Không chỉ bắn vào quá khứ, từ bất đồng, mâu thuẫn đến lún sâu vào suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”; từ những hận thù cá nhân đến bị các thế lực thù địch kích động, lôi kéo, họ đã bắn vào chính mình.
Có những người từng mang trên mình bộ quân phục nhưng đã đánh mất đi điều thiêng liêng nhất: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ. Từ niềm tự hào binh nghiệp cách mạng, họ đã đánh mất tất cả, đánh mất danh dự, đánh mất niềm tin của gia đình, bạn bè, đồng đội, nhân dân và đánh mất chính bản thân mình!
Ngược dòng và đánh mất
Ít ai biết rằng vị tiến sĩ, doanh nhân trên đã từng là một sĩ quan, con trai duy nhất trong gia đình có cha là liệt sĩ chống Pháp và được Đảng, Nhà nước cử đi học ở châu Âu những năm chiến tranh chống Mỹ, được trọng dụng với nhiều vị trí công tác tốt sau này lại trở thành kẻ chống phá đất nước. Vậy mà càng về sau, vị tiến sĩ này càng đổi màu, suy thoái về tư tưởng chính trị. Ông ta đứng tên trong những đơn, thư đòi đổi tên Đảng, tên nước, xóa bỏ Hiến pháp, thay đổi chế độ; từng cùng nhóm “Diễn đàn xã hội dân sự 21” sang Đức trình bày kế hoạch về lật đổ chế độ ở Việt Nam; thường xuyên nói, viết trên các hãng truyền thông nước ngoài để đưa ra các luận điệu xuyên tạc, chống phá. Ông ta còn lập ra cái gọi là “Quỹ tù nhân lương tâm”, xuyên tạc sự thật về các vụ án Đồng Tâm, Hồ Duy Hải.
Những người từng là đồng đội với ông có lẽ giờ đây sẽ cảm thấy rất xấu hổ khi ông đã làm vấy bẩn bộ quân phục và lún sâu trong vũng bùn đen tối, quay lưng lại với đất nước, với dân tộc, làm tổn thương cả máu xương và sự hi sinh của người cha liệt sĩ.
Có một người “cùng hội cùng thuyền” với ông ta, là một nhà thơ từng đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ với nhiều áng thơ dạt dào lý tưởng thì nay lại có lúc phát ngôn tùy tiện, phỉ báng cả hình tượng Anh hùng liệt sĩ. Chính nhà thơ này từng nhắc người lính thời bình đừng quên ánh trăng nơi chiến trường song chính ông ta lại phản bội ánh trăng bằng việc tham gia các hội, nhóm đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, phi chính trị hóa quân đội.
Sự hi sinh, cống hiến của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cũng như bộ đội tình nguyện là vô giá, thiêng liêng vậy nhưng gần đây, có những đối tượng xét lại lịch sử, đưa ra những quan điểm lệch lạc trong những bài viết, cuốn sách để muốn xóa nhòa, đảo ngược chân lý. Họ cho rằng, chẳng nên tổ chức ăn mừng chiến thắng, mừng Tết Độc lập, Tết Thống nhất bởi “phe nào thắng thì nhân dân đều bại”. Họ núp bóng hòa hợp dân tộc để đánh đồng công-tội, coi nhẹ xương máu, hi sinh của bao triệu người đã đánh đổi vì hòa bình, hạnh phúc hôm nay.
Thật đau xót khi nghĩ về những trường hợp đó, dẫu họ chỉ là cá biệt. Đất nước đã đổi mới, vươn lên mạnh mẽ từng ngày nhưng họ lại lầm đường, ngược lối và ngã xuống ngay dưới chân mình. Có người đã ngộ nhận về sự phản biện xã hội và thiên chức cao cả của văn học để rồi viết nên những tác phẩm nhìn đời qua đôi kính đen, phỉ báng cả sự nghiệp đổi mới, nổi tiếng bằng kiểu “đốt đền” đâu chưa thấy, chỉ thấy hậu quả nhãn tiền là sự ghê sợ, xa lánh của bạn bè, đồng đội.
Có cả những người từng mang quân hàm, chức vụ rất cao nhưng lúc nghỉ hưu lại bị lôi kéo tham gia những hội, nhóm, đứng tâm thư, thỉnh nguyện có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước núp dưới bóng “yêu nước”, “chống nội xâm”. Việc làm của họ nhiều người đặt câu hỏi: Họ từng chiến đấu, hy sinh xương máu trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nay sao lại làm những việc như vậy. Họ xét lại quá khứ cũng là đánh mất chính mình?
Cách đây vài năm, chúng tôi được dự phiên tòa xét xử trường hợp Trần Anh Kim ở Thái Bình. Là người lính nhập ngũ từ những năm chống Mỹ, trải qua cả đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương, lại là cán bộ chính trị, nhưng từ những sai phạm về kinh tế, Trần Anh Kim bị khởi tố, phải đi tù. Cải tạo tốt, Kim được giảm án nhưng sau đó vì bất mãn, Kim lại tìm đến các tổ chức phản động, tham gia các nhóm khiếu kiện và dần chuyển sang chống phá Đảng, Nhà nước và bị đi tù lần thứ hai. Ra tù vào đầu năm 2015, lẽ ra, với trải nghiệm cuộc đời mình, Kim phải rút ra những bài học đắt giá thì ở tuổi 66, Kim lại bị bắt giam vì đã lập ra một tổ chức kêu gọi quân nhân hai miền Nam, Bắc “dựng cờ dân chủ”. Tháng 5-2017, Kim vào tù lần thứ 3 với mức án 13 năm tù về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Giá như ông ta biết trân trọng phẩm giá, giữ gìn lời thề và danh dự người lính Bộ đội Cụ Hồ thì đâu đến nỗi.
Một trường hợp khác trẻ tuổi hơn là Lê Văn Thương, sinh năm 1988 ở tỉnh Quảng Ngãi. Thương từng là Thượng úy, Phó đại đội trưởng một đơn vị ở Quân đoàn 3. Vì vi phạm kỷ luật, Thương được cho phục viên về quê mở xưởng mộc. Lẽ ra, nếu giữ gìn bản lĩnh và nhân cách, Thương có thể làm lại cuộc đời, sửa chữa sai lầm bởi xưởng mộc của Thương cũng khá đông khách. Nhưng Thương lại bị kích động, lôi kéo, bỏ trốn ra nước ngoài và lên mạng xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, quân đội. Nhiều đồng đội đau xót cho Thương chỉ vì thiếu bản lĩnh mà sa ngã. Đó là bài học đắt giá về việc rèn luyện, giữ gìn phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Nếu không tu dưỡng, rèn luyện có thể sa ngã, thậm chí từ tự diễn biến tự chuyển hóa chuyển rất nhanh sang tiếp tay cho thế lực thù địch đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Soi mình để giữ mình
Một trong những vụ việc mà Cục Bảo vệ An ninh quân đội xử lý gần đây là trường hợp Trung tá, QNCN Trần Nam ở một công ty phía nam tuyên bố ra khỏi Đảng. Trần Nam liên tục đăng tải, chia sẻ nhiều nội dung từ những trang phản động hoặc có thông tin xấu độc, thậm chí còn có cả bài viết với xuyên tạc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Nguyên nhân sâu xa ở Nam là do làm ăn thua lỗ, nợ nần dẫn đến bi quan, tiêu cực. Trong những dòng trên trang cá nhân, có lần Nam kể lại chuyến thăm của một vị thủ trưởng nghỉ hưu đến thăm Nam. Ông thắp hương trên bàn thờ có hình ảnh cha Nam-cũng là một người lính. Nam viết: “Chỉ có hai chúng tôi tâm sự hàn huyên về cuộc đời này của những người lính lúc về già. Thủ trưởng thắp nén nhang trên bàn thờ. Nơi ấy có ảnh hình của một đồng đội, đó là cha tôi. Đất nước này, mảnh đất hình chữ S này, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, đã có biết bao nhiêu những người lính đã nằm xuống, đã cống hiến cả một cuộc đời cho sự toàn vẹn lãnh thổ của ông cha để lại...”.
Theo cán bộ cơ quan chức năng, qua đấu tranh, Nam cũng ân hận mình từng là quân nhân, là cán bộ từng công tác tại một học viện lớn của quân đội. Giá như ông ta sớm biết ranh giới đỏ, không đi ngược lại với truyền thống gia đình và đồng đội thì đâu đến nỗi.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, tác giả bài hát nổi tiếng “Bài ca không quên” từng tâm sự: “Chúng ta phải biết trân trọng quá khứ, là Bộ đội Cụ Hồ đã vào sinh ra tử thì càng phải giữ gìn, trân trọng quá khứ thiêng liêng ấy. Đó cũng là thông điệp tôi gửi trong ca khúc Bài ca không quên viết năm 1981". Ông kể: “Cha tôi hy sinh năm 1946-người cha mà tôi còn chưa được thấy mặt, chỉ được ngắm ông qua những tấm hình. Năm 1964, trong một lần công tác cùng đoàn cán bộ của Ban Tuyên huấn, có vợ tôi và bà vợ của nhà thơ Giang Nam vào thăm chồng, cả đoàn bị lọt trúng ổ phục kích ở Tây Ninh, vợ tôi chấp nhận bị bắt đưa về nha cảnh sát để bảo vệ an toàn cho 18 cán bộ nhưng cô con gái đầu lòng của tôi lúc đó mới vừa được 6 tháng tuổi đã mất trong trận đó”.
Nhạc sĩ cho rằng nỗi đau riêng của gia đình ông có thể là rất lớn nhưng sẽ chẳng thấm tháp gì nếu đem so nỗi đau của mình với hàng ngàn, hàng triệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiễn cả chục người con lên đường ra trận không có ngày trở lại. Vì thế, “Bài ca không quên” viết cho tất cả sự hy sinh của những người con anh dũng của đất nước, rất nhiều hoàn cảnh đau thương trong chiến tranh mà chỉ nghe kể thôi chúng ta phải soi mình trong đó, để hiểu có hòa bình hôm nay đã biết bao mồ hôi, nước mắt và tính mệnh đã ngã xuống nên chúng ta không được phép quên, không thể nào quên!.
Biết soi mình trong những điều không thể nào quên chính là đòi hỏi cần thiết với bất kỳ ai từng mang trên mình bộ quân phục xanh màu đất nước. Là người chiến sĩ, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã biến thành giá trị văn hóa trong mỗi chúng ta. Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành danh xưng cao quý, là báu vật mà nhân dân trao cho quân đội. Nhưng thực tiễn thời gian qua, có những người không có sự tỉnh táo cần thiết hoặc thiếu bản lĩnh mà đã đánh mất đi điều thiêng liêng nhất. Chúng ta phải cảnh giác với các thế lực thù địch nhưng cũng cần cảnh giác với chính bản thân mình bởi nếu không có sự kiên định cần thiết sẽ rất dễ bị “cuốn theo chiều gió”. Không phải cứ mang trên mình bộ quân phục hay cứ từng đội mũ, đeo sao là có thể được yêu mến, trân trọng mà phải luôn rèn luyện, giữ gìn để ngôi sao trên mũ mãi soi sáng, dẫn chúng ta đi trọn lời thề của binh nghiệp cách mạng.