“ Học theo tấm gương của Bác chính là làm tốt công việc của người công nhân”

13:52, 30/09/2011

Đó là suy nghĩ của anh Tạ Đình Cường, hiện đang công tác tại Tổ Sửa chữa, Phòng Quản lý Kỹ thuật, Công ty Xăng dầu Bắc Thái  khi tôi hỏi anh: “Học tập theo tấm gương của Bác anh thấy mình cần phải học những gì?”, anh không một chút đắn đo mà trả lời tôi rất tự tin như vậy.

Anh giải thích thêm: “ Là một công nhân nên tôi nghĩ, việc học theo tấm gương của Bác không có gì trừu tượng mà rất cụ thể như: nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc; chịu khó học hỏi để vững vàng trong chuyên môn nghiệp vụ; trong công việc phải tiết kiệm thời gian; nơi làm việc luôn gọn gang sạch sẽ; hoà nhã với đồng nghiệp; vui vẻ khi được giao nhiệm vụ; hoàn thành tốt công việc được giao”. Tôi ngẫm, để làm được những điều tưởng như đơn giản ấy không phải ai cũng làm được. Bởi vì, với anh, năm nay đã vào tuổi 50, công việc chính của anh là thợ sửa chữa. Cả tổ chỉ có 4 người, trong đó, tổ trưởng phụ trách chung, một người phụ trách sửa chữa xây dựng, chỉ có 2 công nhân sửa chữa nhưng phải phụ trách tới 66 cửa hàng xăng dầu (mỗi cửa hàng có từ 2 đến 3 cây xăng) phân bố rộng khắp trên địa bàn hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên (đó là chưa kể các đại lý của Công ty) nên công việc của anh và đồng nghiệp khá vất vả. Hai người thường phải chia ra 2 tuyến, người đi phía Nam, người đi phía Bắc. Trong khi đó, do các cây xăng hoạt động liên tục (24/24 giờ) nên hay hỏng hóc. Nếu không khắc phục sự cố kịp thời sẽ ảnh hưởng đến việc phục vụ khách hàng. Vì vậy, anh cứ “chạy như đèn cù” hết cây xăng này đến cây xăng khác. Theo anh nói: Bình quân mỗi ngày anh phải đi lại trên đường từ 50 đến 60 km. Cứ ròng rã như vậy không kể trời mưa hay nắng; ngày nghỉ hay lễ, tết, cứ ở đâu có sự cố về máy móc, thiết bị là anh lại phải có mặt để khắc phục ngay. Khối lượng công  việc nhiều như vậy nhưng đi đến đâu anh vẫn hòa nhã, không kêu ca phàn nàn và bắt tay vào xử lý sự cố ngay để các cây xăng hoạt động thông suốt.

 

Không chỉ sửa chữa khi các cây xăng có sự cố, anh còn phải bảo dưỡng định kỳ hàng tháng toàn bộ hệ thống bể chứa xăng dầu (trên 30 bể chứa), đường dây dẫn từ bể chứa lên cột bơm xăng; hệ thống điện chiếu sáng ở tất cả các cửa hàng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh đã xây dựng kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa một cách khoa học với phương châm tiết kiệm thời gian là yếu tố hàng đầu. Vì thế, mỗi khi đi sửa chữa một cây xăng nào đó bị sự cố, nếu còn thời gian anh thường kết hợp kiểm tra luôn các cây xăng khác ở các cửa hàng trên cùng tuyến đường đi, nếu thấy có vấn đề gì thì có kế hoạch khắc phục ngay không để đến khi hỏng nặng mới sửa. Với các “căn bệnh” thường gặp của các cây xăng, anh đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu tìm vật liệu thay thế nhằm tăng “tuổi thọ” các thiết bị máy móc; giảm công thay thế cho người làm và tiết kiệm chi phí cho Công ty.

 

Ví dụ như: đầu súng bơm xăng thường được sử dụng bằng đầu nhôm, do hoạt động liên tục nên thường hay bị bào mòn. Anh đã cùng với đồng nghiệp nghiên cứu và đề nghị Công ty cho thay thế bằng đầu đồng về gia công lại có thể sử dụng được từ 6 tháng (nếu bơm xăng nhiều) đến 1 năm, giá thành chỉ từ 200 đến 250 nghìn đồng/chiếc; trong khi đó, đầu súng bằng nhôm chỉ sử dụng được trong 3 tháng phải thay một lần, giá lại cao gấp đôi 500 nghìn đồng/chiếc). Sáng kiến trên đã được Công ty áp dụng tại các cây xăng ở 10 cửa hàng và các cửa hàng khác cũng đang dần thay thế. Anh cho biết, anh đang cùng anh em trong phòng tiếp tục nghiên cứu để  thay thế  vòi cao su dẫn xăng bằng một vật liệu khác bền hơn. Vì vòi dẫn bằng cao su đang sử dụng do rê đi rê lại trên nền xi măng khi bơm xăng nên rất nhanh bị bào mòn.

 

Mặc dù công việc của anh bận rộn như vậy, song anh vẫn sắp xếp thời gian để tham gia tích cực các hoạt động khác của Công ty; chịu khó học tập để nâng cao trình độ. Vì thế, khi mới về nhận việc ở Công ty (năm 1989) anh chỉ là một công nhân cơ khí, năm 1996, anh đã có thêm tấm bằng đại học của Trường Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội. Ngoài ra, anh còn dành thời gian tham gia các hoạt động thể thao của Công ty và luôn đoạt giải cao trong các đợt thi đấu cấp Công ty, ngành Công Thương tổ chức.

 

Khi nói về anh, Phó Giám đốc Công ty Mai Xuân Bắc cũng nhận xét: “Anh là người nhanh nhẹn, hoạt bát; ham thích thể thao; nhiệt tình, trách nhiệm cao trong công việc và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; luôn quan tâm giúp đỡ đồng nghiệp”. Vì vậy, năm nào anh cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến xuất sắc; đảng viên xuất sắc; được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp khen thưởng trong đợt sơ kết 4 năm thực hiện Cuộc vận động : “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.