Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa và về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của người thầy giáo trong nhà trường, thể hiện sâu sắc tính dân tộc, tính nhân dân và tính cách mạng, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây là những bài học vô cùng quý giá để cho chúng ta học tập và làm theo lời Bác Hồ đã dạy.
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trọng đến sự nghiệp đào tạo con người.
Một ngày sau Lễ tuyên bố độc lập 2-9-1945, Hồ chủ tịch đã đề ra nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong đó Người nêu:
“ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn cho nước ta trở thành một nước giầu mạnh thì dân tộc ta phải trở thành một dân tộc thông thái”.
Trả lời một nhà báo nước ngoài, được đăng tải trên báo Cứu Quốc số 147 ngày 21 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”
Tại lớp học chính trị của giáo viên cấp 2-3 toàn miền Bắc ngày 13-9-1958, Bác Hồ tới thăm và căn dặn: “ Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phảỉ trồng người”.
Trước lúc đi xa, trong di chúc cuối cùng, Người còn tiếp tục nhắc nhở chúng ta : “Bồi dưỡng cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Càng chăm lo cho “Sự nghiệp trồng người” bao nhiêu, Hồ Chủ tịch càng quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ người thầy giáo bấy nhiêu, bởi theo Người:
“Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thày giáo thì không có giáo dục, không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hoá”.
Nối tiếp truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí của người thầy giáo trong xã hội chúng ta:
“Nếu không có thầy giáo dạy dỗ con em nhân dân, thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội cho được? Vì vậy nghề thầy giáo là rất quan trọng và vẻ vang”. Chúng ta thật xúc động trước sự tôn vinh và đánh giá cao của Hồ Chủ tịch đối với vai trò của người giáo viên nhân dân qua câu nói rất dản dị và đầy chân tình của Người:
“Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không được đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”
Có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh đã khái quát và khẳng định rõ vai trò của người thầy giáo “Đó là những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận giáo dục.” Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, “Mỗi cô giáo, thầy giáo phải là những chiến sĩ trên mặt trận đó”. Lời dạy của Hồ Chủ tịch đã khơi dạy ý thức và nhiệt tình cách mạng trong hàng triệu giáo viên để “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng tiếp tục thi đua dạy tốt-học tốt”.
Trước nhiệm vụ cao cả và vẻ vang, đội ngũ giáo viên đã luôn chăm lo rèn luyện về mọi mặt để xứng đáng là những “Chiến sĩ cách mạng” và là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Từ tình cảm yêu nghề, các cô giáo, thầy giáo tự giác thực hiện lời căn dặn của Hồ Chủ tịch:
“Các cô giáo, thầy giáo, trước hết phải trau dồi đạo đức cách mạng, không ngừng rèn luyện chuyên môn, phải là tấm gương trong sáng để học sinh noi theo, phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm, phải thương yêu chăm sóc học sinh như con em ruột thịt của mình, phải thật sự yêu nghề, yêu trường, phải không ngừng học hỏi để tiến bộ mãi”.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên lý, phương châm giáo dục thật kiên định, rõ ràng và cụ thể. Ngay từ ngày đầu Toàn quốc kháng chiến năm 1946, trong thư gửi các cô giáo, thầy giáo, cán bộ phụ trách thiếu nhi, học sinh, Bác căn dặn : “Các cháu ngoài giờ học ở trường cũng nên tham gia các Hội cứu quốc để luyện cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc gìn giữ đất nước”...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa và về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của người thầy giáo trong nhà trường thể hiện sâu sắc tính dân tộc, tính nhân dân và tính cách mạng, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đây là những bài học vô cùng quý giá để chúng ta học tập và làm theo lời Bác Hồ đã dạy, làm cho mỗi người giáo viên xứng đáng là “Chiến sĩ cách mạng” là “Người vẻ vang nhất”, “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” mà Hồ Chủ tịch và xã hội ta đã tôn vinh.