Một trong những thành công lớn nhất của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là đã xem xét, thông qua Nghị quyết số 18-NQ/TW (Nghị quyết 18) về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Nghị quyết số 18 đề ra mục tiêu tổng quát để hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả.
Nghị quyết số 18 vừa ban hành đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Thế nhưng vẫn còn một số ý kiến lạc lõng phát biểu trên mạng xã hội rằng “Nghị quyết số 18 chưa gỡ rối được đất đai ở Việt Nam”. Họ phản đối quan điểm “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” đã được khẳng định trong Nghị quyết số 18. Họ “kiến nghị” muốn giải quyết triệt để vấn đề khiếu kiện về đất đai phải “đa dạng hóa sở hữu đất đai”; phải “công nhận sở hữu tư nhân về đất đai”…
Có lẽ những người phản đối “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý” không hiểu hoặc cố tình không chịu hiểu về khái niệm này và thực tế quản lý đất đai hiện nay ở Việt Nam cũng như tại nhiều nước trên thế giới.
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, phạm trù “sở hữu toàn dân về đất đai” không phải là sản phẩm riêng có của Đảng ta mà là kết quả của sự vận dụng những nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn trong di sản kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Mác và Lênin cho rằng, quyền tư hữu về đất đai sinh ra địa tô tuyệt đối là một lực cản ghê gớm đối với sự phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, là nguồn gốc của sự đói khổ của số đông nhân loại trong lịch sử thế giới. Vì thế hai ông cho rằng cần phải sở hữu toàn dân về đất đai.
Tại Việt Nam, vị vua anh minh Lê Thánh Tông cũng đã cho khắc lên bia đá dòng chữ: “Mỗi tấc trời, tấc đất, tấc biển của tiền nhân để lại đều quyết phải gìn giữ”. Điều đó cũng hàm chứa ý nghĩa nhất định về sở hữu toàn dân đối với đất đai. Hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều nước trên thế giới cũng có đất đai thuộc sở hữu toàn dân, đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, đất đai thuộc sở hữu của tập thể…
Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời (năm 1930) đã rất quan tâm đến giải quyết vấn đề ruộng đất. Trong Luận cương chính trị, Đảng ta đã xác định “Quyền sở hữu ruộng đất thuộc về chánh phủ công nông”. Tuy nhiên, từ xã hội thuộc địa nửa phong kiến, dựa trên chế độ sở hữu phong kiến về ruộng đất để tiến tới sở hữu toàn dân về ruộng đất là một quá trình cách mạng đầy khó khăn, gian khổ. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai hiện nay là thành quả vô cùng to lớn của cách mạng nước ta giành được sau khi trải qua cả một quá trình đấu tranh gian khổ, với bao sự hy sinh, mất mát của các thế hệ chiến sĩ cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hiện nay, nền kinh tế nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, song cũng không thể thực hiện đa hình thức sở hữu về đất đai. Bởi đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân, là tài sản, nguồn lực to lớn của đất nước, không giống như các tư liệu sản xuất, tài sản thông thường khác. Do đó, đất đai phải thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật thì việc khai thác, sử dụng đất đai mới bảo đảm hiệu quả cao nhằm phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.
Mặc dù trong thời gian qua ở nước ta, lĩnh vực đất đai đã nảy sinh nhiều tiêu cực, hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai còn nhiều bất cập, sai phạm. Thế nhưng những hạn chế, tiêu cực đó không phải do bản chất của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. Nghị quyết số 18 đã chỉ ra những hạn chế, tiêu cực đó một mặt, do nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là về tầm quan trọng và ý nghĩa của sở hữu toàn dân về đất đai do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; nhận thức về chính sách, pháp luật về đất đai có nơi, có lúc còn chưa đúng, chưa đầy đủ. Ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ và người dân còn hạn chế. Đất đai có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp, nhạy cảm. Mặt khác, chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, còn kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng, tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước…
Thực hiện Nghị quyết số 18, sắp tới, Luật Đất đai sẽ được sửa đổi, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho việc quản lý, sử dụng đất đai; giúp hạn chế được tình trạng tham nhũng, tiêu cực, lạm dụng nguồn lực đất đai vì mục tiêu vụ lợi; đẩy nhanh giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong tiếp nhận và xử lý các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và vi phạm pháp luật về đất đai, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.