Ngày khai trường nhớ lần gặp Bác

15:12, 11/09/2008

Tiếng trống khai trường vang rộn một miền quê, vùng đất Ôn Lương (Phú Lương) như bừng tỉnh sau 1 kỳ nghỉ hè oi ả. Năm học 2008 – 2009 này, Trường Tiểu học Ôn Lương đón nhận 224 học sinh tựu trường, trong đó có 45 em vào lớp 1.

Giữa không khí rộn ràng của ngày đầu năm học mới, tôi gặp thầy Hoàng Đức Mát, hiệu trưởng nhà trường trong tâm trạng đầy suy tư. Thầy tâm sự: Gần 30 năm nay làm “anh giáo”, nhưng vào ngày hội “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, lần được  gặp Bác lại thức dậy trong ký ức tôi, còn mới như ngày hôm qua - nhắc nhở tôi làm làm tốt hơn trọng trách của một người đưa các thế hệ học trò sang bến bờ tri thức. 

 

Năm học 1962 – 1963 - học kỳ I, Trường Thanh niên dân tộc (Lúc đó đứng chân ở xã Phủ Lý) được vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Thầy Mát kể lại: Hôm ấy, tất cả thầy trò của Trường cùng đứng đợi Bác, ai nấy hồi hộp. Rồi, trên bầu trời của miền rừng Phú Lý, chiếc máy bay trực thăng lượn một vòng rồi hạ xuống một bãi đất trống. Từ cửa máy bay, Bác Hồ bước xuống như một ông tiên… gần gũi như người cha, người ông đi công tác xa trở về nhà.

-                Các cháu có ngoan không? –Bác hỏi.

-                Thưa Bác, chúng cháu ngoan. –Tất cả học trò chúng tôi đồng thanh trả lời.

Giây lát xúc động, thầy Mát kể tiếp: Bác mang kẹo chia đều cho tất cả học sinh có mặt ở đó. Khi đến chỗ tôi, Bác hỏi:

-                Cháu học lớp mấy?

-                Thưa Bác, cháu học lớp 4.

-                Các cháu phải học cho thật giỏi, sau này còn xây dựng quê hương Phủ Lý…

-   Tôi cảm nhận như Bác dặn dò riêng mình, nên những ngày sau đó tôi đã hoàn toàn là một cậu bé Mát khác, chăm học, tích cực giúp đỡ các bạn và luôn có một mơ ước sau này trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người, hoặc trở thành người giáo viên dạy chữ cho con trẻ. Năm 1966, tốt nghiệp PTTH, tôi được chọn đi học tập ở nước ngoài, nhưng vì sức khoẻ yếu nên ở lại, tôi theo học Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc.

 

Sau tốt nghiệp Đại học Sư Phạm, năm 1973 thầy Mát được phân công lên Bắc Kạn làm giáo viên Trường Sư Phạm. 5 năm sau, do yêu cầu nhiệm vụ thầy Mát được điều động về làm giáo viên Trường Dân tộc nội trú Phú Lương (lúc đó trường đóng ở xã Yên Ninh). Năm 1979 về phòng giáo dục huyện rồi năm 1981 lại được tăng cường về làm hiệu phó Trường PTCS  Phủ Lý, ít năm sau được đề bạt làm Hiệu trưởng nhà trường.

 

Cũng là do yêu cầu nhiệm vụ, tháng 9 năm 2002, thầy Mát được luân chuyển về xã Ôn Lương, làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học. Nhẩm lại đã gần 30 năm đứng trong ngành giáo dục, cả quá trình công tác, từ một thầy giáo ở trường Sư phạm đến làm “anh giáo” trường làng, ở đâu, ở vị trí nào thầy Mát cũng gắng hết mình để làm trọn trọng trách của người giáo viên.

 

Đành là trong suy nghĩ riêng mình, thầy Mát cũng có nhiều trăn trở, nhưng mỗi lần như thế, thầy Mát lại nhớ lời Bác dặn năm xưa, nên tự động viên mình phấn đấu công tác tốt, nhất là ở cương vị của một người làm công tác quản lý Nhà trường, thầy luôn động viên, nhắc nhở đồng nghiệp: Là một người giáo viên thì cần phải có phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi và thật sự là một tấm gương sáng để các thế hệ học trò noi theo.

 

Trên sân trường, nhìn những công dân tương lai của vùng đất Anh hùng Ôn Lương đang đùa nô hồn nhiên, thật ít ai biết phía sau tiếng trống ngày khai trường còn nhiều lắm những lo toan… Thầy Mát cho biết: Ôn Lương là một trong những xã khó khăn nhất của huyện Phú Lương, hiện trong xã có hơn 50% số hộ nghèo, con em đồng bào các dân tộc đến lớp chủ yếu là đi bộ, nên ngày 2 buổi học, nhiều em phải nhịn ăn bữa trưa, có em bị lả vì đói. Điển hình như cô giáo Ma Thị Thoa, Nguyễn Thị Thanh, Lý Thị Hường thỉnh thoảng lại phải mua sữa “làm thuốc chữa bệnh” tại chỗ cho các cháu. Còn chuyện vở viết, cây bút, tấm áo ấm giúp các em học sinh là chuyện thường ngày đối với anh chị em giáo viên nhà Trường.

 

Vào năm học mới này, Trường được ngành đầu tư sắm mới thêm 25 bộ bàn ghế, 2 bảng từ chống loá và một số đồ dùng phục vụ công tác giảng dạy cho giáo viên. Nhưng để “những thiên thần” của vùng đất khó đến trường đầy đủ, nhất là đối với học sinh các bản xa xôi của Thâm Trung, Na Pặng… thì không có gì hơn ngoài tấm lòng yêu trẻ của những người giáo viên như thầy Hoàng Đức Mát.