Cán bộ, đảng viên (ĐV) vi phạm các quy định khi được phát hiện tùy theo mức độ sai phạm đều được xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, ngoại lệ. Tuy nhiên, bám vào những vụ việc cụ thể, các đối tượng phản động khoét sâu vào các sai phạm xuyên tạc về xử lý cán bộ, ĐV vi phạm, gây hiểu lầm trong nhân dân.
Thời gian qua, công tác quản lý đảng viên (QLĐV) đã được các cấp ủy, tổ chức đảng (TCĐ) trong toàn tỉnh thực hiện khá tốt. Thông qua đó đã sàng lọc, phân loại, đưa ra khỏi Đảng những ĐV suy thoái, biến chất, qua đó siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức của Đảng.
Năm 2020, cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 3 TCĐ và 180 ĐV; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 47 ĐV. 6 tháng đầu năm nay, đã thi hành kỷ luật 3 TCĐ và 55 ĐV. Nội dung vi phạm nhiều nhất là về nguyên tắc tập trung dân chủ, phẩm chất đạo đức, lối sống, những điều ĐV không được làm, chính sách dân số, thậm chí vi phạm pháp luật (Luật Giao thông đường bộ, cố ý gây thương tích, đánh bạc và tổ chức đánh bạc)… số lượng ĐV bị xóa tên, khai trừ đều tăng.
Có nhiều nguyên nhân, song một phần do một số cấp ủy, TCĐ chưa thực hiện chặt chẽ, đầy đủ các quy định về QLĐV, chưa thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát (KTGS) ĐV, nhất là việc thực hiện nhiệm vụ được giao, chấp hành các nguyên tắc sinh hoạt đảng và những điều ĐV không được làm; thiếu chủ động trong phát hiện ĐV có dấu hiệu vi phạm.
Ngoài việc thiếu chủ động nắm bắt nắm bắt tình hình ĐV về chính trị, tư tưởng, mối quan hệ công tác, xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các vi phạm, theo đồng chí Nguyễn Đức Diện, nguyên Bí thư Chi bộ tổ 20, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên): 14 năm làm phó bí thư, bí thư chi bộ tôi nhận thấy việc phối hợp giữa cấp ủy QLĐV và cấp ủy khu dân cư chưa chặt chẽ. Vì vậy mới có tình trạng khi chuyển sinh hoạt về nơi cư trú cơ quan gửi giấy tờ rất đầy đủ, nhưng khi ĐV đó chuyển công tác hoặc nơi ở thường không báo cáo lại cho cấp ủy chi bộ nơi đã cư trú. Hoặc trường hợp thay đổi vị trí công tác cũng không báo cáo lại cấp ủy chi bộ, đến khi cuối năm sau khi cấp ủy chi bộ họp, nhận xét gửi về nơi công tác thì không đảm bảo tính chính xác. Nhiệm vụ của cấp ủy, chi bộ nơi ĐV công tác là phải kiểm tra ĐV thực hiện các nghĩa vụ công dân ở nơi cư trú, nhưng hầu như tôi thấy rất ít cơ quan về địa phương để làm việc này…
Thực tế tại cơ sở chúng tôi nhận thấy một số cấp ủy, TCĐ chưa thực hiện tốt việc quản lý, phân công nhiệm vụ cho ĐV cũng như việc ĐV xin miễn công tác và sinh hoạt đảng, ĐV đi làm ăn xa… phần nào đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCĐ và chất lượng đội ngũ ĐV. Mặt khác, chưa thực hiện thường xuyên tổ chức KTGS ĐV về việc thực hiện nhiệm vụ được giao, chấp hành các nguyên tắc sinh hoạt đảng, thực hiện những điều ĐV không được làm…
Để nâng cao hơn nữa công tác QLĐV, cấp ủy, TCĐ phải thực hiện nghiêm túc những quy định, hướng dẫn về công tác ĐV. Quản lý tốt việc chấp hành chế độ sinh hoạt đảng, thực hiện tự phê bình và phê bình của ĐV ở nơi công tác và nơi cư trú. Các cấp ủy cơ sở, nhất là ở chi bộ phải nắm rõ lịch sử chính trị, trình độ, năng lực, sở trường công tác của từng ĐV gắn với phân công nhiệm vụ phù hợp; thực hiện nghiêm công tác QLĐV ra nước ngoài, đi làm ăn xa bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định. Nêu cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc của ĐV.
Mặt khác, tăng cường công tác KTGS ĐV trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; rà soát, sàng lọc, đưa những ĐV không bảo đảm tiêu chuẩn, không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.