Vững chãi lòng dân

10:11, 29/03/2009

Hơn 1.000 gia đình trong xã Phú Cường (Đại Từ) đón ảnh Bác Hồ về nhà và lập bàn thờ Tổ quốc, hàng trăm gia đình không được hưởng lợi từ công trình nhưng sẵn sàng hiến của cải cho Nhà nước làm công trình. Người dân Phú Cường yêu nước lặng thầm và giản dị đến rưng rưng lòng người.

Đón Bác về, nhà mình thêm ấm áp

 

Chúng tôi bước lên những bậc cầu thang gỗ mòn bóng màu thời gian vào nhà ông Trương Văn Tâm và bà Trần Thị Dậu, dân tộc Tày ở xóm Chiềng, xã Phú Cường, huyện Đại Từ. Đã ở tuổi ngoài 70 nhưng cả ông và bà đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Trong nếp nhà sàn rộng rãi, thoáng mát, ông bà bố trí chỗ đun nấu, chỗ ăn, ngủ, tiếp khách riêng. Giữa nhà là bàn thờ Bác Hồ được bài trí như bàn thờ ông bà, gia tiên, Ông Tâm thủ thỉ: Tôi không được đi học, phải chịu cái khổ của người dân mất nước. Rồi có cách mạng, có Bác dẫn dắt, tôi được học, vào hợp tác xã, tham gia công tác chính quyền, hiểu biết nhiều điều. Tôi lập bàn thờ Bác để nuôi tâm niệm của mình: Sẽ học và làm theo Bác. Cắm hương lên ban thờ, ông Tâm thủ thỉ: Ngày rằm, mùng 1, Tết… chúng tôi đều tâm sự với Bác việc nhà, việc làng xóm như tâm sự với tổ tiên. Từ ngày đón Bác về, chúng tôi thấy như trong nhà có thêm người, vui thêm, ấm áp thêm…

 

Không chỉ riêng nhà ông Trương Văn Tâm, vào bất kỳ nhà nào ở xã Phú Cường tôi cũng thấy các gia đình treo ảnh Bác Hồ. Việc làm ý nghĩa này bắt đầu từ Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Ban Chỉ đạo Cuộc vận động xã đã phát động nhân dân treo ảnh Bác. Đồng chí Đinh Văn Chỉ, Bí thư Đảng uỷ đưa tôi xem kết quả tổng hợp từ 10 xóm đưa lên: Chỉ sau 1 tháng phát động (tháng 1/2009), đã có 730/1.200 hộ treo ảnh Bác, đến nay (tháng 3/2009), gần 100% gia đình trong xã đã đón Bác về nhà mình, trong đó có 507 hộ lập bàn thờ và treo cờ Tổ quốc.

 

Chúng tôi đã nhìn thấy Bác và nghe  nhiều câu chuyện cảm động ở nhiều gia đình. Cụ Trần Văn Nguyễn (xóm Na Mấn) có 3 con trai thì 2 anh tham gia quân ngũ và đều hy sinh năm 1973. Cụ Nguyễn đã 89 tuổi, từ nhỏ cụ được học chữ nho nên nói chuyện rất khúc chiết, sâu sắc. Cụ cắt nghĩa cho tôi câu đối do chính tay cụ viết để thờ các con: Quân kính thần trung lưu thượng cổ/ phụ từ tử hiếu thị gia phong. (nghĩa là: Vua kính bề tôi như người thân, điều đó được lưu truyền từ xưa đến nay; cha lành thì dạy bảo các con điều hay, con có hiếu phải nghe lời cha mẹ). Điều đặc biệt là bàn thờ 2 liệt sĩ và Bằng Tổ quốc ghi công cụ Nguyễn đặt đối diện với nơi thờ Bác Hồ. Cụ bảo: Tôi muốn nói với các con tôi rằng, các con hy sinh vì đất nước như đạo hiếu làm con với cha, mẹ và hy sinh đó của các con luôn được đất nước trân trọng.

 

Nghèo nhưng sẵn sàng tặng của

 

Phú Cường là xã ATK nghèo của huyện Đại Từ, được nhà nước hỗ trợ theo Chương trình 135, số hộ nghèo của xã hiện còn gần 40%. Cản trở lớn con đường phát triển của xã là hệ thống giao thông quá kém. 24 km đường trục chính của xã là đường mòn nông thôn. Do sông Công chạy theo chiều dài của xã nên tách 3 xóm: Chiềng, Đèo và Na Mấn sang một khu riêng, nối với đường chính của xã bằng cầu treo và cầu tạm. Mùa mưa, những chiếc cầu tre ọp ẹp, rộng khoảng 50cm, không lan can, tay vịn bị nước cuốn phăng, muốn sang ủy ban chỉ có thể bơi hoặc chờ nước rút. Nhưng niềm vui đang hiện hình nơi đây vì theo kế hoạch, con đường liên xã Phú Cường - Đức Lương dài 6,8km, trị giá 16,8 tỷ đồng do tỉnh đầu tư sẽ đi qua xã 4,2 km và hoàn thành cuối năm 2009 này. Con đường đi qua địa phận các xóm: Na Mấn, Bán Luông, Na Quýt, Văn Cường 2, lấy đất của 117 hộ. 100% các hộ có con đường đi qua đều tự nguyện hiến đất không một đòi hỏi, thắc mắc nhỏ. Gia đình cụ Trần Văn  Nguyễn (đã nói ở trên) hiến 4 sào/14 sào đất canh tác hiện có. Anh Trần Trọng Khiêm (con trai cụ Nguyễn) cho chúng tôi biết kế hoạch của gia đình: Trồng chè cành thay cây chè truyền thống để tăng năng suất, bù đắp chỗ hụt đi của 4 sào đất hiến làm đường. Còn cụ Nguyễn thì móm mém nói đi nói lại:  Việc làm của chúng tôi so với mọi người chỉ là hạt cát, có đáng kể gì đâu, nếu Nhà nước cần nữa, gia đình vui vẻ hiến tiếp. Ông Trần Văn Lệ, cán bộ địa chính xã cho biết:  Có đến hơn 60% số hộ không được hưởng lợi từ công trình nhưng vẫn sẵn sàng hiến đất. Điển hình như các hộ ở xóm Na Mấn: Đàm Thị Tạy, hiến 281 m2, Trương Văn Tuấn:  256m2, Hoàng Văn Tuấn: 400m2; Đinh Thị Bắc: 168m2....

 

 

Gia đình cụ Trần Văn Nguyễn, xóm Na Mấn hiến 4 sào đất canh tác làm đường. Ảnh: M.H

 

Không chỉ hiến đất làm đường, 41 hộ dân khác còn hiến đất và hoa màu để đặt trạm biến thế và đổ chân cột điện với diện tích 3,04ha để thực hiện 2 dự án điện trị giá 1,7 tỷ đồng vốn 135 sẽ hoàn chỉnh đóng điện vào tháng 4 năm nay.

 

Bí thư Đảng uỷ xã Đinh Văn Chỉ trầm ngâm lâu lâu trước khi nói với tôi: Điều chúng tôi lo nhất là nói với dân có dự án để dân mong ngóng rồi chả thấy đâu. Như dự án làm đường là ví dụ, "rậm rịch" từ năm 2004, đến cuối năm 2008 khi họp dân báo cáo chuẩn bị làm, đề nghị dân hiến đất, nhiều người bảo: cứ từ từ, mấy lần nói có thấy gì đâu. Khi nhân công đến, máy móc làm ầm ào, họ bảo nhau: Làm thật rồi. Thế là cần đất đến đâu dân cho đến đấy, nghèo nhưng thảo. Dân mình thật tốt.

 

Chi bộ nông thôn chấp hành Điều lệ Đảng nghiêm túc

 

Vô tình, tôi đến xóm Chiềng đúng vào ngày họp Chi bộ thường kỳ. Bí thư Chi bộ Triệu Văn Hiến tiếp tôi nhưng tỏ rõ bồn chồn khi thấy đồng hồ nhích dần đến con số 13 giờ 30 phút. Tôi gấp sổ theo chân Bí thư đến Nhà văn hoá xóm. Có 20/23 người đã có mặt chờ họp, 3 người vắng có lý do. Buổi họp có 3 phần: Đọc tài liệu, cụ thể là đọc báo Thái Nguyên, báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản; Báo cáo kết quả hoạt động cơ sở và kiểm điểm, phân công nhiệm vụ theo nội dung công tác Đảng.  Anh Triệu Văn Hiến cho biết: để chuẩn bị cho cuộc họp này, trước đó, cấp uỷ mở rộng đã họp thống nhất các nội dung đưa ra chi bộ, như nội dung về phát triển kinh tế của xóm, kiểm điểm việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên. Từ khi thực hiện Cuộc vận động, điều chuyển biến rõ nhất là giờ giấc họp hành của Chi bộ nghiêm hơn, mặc dù đang ngày mùa bận rộn, có người cách chỗ họp vài cây số, nhưng như chị thấy đấy, các đảng viên đến họp rất đúng giờ và họp rất nghiêm túc.

 

Trở lại câu chuyện treo ảnh Bác và lập bàn thờ Tổ quốc, Bí thư  Đảng uỷ xã Phú Cường Đinh Văn Chỉ tỏ rõ sự hài lòng về sự đồng thuận của dân trước chủ trương của xã. Việc hơn 1.000 hộ dân hồ hởi đón ảnh Bác về, treo ở nơi trang trọng nhất trong nhà mình thể hiện lòng trân trọng, kính yêu Bác, một lòng theo Đảng. Thế nhưng ông cũng cho rằng, để việc treo ảnh Bác đi vào nền nếp, có ý nghĩa hơn, Đảng uỷ sẽ tham khảo ý kiến của nhân dân và ban hành quy định về vị trí treo ảnh, vị trí đặt bàn thờ, có treo ảnh Tổ quốc không và bài khấn nôm như thế nào… để thống nhất trong toàn xã, từ đó khẳng định việc làm này là ý Đảng, lòng Dân và là việc làm thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động.

 

Riêng tôi thì lại nghĩ, Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" có đi vào cuộc sống hay không là do lãnh đạo nơi đó phải nghĩ ra việc làm cụ thể chứ không nên hô hào chung chung và bản thân họ phải là người gương mẫu làm trước. Chẳng phải ở Phú Cường mà ở nơi đâu cũng vậy, khi dân đã tin thì sẵn sàng mở lòng trung hậu, hiếu thảo. Chỉ sợ nhất là làm mất lòng tin nơi dân mà thôi.