“Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” trước nỗi đau của đồng loại, sự bức xúc, nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của nhân dân, công cuộc đổi mới của Đảng là biểu hiện của căn bệnh suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một số cán bộ, đảng viên.
Nhận diện những biểu hiện
Biểu hiện của “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” là (1) “Đội mũ ni che tai”, không quan tâm đến các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội đang diễn ra xung quanh; (2) Sống ích kỷ, suy nghĩ hẹp hòi, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, tự tư, tự lợi, sùng bái” “cái tôi”; (3) Luôn kèn cựa, đố kỵ; tranh công, đỗ lỗi, không trung thực, có những hành vi thiếu chuẩn mực văn hóa, trái đạo lý, pháp lý; (4) Làm việc theo kiểu “nước chảy bèo trôi”, cầm chừng, “được chăng hay chớ” với thái dộ “lừng khừng” theo kiểu “dân có cần nhưng quan không vội”, “khó người dễ ta”, hoàn thành nhiệm vụ thấp; (5) Sống khép kín, làm việc, quan hệ, ứng xử theo “tư duy nhiệm kỳ”, né tránh để không phải nhận nhiệm vụ, bỏ bê công việc được giao hoặc rơi vào trạng thái quan liêu, tham nhũng, lãng phí, v.v..
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vướng vào những thói hư tật xấu nêu trên dù chỉ là số ít nhưng thật là đáng trách, “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của Đảng. “Thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” không tự nhiên đến mà diễn ra theo một quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở những cán bộ, đảng viên thoái chí, bất mãn, chậm tiến, không chịu rèn luyện phấn đấu vươn lên, hoàn thành nhiệm vụ thấp nhưng không được cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phê bình nghiêm khắc, chỉ ra hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục.
Tác hại, hệ lụy và nguyên nhân
Tác hại của “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” ở những cán bộ, đảng viên mắc căn bệnh này là rất lớn. Nó tước đi sự nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; làm mất niềm tin của đồng chí, đồng đội, của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Thậm chí nó có thể “giết chết cán bộ”, hủy hoại hạnh phúc gia đình, gây tổn thất nặng nề cho cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, đảng viên mắc bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” là tự mình rèn dao “đâm vào tim mình”, lấy tay “chọc mắt mình”, tự chặt đứt sợi dây kết nối cán bộ, đảng viên với quần chúng, với cơ quan, đơn vị, là tự gạt mình đứng sang phía đối lập, chống lại Đảng, Nhà nước; tiếp tay cho việc làm sai trái của các thế lực thù địch, phản động. Căn bệnh này không chỉ sinh ra những rắc rối, mâu thuẫn, bất đồng, nghi kỵ lẫn nhau, dẫn đến “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”, phân hóa cán bộ, đảng viên mà còn cản trở việc công, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ, sự phát triển, tiến bộ của bản thân cán bộ, đảng viên và cơ quan, đơn vị.
Hơn thế nữa, nó làm suy giảm uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu quả điều hành, quản lý của Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quy định, quy chế của địa phương bị làm sai, thậm chí không được triển khai, không đi vào quần chúng. Tác hại của căn bệnh này chẳng khác gì sự phá hoại của một loại “sâu mọt đục khoét thân cây”, làm cho cây bị “héo mòn”, sớm hay muộn sẽ chết.
Vì sao một số cán bộ, đảng viên lại mắc căn bệnh ác tính này” Nguyên nhân sâu sa là cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất; bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đã tự gạch tên, loại mình ra khỏi đội ngũ do không quan tâm đến chính trị, lười đọc sách, ngại nghiên cứu, trốn tránh học lập lý luận chính trị, đạo đức, pháp luật; xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và coi thường nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bị “khô đảng, nhạt đoàn. Những người này đang đội lốt “cán bộ, đảng viên” để thu vén lợi ích cá nhân, sống thực dụng “dĩ hòa vi quý”, thấy cái hay, cái tốt không động viên, cỗ vũ, bảo vệ; thấy cái xấu, tiêu cực không đấu tranh...
Giải pháp đấu tranh, phòng, chống
Để cắt bỏ “ung nhọt”, triệt phá căn bệnh này tận gốc, cần phải tiến hành nhiều giải pháp, nổi lên là:
Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức, pháp luật với giáo dục lịch sử truyền thống, giáo dục quốc phòng an ninh, làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục tiêu, lý lưởng chiến đấu, lẽ sống của người cách mạng, thấy rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm nêu gương, tư cách của người cán bộ, đảng viên trước Đảng, Nhà nước và nhân dân; thấm nhuần sâu sắc và thực hiện đúng quan điểm của Đảng: tin dân, trọng dân, gần dân, có trách nhiệm với nhân dân, học dân, dựa vào dân, gắn bó, giúp đỡ nhân dân trên tinh thần quán triệt và thực hiện tốt phương châm”: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, khắc phục bệnh xa dân.
Thứ hai, quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm gắn với thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đề cao tinh thần nêu gương, sự mẫu mực “miệng nói tay làm” của cán bộ, đảng viên; làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ; không để cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đến mức phải xử lý hành chính và pháp luật.
Thứ ba, nâng cao hơn nữa danh hiệu đảng viên gắn với nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên về mọi mặt, nhất là rèn luyện về lập trường, quan điểm chính trị, phẩm chất đạo đức, nhân cách, tư cách người cán bộ, đảng viên để họ thật sự là “đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, xứng đáng là “công bộc của nhân dân”. Cùng với đó, thực hiện nghiêm túc công tác tự phê bình và phê bình trong Đảng, phải coi đó là “công việc rửa mặt hằng ngày”; công khai đánh giá, nhận xét, phân loại cán bộ, đảng viên; kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách, thoái hóa, biến chất, làm trong sạch, lành mạnh cơ thể Đảng.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, nêu gương người tốt việc tốt; lan tỏa các tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách, tấm gương Bác Hồ, những tấm gương “bình dị mà cao quý”, “người tử tế” trong cộng đồng; làm tốt hơn nữa công tác thi đua - khen thưởng, kỷ luật, tạo sự động viên, khích lệ những tập thể, cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có thành tích điển hình và xem xét, kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kiên quyết không để những cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chuẩn, sa sút về phẩm chất đạo đức và năng lực giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, “đưa họ sang một bên để người khác làm”.
Thứ năm, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ của mình tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, đảng viên, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ tiến bộ, trưởng thành; tích cực tham gia hoạt động cách mạng với hiệu quả cao nhất trong bộ máy của Đảng, của Nhà nước, góp phần xây dựng, chính đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đây là những biện pháp không chỉ giúp cán bộ, đảng viên phòng ngừa căn bệnh “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm” “từ sớm, từ xa” mà còn là biện pháp giúp họ “tự soi tự sửa” để luôn xứng đáng là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”./.