Hiện nay, một số người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước ta cho rằng, lý luận về chủ nghĩa xã hội là sai lầm, chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu nên nó đã “cáo chung cùng với sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình xô viết ở Đông Âu và Liên Xô”.
Theo họ, chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XIX ở châu Âu; nó chỉ phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của một số nước ở châu Âu và Liên Xô; hoàn toàn không phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Việc Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh “du nhập một học thuyết ngoại lai vào Việt Nam là hoàn toàn không phù hợp”, là sai lầm.
Họ cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thất bại của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Việt Nam là do Đảng ta “gặp may”, “bản thân Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tài cán gì”. Từ đó, họ vu khống rằng sư lạc hậu, kém phát triển của Việt Nam là do Đảng ta và Chủ tịch Hổ Chí Minh lấy “chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Họ lập luận rằng, chính sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô Viết ở Liên Xô và Đông Âu cũng như sự điều chỉnh, thích nghi của các nước tư bản phát triển là nhờ tận dụng thành quả của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ hiện đại, nhất là thành tựu của cuộc mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều đó thêm một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp bách đối với Việt Nam là phải “thay máu cho hệ tư tưởng”, cần phải từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, thay vào đó là một lý luận khác phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, lý luận đó không có gì khác là hệ tư tưởng tư sản.
Nhân dân ta không hề ngạc nhiên trước những luận điệu xuyên tạc ấy bởi “điệp khúc này” đã tua đi tua lại nhiều lần kể từ ngày chủ nghĩa Mác còn là “một bóng ma ám ảnh châu Âu” cho đến khi trở thành hệ tư tưởng thống trị phong trào công nhân quốc tế từ những năm 70 của thế kỷ XIX; là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế trong sự nghiệp đấu tranh chống các thế lực phản động, phản cách mạng, giành thắng lợi về tay mình. Chính sự ra đời của Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới là minh chứng hùng hồn bác bỏ sự xuyên tạc ấy.
Là con người có lương tâm và trách nhiệm thì đương nhiên phải thừa nhận một sự thật không thể chối cãi: Chủ nghĩa Mác - Lênin là một khoa học, có tính cách mạng và nhân văn sâu sắc. Đó là điểm khác biệt căn bản mà các luận thuyết của các bậc tiền bối và cùng thời với C. Mác đã không thể có được bởi có học thuyết của họ dựa trên lập trường thế giới quan duy vật nhưng phương pháp tư duy lại siêu hình; có học thuyết, phương pháp tư duy biện chứng nhưng quan điểm lại rơi vào duy tâm, tôn giáo hoặc rơi vào chủ nghĩa xã hội không tưởng.
Vượt lên trên mọi thiên kiến và các rào cản đương thời, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã phát hiện ra quy luật chung nhất của sự vận động, phát triển của tự nhiên, xã hội và tư duy. Qua đó chỉ rõ quy luật phát triển của lịch sử, xã hội loài người không phải do thánh thần, chúa trời tạo ra mà do những mâu thuẫn nội tại giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất dẫn đến những mâu thuẫn không thể tránh khỏi của xã hội biểu hiện ở đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội.
Với quan điểm duy vật biện chứng, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin và những người cộng sự đã chấm dứt sự lũng đoạn của chủ nghĩa duy tâm, tôn giáo, chủ nghĩa duy vật siêu hình trong giải thích sai lầm các hiện tượng tự nhiên, xã hội và lịch sử, tìm ra quy luật vận động, phát triển khách quan của lịch sử nhân loại.
Đảng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa (Tạp chí Cộng sản)
Bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin không những được thể hiện ở giá trị của phép biện chứng duy vật và chủ nghĩa nhân đạo trong hai phát kiến vĩ đại của C. Mác: Quan niệm duy vật về lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, mà còn thể hiện sâu sắc ở việc C. Mác và Ph. Ăngghen phát hiện ra vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, chính giai cấp này là “người đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, kết thúc chế độ người áo bức, bóc lột người; xây dựng chế độ xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp hơn.
Điều này là hoàn toàn khách quan bởi lịch sử xã hội loài người là một quá trình lịch sử - tự nhiên, theo quy luật vận động của nó, cái mới sẽ thay thế cái cũ, tiến bộ sẽ thay thế lạc hậu; chủ nghĩa xã hội sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản như chủ nghĩa tư bản đã từng thay thế chủ nghĩa phong kiến.
Lý luận và thực tiễn cách mạng thế giới từ Công xã Pa ri, đến Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và thực tế công cuộc cải cách, đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay đã khẳng định sức sống mãnh liệt, sự trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin; khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin thật sự là “công cụ nhận thức vĩ đại” để giai cấp công nhân nhận thức và cải tạo thế giới. Bản chất chân lý này thể hiện ở chỗ:
- Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết duy nhất từ trước đến nay chỉ ra mục tiêu, con đường, lực lượng, chiến lược, sách lược và phương pháp đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, bất công; đem lại cuộc sống hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân.
- Chủ nghĩa Mác - Lênin đã tìm ra các quy luật vận động, phát triển của lịch sử xã hội loài người, vạch ra những “bí mật” của các hình thái kinh tế - xã hội, chỉ ra động lực và chủ thể phát triển của lịch sử chính là con người và sản xuất vật chất - cơ sở quyết định sự tồn tại, phát triển của xã hội. Dù ai có xuyên tạc hoặc cố tình bôi đen, hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin thì sự thật ấy vĩnh viễn không thể thay đổi. Đây là điều khách quan, cơ sở khoa học để luận giải sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự tất thắng của chủ nghĩa cộng sản mà giai đoạn đầu của nó là chủ nghĩa xã hội.
- Chủ nghĩa Mác - Lênin là sự thống nhất biện chứng giữa học thuyết duy vật với phương pháp biện chứng, giữa lý luận và thực tiễn, giữa tính đảng, tính cách mạng và tính khoa học, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin luôn là một học thuyết mở, sống động, có khả năng tự đổi mới, tự phát triển trong dòng chảy tư duy, trí tuệ của nhân loại, luôn thu nạp, tích hợp những thành tựu, tinh hoa trí tuệ mới nhất, tiến bộ nhất của nhân loại để không ngừng phát triển. Chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là học thuyết giáo điều, kinh viện bởi linh hồn sống động của nó là phép biện chứng duy vật không bao giờ lùi bước, chấp nhận, thỏa hiệp với quan điểm duy tâm, tôn giáo, phương pháp tư duy siêu hình.
Năm tháng sẽ đi qua, một số luận điểm của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin có thể không còn phù hợp với thực tiễn ngày nay; đó cũng là lẽ đương nhiên, nhưng tinh hoa của phép biện chứng duy vật, quan niệm duy vật về lịch sử, học thuyết giá trị thăng dư và chủ nghĩa nhân văn với khát vọng giải phóng con người cùng với hệ thống tư tưởng cốt lõi của nó là những giá trị vĩnh hằng, sống mãi. Chính giá trị bền vững này mà chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của các Đảng Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế, trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam, nhờ có nó mà đứng trước những biến động của thời cuộc, tự tin khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Sự thật khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin không lỗi thời, chỉ có những người vận dụng nó lỗi thời hoặc mắc những sai lầm, khuyết điểm trong quá trình xây dựng đất nước. Hãy dừng việc quy kết, đỗ lỗi cho chủ nghĩa Mác - Lênin là lỗi thời, lạc hậu.
Đối với nước ta, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân ta giành được trong hơn 9 thập kỷ qua đã khẳng định thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là chân lý, bởi ngày nay, học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chỉ có chủ nghĩa Mác - Lênin là chắc chắn nhất, sâu sắc nhất và chân chính nhất, là “cẩm nang thần kỳ” cần thiết để đưa dân tộc ta đi đến thắng lợi cuối cùng: xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.