Học và làm theo Bác

10:04, 09/01/2009

TNĐT-Tại Hội thi Chung khảo toàn quốc “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đảng viên trẻ Thượng uý Phan Thị Đông, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trao giải Nhất.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Bác Hồ, năm 2003, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Văn hoá - Nghệ thuật Quân đội,  Phan Thị Đông được nhận công tác tại đơn vị đặc biệt - Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh... Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là dịp để cán bộ, chiến sĩ học tập, tìm hiểu sâu về đạo đức cách mạng, làm cơ sở cho việc làm theo tấm gương đạo đức của Người. Quá trình học cao đẳng, tham gia nhiều hội diễn văn nghệ, Phan Thị Đông đã được rèn luyện khả năng phát biểu trước nhiều người. Đó là một thuận lợi giúp chị mạnh dạn đăng ký dự thi.

 

Tuy nhiên, kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chị  phải cố gắng rất nhiều để câu chuyện mình kể chân thực, sâu sắc. Những khán giả đầu tiên của chị chính là đồng đội cùng đơn vị. Lần đầu tiên kể, tuy câu từ còn vụng về, cách thể hiện còn lúng túng, nhưng chị đã nhận được sự động viên khích lệ cảu mọi người. Sau mỗi lần dự thi từ cơ sở tới chung khảo toàn quốc, đồng đội góp ý giúp Phan Thị Đông hoàn thiện dần, từ câu từ, thời lượng, phong cách đến cách liên hệ với đời sống hằng ngày v.v.

 

Công tác tại đơn vị, hằng ngày chị được tiếp xúc với hàng ngàn lượt khách tham quan và vào Lăng viếng Bác, trong đó có đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Có biết bao nhiêu người đã nghẹn ngào không cầm được nước mắt, khi được trông thấy Bác. Chị nhớ, có lần đoàn Mẹ Việt Nam Anh hùng và Người có công với cách mạng một số tỉnh miền Nam ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Đó là những ngày mùa đông, Hà Nội rét cắt da. Không quen với cái giá lạnh của miền Bắc, mẹ Nguyễn Thị Sảnh đã bị ốm. Các chiến sĩ ở đơn vị đưa mẹ tới viện và chăm sóc mẹ với tất cả tình cảm người con ruột thịt. Khi mẹ đỡ bệnh, các anh đưa mẹ vào Lăng viếng Bác, mẹ nghẹn ngào nói: “Cả đời má có một ao ước lớn nhất là được ra Bắc để vào Lăng viếng Bác. Được gặp Bác rồi, giờ thì có nhắm mắt má cũng yên lòng!”. Rất nhiều lần khi trở ra, các má miền Nam đã nắm tay những chiến sĩ bên Lăng, hỏi như Bác đang còn sống: “Bác ngủ có ngon không? Các con nhớ thay các má chăm sóc Bác chu đáo nhé, vì cả cuộc đời Bác có ngủ ngon đâu…”.

 

Chứng kiến tình cảm của đồng bào, chiến sĩ miền Nam dành cho Bác, thấy những khát khao của người dân miền Nam được một lần bên Bác, thấy Bác, chị nhớ đến câu chuyện của đồng chí Trần Viết Hoàn nguyên Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, người đã nhiều năm từng được sống bên Bác. Vậy là Phan Thị Đông chọn câu chuyện “Bác Hồ với miền Nam” đem đến Hội thi.

 

Trong  công việc hàng ngày chị luôn tâm niệm điều Bác dạy: Làm bất kỳ việc gì cách mạng giao cũng đều vẻ vang và đều phải rất “cần”. Công tác tại phòng truyền thống và thư viện thuộc Phòng Chính trị (Ban Tuyên huấn - Bộ Tư lệnh), chị được biết rất nhiều hiện vật gắn bó với Bác. Mỗi hiện vật đều chứa đựng trong đó rất nhiều giá trị lịch sử. Từng bình thuốc, bức ảnh, bình đựng dung dịch, hộp chứa thi hài… đều kể cho người xem về những thời khắc thiêng liêng trước khi Bác mất, quá trình xây dựng, quản lý Lăng, bảo vệ thi hài Bác… Làm sao truyền tải được tất cả những điều đó đến với khách thăm quan là điều không dễ dàng... Thời gian đầu, chị rất lúng túng nên đã tìm đến những nhân chứng sống, nghe kể, nghe giải thích, hỏi cặn kẽ từng chi tiết, từng mẫu vật. Đồng thời, đọc tài liệu của thư viện đơn vị, thư viện quân đội để tìm hiểu thêm thông tin, làm sinh động các bài giới thiệu của mình. Dần dần những hiện vật ấy trở nên sống động, có hồn, và chị mong rằng mỗi người khách đến với đơn vị đều cảm nhận được điều ấy.

 

Chị tâm sự: Có lần đơn vị tôi tiếp đón đoàn thương binh nặng, có những đồng chí đã bị hỏng cả hai mắt. Các đồng chí đã chia sẻ: “Tôi không còn mắt để được nhìn Bác, nhưng tôi cảm thấy Bác Hồ kính yêu của chúng ta vẫn đang mỉm cười, Bác đang theo dõi mỗi bước ta đi, mỗi công việc ta làm, cổ vũ chúng ta vươn tới. Bác là nguồn sáng của chúng tôi”. Lúc đó tôi hiểu rằng mình còn phải cố gắng hoàn thành công việc tốt hơn, vì lòng tin tưởng và tình yêu thương của những người đã để lại một phần cơ thể ở chiến trường cho tuổi trẻ chúng ta được sống trong thanh bình hôm nay.