Ở nhiều nơi, nhiều thời điểm luôn có một số cán bộ “giỏi” hô khẩu hiệu. Họ nói hay, đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng nhưng nhiều việc làm lại đi ngược với lời nói, thậm chí còn gây hậu quả xấu. Đây cũng là một trong những biểu hiện mang mầm mống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần phải đấu tranh.
Thực chất khẩu hiệu chỉ là một phần nhỏ trong công tác tuyên truyền của Đảng và là biểu hiện của sự trung thành, tích cực. Thế nên, hô khẩu hiệu, treo khẩu hiệu, nói theo khẩu hiệu đã bị lạm dụng, trở thành “đặc sản”. Nhiều địa phương đưa ra khẩu hiệu kỳ cục, như: “Tích cực chữa cháy”, “Nhiệt liệt chào mừng Ngày Thương binh - Liệt sĩ”, “Cấm không được hút thuốc lá”… Nhưng điều đáng buồn hơn cả là dù đề ra khẩu hiệu rất hay, rất đẹp, rất mạnh mẽ nhưng hành động không mang lại kết quả.
Xin đưa ra ví dụ, khi nói về bảo vệ rừng, trồng rừng, cây xanh thì có rất nhiều và rất hay nhưng diện tích rừng thì nhiều nơi ngày càng thu hẹp. Mới đây nhất nhiều tờ báo đã đưa tin, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông vừa ban hành kết luận thanh tra về công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng tại lâm phần do Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (trụ sở tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong) quản lý. Theo kết luận thanh tra, tháng 12-2003, UBND tỉnh Đắk Lắk (cũ) giao 3.280ha đất, rừng (vị trí thuộc địa giới hành chính xã Đắk P’lao, huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk; nay là xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cho Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thế nhưng khi được giao, đơn vị này đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng, để mất rừng và đất rừng với tổng diện tích hơn 2.000ha. Trong đó, giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 1-2015 để mất hơn 1.800ha; từ tháng 2-2015 đến tháng 12-2020 để mất hơn 230ha rừng và đất rừng.
Hay như nhiều địa phương hô hào “làm sạch biển”, đẩy mạnh phong trào bảo vệ sinh thái biển, nhưng lại phê duyệt rất nhiều các dự án khu du lịch, khu đô thị thông qua việc san lấp, xây dựng các công trình xâm lấn mặt nước biển một cách vô tội vạ. Nhiều tỉnh miền Trung có bãi biển đẹp đã cho thuê dài hạn khiến người dân sở tại phải đi vòng nhiều kilômét mới được ra tắm biển ở nơi vốn dĩ họ đã gắn bó bao đời.
Không chỉ có vậy, “bệnh” hô khẩu hiệu dẫn đến một loạt các vấn đề, nhìn thấy rõ nhất là “bệnh” hình thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đầu tiên là “bệnh” sao chép nghị quyết. Nghị quyết cấp trên có gì thì cấp dưới có cái đó, nhưng thực hiện thì “đầu voi đuôi chuột”. Một kết quả công tác nhưng lại được chứng minh cho nhiều nghị quyết khác nhau. Thứ hai, “bệnh” hô khẩu hiệu ngấm vào trong tổ chức thi đua, khen thưởng, gây ra hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, “phát mà không động” tốn kém, chưa có cách gì loại bỏ. “Bệnh” hô khẩu hiệu đã dẫn đến hiện tượng nhiều cán bộ nói tốt, nói hay, nói khỏe, nói dối, làm dở thì được quy hoạch, cất nhắc, còn không ít cán bộ sống thật, làm thật, hiệu quả thật thì khó có thể được quy hoạch, cất nhắc và phát triển. Ở một góc độ nào đó, “bệnh” hô khẩu hiệu đã sinh ra hiện tượng lý luận, giáo điều và dối trá trong bộ máy.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã chỉ ra một số vấn đề yếu kém trong công tác lãnh đạo, gián tiếp chỉ ra căn “bệnh” hô khẩu hiệu: “Việc cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện ở một số địa phương, đơn vị còn chung chung, chỉ đạo thiếu quyết liệt, còn trông chờ, ỷ lại cấp trên”. Trong nhiều lần đi cơ sở và ở các hội nghị lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhắc nhở cán bộ tránh “bệnh” hô khẩu hiệu: “Đừng có hô khẩu hiệu. Nói thế thì phải làm thế, nếu chỉ làm vì mình, vì gia đình mình thì hỏng rồi”.
Để trị “bệnh” hô khẩu hiệu, chúng ta cần những cán bộ làm giỏi hơn nói. Họ phải là những người trung thành, tiên phong trong tổ chức, lãnh đạo và quản lý; sáng tạo trong xây dựng các dự án, đề án phục vụ xã hội, nhân dân.
Muốn làm vậy thì cán bộ cấp trên phải gương mẫu, xông pha, từ bỏ thói mị dân bằng những mỹ từ; cần phải xây dựng phương pháp làm việc dân chủ, công khai; minh bạch các thông tin liên quan đến tài chính, đất đai, đầu tư công... trong thực hiện để nhân dân giám sát. Ngoài ra, phải đấu tranh mạnh hơn nữa với những cán bộ có biểu hiện quan liêu, gia trưởng và độc đoán, chuyên quyền; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và mạnh dạn sử dụng, cất nhắc những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thường xuyên chăm lo cơ sở, hướng về nhân dân.
Song hành với đó là cần cải tiến quá trình kiểm tra thực hiện nghị quyết, chỉ ra những yếu kém trong tổ chức thực hiện, không để xảy ra hiện tượng lấy khẩu hiệu, thành tích ảo hoặc vay mượn thành tích để che lấp những hạn chế. Trong kiểm tra phải quyết liệt, chỉ rõ sai phạm và cách khắc phục, ngăn ngừa tiêu cực từ trong trứng nước.
Đồng thời, cần phải cải cách công tác tuyên truyền, chấn chỉnh lại công tác thi đua, khen thưởng đúng người, đúng việc, tránh “nói hay cày dở”, “phát mà không động”. Ở mỗi chi bộ, nhất là các chi bộ cơ quan, cần phát huy dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình.
Nói phải đi đôi với làm, nói và làm phải thống nhất, thông suốt, hiệu quả chính là điều mà nhân dân, xã hội thời nào cũng cần, cũng trọng và đặt niềm tin. Đừng để niềm tin của nhân dân đứt gãy bởi “đặc sản” là “bệnh” hô khẩu hiệu!
Theo Hà Nội mới
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin