Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (viết tắt là Tuyên ngôn) do C. Mác và Ph. Ăngghen soạn thảo, lần đầu tiên được công bố trước toàn thế giới vào tháng 2 năm 1848, là tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học và là “một trong những cuốn sách gối đầu giường của những người công nhân có tri thức” (Lênin).
Trong Tuyên ngôn, C. Mác và Ph. Ăngghen đã trình bày những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, đặt nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tuyên ngôn đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa Mác với ba bộ phận cấu thành: triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học; trở thành cương lĩnh chính trị của giai cấp công nhân thế giới, có ý nghĩa chiến lược đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay.
Trong 174 năm qua, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, “chịu đựng sự tàn phá” và chống đối từ nhiều phía của kẻ các thế lực thù địch. Thế nhưng, Tuyên ngôn vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt của tác phẩm vĩ đại, giữ vẹn nguyên giá trị khoa học, cách mạng và thông điệp của toàn thể nhân loại: phấn đấu thực hiện lý tưởng cộng sản.
(C.Mac và Ph. Ăngghen, nguồn: internet).
Thực tế chứng minh rằng, các thế lực thù địch càng ra sức chống phá bao nhiêu thì giá trị, ý nghĩa và tầm ảnh hưởng của Tuyên ngôn càng tỏa sáng bấy nhiêu, càng khẳng định sức sống bất diệt của một công trình khoa học vĩ đại, có sức sống xuyên thế kỷ, định hướng tương lai. Thái độ, quan điểm, sự hận thù của những người chống phá Tuyên ngôn trước đây và hiện nay đều giống nhau là ở chỗ, đã tự thú nhận sự bất lực của mình nhưng vẫn ngoan cố không chịu đầu hàng chân lý. Vì vậy, trước sự chống phá và họa hại vẫn còn đó, những người cộng sản cần thực hiện lời dạy của V.I.Lênin: “không lơ là, mất cảnh giác, không được vứt bỏ vũ khí” mà phải tiếp tục chiến đấu để bảo vệ chân lý khoa học và nền tảng tư tưởng của Đảng. Nhai lại điệp khúc cũ, hiện nay, các thế lực thì địch đang tập trung chống phá Tuyên ngôn ở mấy điểm chính sau đây:
Phủ nhận giá trị, ý nghĩa lịch sử và thời đại của Tuyên ngôn: Đòn đánh phủ đầu để phủ định sạch trơn giá trị khoa học, cách mạng của Tuyên ngôn là xuyên tạc những tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn về sự phù hợp hay không phù hợp với lịch sử và thời đại. Chúng cho rằng: Tuyên ngôn là của quá khứ, chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, XX, không còn phù hợp với thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; rằng các nguyên lý khoa học trình bày trong Tuyên ngôn đã lỗi thời. Bởi vì, hiện nay có nhiều sự kiện mới nên không thể lấy lý luận cũ để giải thích. Lý lẽ sai trái của chúng là:
(1) Chế độ xã hội chủ nghĩa theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ nên kéo theo sự “cáo chung” của học thuyết mác xít về đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội và lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, không còn lý do gì để Tuyên ngôn tồn tại trong thế giới đương đại.
(2) Giai cấp công nhân không còn sứ mệnh lịch sử toàn thế giới bởi thời đại ngày nay, giai cấp công nhân không còn đóng vai trò là giai cấp trung tâm. Chính nền kinh tế tri thức, kinh tế số đã đưa tầng lớp trí thức lên vị trí trung tâm thời đại, quyết định sự phát triển của lịch sử.
(3) Thời nay, thước đo giá trị phát triển đã khác, sản xuất vật chất, đại công nghiệp cơ khí, lao động cơ bắp không còn đóng vai trò quyết định sự phát triển xã hội. Ưu thế nổi trội là trí thức, lao động bằng chất xám và kinh tế số, kinh tế tri thức. Theo đó, người lao động đã trở thành trí thức - chủ xưởng, được trả lương hậu hĩnh, có cổ phần ở công ty, có tài sản, sống sang trọng, đài các. Vì vậy, thời nay không còn đối kháng giai cấp và mâu thuẫn giai cấp, không cần phải đấu tranh giai cấp. Điều đó có nghĩa là không còn đất cho Tuyên ngôn tồn tại, v.v..
Phủ nhận tư tưởng giai cấp và đấu tranh giai cấp của C. Mác và Ph. Ăngghen. Chúng đã và đang cố tình “thêu dệt”, khếch đại tư tưởng “bạo lực”, “hiếu chiến”, “đẫm máu” của Tuyên ngôn khi cho rằng C. Mác và Ph. Ăngghen vì muốn mau chóng giành thắng lợi trước giai cấp tư sản nên “đã tuyệt đối hóa vai trò của đấu tranh giai cấp”, coi nó là tư tưởng cơ bản và chủ đạo của Tuyên ngôn. Từ đó C. Mác và Ph. Ăngghen coi thường vấn đề dân tộc và đấu tranh dân tộc. Điều đó đã làm cho các Đảng Cộng sản chỉ quan tâm đến đấu tranh giai cấp, bỏ rơi vấn đề đấu tranh dân tộc, không quan tâm đến sản xuất cũng như phát triển văn hóa, xã hội.
Việc cắt xén, bôi đen và trắng trợn xuyên tạc những vấn đề cơ bản của Tuyên ngôn, biến nó thành tâm điểm, mũi nhọn công kích, những người chống phá Tuyên ngôn đã đứng trên lập trường của giai cấp tư sản để đối lập với lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân. Với cái nhìn phiến diện, một chiều, đầy thiên kiến hẹp hòi, cảm tính, họ đã tầm thường hóa vai trò của Tuyên ngôn, lờ đi những giá trị khoa học, cách mạng của Tuyên ngôn.
Để phản bác những điều sai trái ấy, C. Mác và Ph. Ăngghen đã phân tích thấu đáo mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, giữa trách nhiệm dân tộc và nghĩa vụ quốc tế của giai cấp công nhân. Từ đó khẳng định lý tưởng cao đẹp của giai cấp công nhân không chỉ là giai phóng giai cấp mà còn phải giải dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người, giải phóng nhân loại. Bởi nếu giai cấp vô sản muốn giải phóng mình thì phải đồng thời giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công.
Vu khống, vu cáo Tuyên ngôn và C. Mác và Ph. Ăngghen đòi xóa bỏ ngay mọi hình thức tư hữu. Sự xuyên tạc trắng trợn này của các thế lực thù địch đã làm cho nhiều người ác cảm với Tuyên ngôn, hiểu không đúng về C. Mác và Ph. Ăngghen. Vạch trần sự xảo trá, giả dối này, C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ: Dưới chủ nghĩa xã hội không bao giờ có chuyện xóa bỏ chế độ tư hữu nói chung mà chỉ xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản “dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia”[1]. Bởi lẽ, người ta không thể vì nóng vội mà đòi thủ tiêu chế độ tư hữu ấy ngay lập tức vì chúng ta “không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu”[2].
Đúng là những luận điểm sai trái hết sức ngông cuồng, phi lý, không thể chấp nhận, cần phải vạch trần sự ngụy biện xảo trá, giả dối ấy.
Lý do làm cho các thế lực thù địch cuồng điên “như đỉa phải vôi”, kiên quyết chống đối Tuyên ngôn đến cùng là vì trong Tuyên ngôn, C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra: (1) Tính tất yếu bị phủ định, phải diệt vong của chủ nghĩa tư bản và tất thắng của chủ nghĩa cộng sản. (2) Kêu gọi giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại để đấu tranh xóa bỏ áp bức, bóc lột, bất công; xây dựng chế độ xã hội mới tốt đẹp: chủ nghĩa cộng sản. (3) Chỉ ra con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và vai trò, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là “đào huyệt chôn chủ nghĩa tư bản”, v.v..
Vì vậy, chúng “không thể chịu đựng những áp lực từ Tuyên ngôn” nên tìm mọi cách ngăn cản sự ảnh hưởng của Tuyên ngôn bằng bất cứ giá nào.
Đối với cách mạng Việt Nam, Tuyên ngôn có vị trí đặc biệt quan trọng, trước hết là sự tiếp thu tinh thần cách mạng trong bản Tuyên ngôn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thông qua việc đọc và tiếp thu nội dung tư tưởng qua các tác phẩm của V.I. Lênin. Nhờ đó, Người đã tìm thấy con đường cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc là cách mạng vô sản; đã lựa chọn mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Đảng, Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân ta giành những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, xây dựng quốc gia hùng cường, thịnh vượng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Vì lẽ đó, tư tưởng của Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta./.
[1] C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG ST, H.1995, tập 4, tr. 615.
[2] C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG ST, H.1995, tập 4, tr. 469.