Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động; lấy tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản, lấy tự phê bình và phê bình làm quy luật phát triển Đảng. Nhờ đó, Đảng ta đã làm tròn sứ mệnh lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập dân tộc, tiến hành sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt và kỷ cương, nền nếp, Đảng ta luôn xứng đáng “là đạo đức là văn minh” . Thế nhưng, vẫn có ý kiến lệch lạc cho rằng hiện nay các nguyên tắc hoạt động của Đảng ta chỉ còn là hình thức, “đảng chỉ là một câu lạc bộ”, “Đảng tiếm quyền Nhà nước”, v.v..
Chúng ta ý thức sâu sắc rằng giữ vững nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng là nhân tố đặc biệt quan trọng, bảo đảm cho xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong đó, nguyên tắc “Tập trung dân chủ” là nguyên tắc tổ chức cơ bản, chi phối toàn bộ quá trình lãnh đạo và xây dựng hệ thống tổ chức đảng; là bản chất của Đảng và là tiêu chí để phân biệt đảng “là đạo đức, là văn minh” với các đảng chính trị khác. Coi thường hoặc phủ nhận nguyên tắc này là thiếu công tâm, khách quan, bị rơi vào sai lầm, là bước sang phía kẻ thù, phủ nhận Đảng từ bản chất, là phá hoại sức mạnh nội sinh của Đảng từ gốc.
Tập trung dân chủ là nguyên tắc phản ánh bản chất đảng của giai cấp công nhân trong tổ chức và hoạt động lãnh đạo của đảng mác xít, là nguyên tắc xây dựng đảng của giai cấp công nhân. Đảng ta khẳng định: Tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn bộ quá trình xây dựng tổ chức và hoạt động lãnh đạo của Đảng ta; quy định cơ cấu, thành phần, nội dung, hình thức tổ chức của Đảng, phương thức, chế độ hoạt động của các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, xác lập các quy tắc sinh hoạt và phương thức giải quyết các mối quan hệ trong nội bộ Đảng; vai trò cầm quyền lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Mọi biểu hiện phủ nhận nguyên tắc này là phi lý, không thể chấp nhận.
Nguyên tắc tập trung dân chủ phản ánh sự thống nhất biện chứng giữa hai thành tố tập trung và dân chủ, có mối quan hệ chặt chẽ, tác động, bổ sung cho nhau, không đối lập nhau. Tập trung trên cơ sở dân chủ và dựa vào dân chủ, còn dân chủ luôn có sự lãnh đạo, được bảo đảm của tập trung. Có giữ vững tập trung mới thể thực hiện được sự công minh, khách quan và mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng.
Phát triển và mở rộng dân chủ trong Đảng gắn liền với giữ vững và tăng cường tập trung, dân chủ càng được tôn trọng và phát huy thì tập trung ngày càng được vững chắc, hiệu quả lãnh đạo ngày càng cao. Tập trung trên cơ sở dân chủ hoàn toàn khác với tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, “lợi ích nhóm”. Dân chủ có sự đảm bảo của tập trung hoàn toàn khác với dân chủ hình thức, giả hiệu; dân chủ vô chính phủ, tự do vô tổ chức, vô kỷ luật. Không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ hoặc “thực hiện nửa vời” thì phá hỏng nguyên tắc, tự nó sẽ trở nên tùy tiện, nảy sinh hiện tượng lẫn lộn đúng sai, đa số cũng như thiểu số…
Nhờ chấp hành nghiêm nguyên tắc này trong lãnh đạo cách mạng, Đảng ta đã phát huy được quyền dân chủ và làm chủ của đảng viên, tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động trong Đảng, Nhà nước và xã hội; phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng, đề ra được chủ trương, đường lối đúng đắn, biện pháp lãnh đạo sáng tạo, hợp lòng dân nên hệ thống tổ chức Đảng được xây dựng, củng cố và kiện toàn vững chắc.
Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng và là nguyên tắc tổ chức cơ bản, rất quan trọng trong sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng ta. Nguyên tắc này tạo nên sức mạnh nội sinh mạnh mẽ, là thước đo sự chính trực, công tâm, khách quan trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng nên nó trở thành động lực bên trong thúc đẩy sự phát triển bền vững của Đảng, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nội bộ tổ chức Đảng có lúc cũng nảy sinh tranh luận và mâu thuẫn về đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm, cái mới và cái cũ, tiến bộ và thoái bộ, phương pháp và tác phong làm việc… Vì vậy, giải quyết các mâu thuẫn đó không phải bằng đấu tranh giai cấp, bài trừ, phủ định lẫn nhau mà bằng tự phê bình và phê bình, đồng thời khẳng định và phát huy ưu điểm, phát hiện và khắc phục hạn chế, khuyết điểm, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Là quy luật phát triển của Đảng, tự phê bình và phê bình phản ánh những đòi hỏi khách quan, bức thiết của thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Ai cũng biết thực tiễn cách mạng luôn vận động, nhiệm vụ xây dụng và bảo vệ Tổ quốc phát triển không ngừng, luôn đặt ra những yêu cầu khách quan, bức thiết và sự vận động của nó tất yếu tạo nên những mâu thuẫn trong nhận thức và hành động, luôn đòi hỏi phải đấu tranh giải quyết mâu thuẫn trong nhận thức và hành động để Đảng vượt qua “giới hạn”, nâng mình lên tầm cao mới để thực hiện vai trò cầm quyền lãnh đạo cách mạng của Đảng.
Vì lẽ đó, tự phê bình và phê bình được tiến hành thường xuyên, liên tục, trở thành vấn đề mang tính quy luật trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thông qua tự phê bình và phê bình, thước đo trình độ nhận thức, phẩm chất, năng lực, uy tin, vị thế của cán bộ, đảng viên được điều chỉnh và ngày càng được nâng cao, phát triển, Đảng trưởng thành về mọi mặt, hoàn thành trọng trách trước dân tộc và nhân dân.
Luận điệu cho rằng, các nguyên tắc hoạt động của Đảng hiện nay chỉ còn là hình thức, “Đảng chỉ là một câu lạc bộ” phản ánh cách nhìn nhận chủ quan duy ý chí, thái độ bất mãn của một số người thiếu thiện chí, bất mãn, có quan điểm đối lập với Đảng, đã rơi vào ngụy biện và siêu hình, tự mâu thuẫn với chính mình. Đó là quan điểm sai trái, lệch lạc nhằm xuyên tạc, hạ thấp uy tín, danh dự của Đảng, tiến tới xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tiến tới phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh, vạch trần những sai trái ấy, loại chúng ra khỏi đời sống xã hội.
Đó là vấn đề có tính nguyên tắc, thước đo phẩm chất, năng lực của cán bộ, đảng viên. Cùng với đó, cần phải làm cho mọi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời, có cơ chế, chính sách xử lý nghiêm khắc những hiện tượng vi phạm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt của Đảng, chống phá Đảng.
Đó là lương tâm, trách nhiệm, sức sống nội sinh vô cùng mạnh mẽ của Đảng ta, là điều kiện tiên quyết để mỗi cán bộ, đảng viên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, giúp Đảng hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang mà dân tộc và nhân dân giao phó.