Thực hành tiết kiệm theo lời dạy của Bác Hồ

08:33, 10/03/2009

Bác Hồ nêu vấn đề “tiết kiệm” rất sớm. Từ năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh, Người nêu lên 23 điều phải có về tư cách người cách mạng, thì điều thứ nhất là “cần kiệm” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 2, trang 260). Từ đó đến khi qua đời, Bác liên tục nói và viết, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tiết kiệm.

Trong Hồ Chí Minh Toàn tập, chúng ta tìm thấy trên 640 trường hợp tác giả đề cập đến “tiết kiệm”, cho thấy Người rất quan tâm đến vấn đề này.Bác giải thích: “Kiệm là thế nào? Là tiết kiệm, không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” (Sđd, tập 5, trang 636); “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải xem đồng tiền to bằng cái nống, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại, tiết kiệm cốt để giúp vào gia tăng sản xuất, mà gia tăng sản xuất là để dần dần nâng cao đời sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực” (Sđd, tập 6, trang 485).

 

Theo Người, tiết kiệm phải được thực hiện trên mọi lĩnh vực: lương thực, của cải, tiền công, của công, nhiên liệu, giấy bút, đạn dược, thời giờ...; tất cả mọi người đều phải tiết kiệm, trước hết là các cơ quan, xí nghiệp; muốn tiết kiệm có hiệu quả thì phải khéo tổ chức, tức có kế hoạch thực hiện thường xuyên; đi đôi với thực hành tiết kiệm phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu.Từ năm 1947, Bác nói về chữ “kiệm” rất thiết thực và cụ thể: “Giấy bút vật liệu đều tốn tiền của chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết thì chớ dùng một miếng giấy to. Một cái phong bì dùng hai, ba lần. Mỗi ngày, công sở cả nước dùng mấy vạn tờ giấy và phong bì. Nơi nào cũng tiết kiệm một chút thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Các vật liệu khác cũng vậy. Nhờ các công sở tiết kiệm mà lợi cho dân rất nhiều” (Sđd, tập 5, trang 104).