hóa thành các chương trình hành động phù hợp với điều kiện của Trường.
Trong quá trình hoạt động, Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới sinh hoạt và công tác phát triển Đảng, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết và chế độ sinh hoạt Đảng theo quy định.
Đảng bộ Nhà trường đã lãnh đạo các đơn vị và từng cá nhân xây dựng kế hoạch hành động phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời triển khai thực hiện tốt việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo nội dung chuyên đề toàn khóa và từng năm.
Trường Đại học Sư phạm tổ chức tập huấn chuyển giao sản phẩm khoa học - công nghệ về giáo dục cho các trường phổ thông. |
Đặc biệt, Đảng bộ Nhà trường duy trì thực hiện tốt các cuộc vận động của ngành Giáo dục, như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XI, XII, XIII của Đảng và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu đơn vị. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng, đảng viên hằng năm.
Sau 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm đã hoàn thành 100% chỉ tiêu được Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ Nhà trường đề ra. Đảng bộ kết nạp được 319 đảng viên mới, cử 806 quần chúng tham gia các lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng; chuyển đảng chính thức cho 97 đồng chí; có 129 đồng chí được bồi dưỡng lý luận chính trị trung cấp, cao cấp.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm đặc biệt chú trọng thực hiện nhiệm vụ đổi mới công tác quản trị theo định hướng tự chủ gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý. Trường đã thành lập mới Khoa Ngoại ngữ trên cơ sở bộ môn Ngoại ngữ; tái cấu trúc để giảm số lượng phòng/ban từ 11 xuống còn 8 đơn vị, số bộ môn thuộc khoa giảm từ 36 xuống còn 31.
Đội ngũ giảng viên có trình độ cao được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng từ 167 người (52,18%) ở đầu nhiệm kỳ lên 193 người (68,44%) và số giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư tăng từ 12,18% đầu nhiệm kỳ lên 19,1%.
Hoạt động chuyển đổi số được triển khai tích cực trong đào tạo thông qua xây dựng và triển khai các bài giảng Elearning. Các phần mềm dạy học trực tuyến hướng tới mục tiêu hiện đại hóa mô hình dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo đã giúp cho hình thức đào tạo của Trường từng bước chuyển đổi số theo hình thức kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến. Hiện nay có khoảng 34,4% học phần trong chương trình đào tạo đại học có bài giảng E-learning.
Quy mô đào tạo ổn định với khoảng 8.000 sinh viên, học viên ở các hệ, các bậc đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có khoảng 1000 học viên cao học thạc sĩ và nghiên cứu sinh. Trường đã xây dựng mới 2 chương trình đào tạo, trong đó có 1 chương trình đào tạo thạc sĩ liên kết quốc tế.
Hiện nay, với 17 chương trình đào tạo bậc đại học, 19 chương trình đào tạo thạc sĩ, 8 chương trình đào tạo tiến sĩ, Nhà trường đã và đang đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao trong lĩnh vực giáo dục cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Trường Đại học Sư phạm triển khai chương trình đổi mới phương pháp giáo dục gắn với hoạt động STEM tại các trường phổ thông. |
Công tác bồi dưỡng giáo viên trong khuôn khổ của chương trình ETEP, Trường đã bồi dưỡng cho trên 3.200 giáo viên phổ thông cốt cán và hỗ trợ trên 70.000 giáo viên phổ thông đại trà bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời bồi dưỡng cho trên 47.000 giáo viên phổ thông, mầm non, giảng viên đại học với các loại hình: Bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Trong nhiệm kỳ qua, Trường đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần khẳng định thương hiệu, uy tín học thuật của Nhà trường. Giảng viên của Trường được phê duyệt và thực hiện 06 đề tài Nhà nước/Nafosted, 40 đề tài cấp bộ/tỉnh, 19 đề tài cấp đại học, 86 đề tài cấp cơ sở; công bố trên 1.600 bài báo khoa học, trong đó có 379 bài trong danh mục WoS/Scopus đạt tỷ lệ 0.332 bài/giảng viên/năm. Có 740 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên được phê duyệt và thực hiện.
Với tỷ lệ bình quân sinh viên đại học tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi, xuất sắc ở hệ chính quy đạt trên 86%, hệ vừa làm vừa học đạt trên 98% trong nhiệm kỳ 2020-2025, người học của Trường có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có kiến thức cơ bản, chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; có năng lực tự học, nghiên cứu, sáng tạo và giải quyết những yêu cầu của lý luận, thực tiễn giáo dục; thích ứng để học tập suốt đời; có năng lực ngoại ngữ, tin học đáp ứng yêu cầu công việc và hội nhập quốc tế.
Xác định giai đoạn 2025-2030 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của Nhà trường, Đảng bộ Trường Đại học Sư phạm đề ra một số giải pháp, trong đó tăng cường công tác xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể chính trị vững mạnh; chú trọng công tác nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học… Qua đó tiếp tục khẳng định vị thế của Nhà trường trong hệ thống các trường đại học sư phạm toàn quốc, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và cả nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin