Trong vòng 5 năm trở lại đây, năm nào xã Tức Tranh, Phú Lương cũng có khoảng 20 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu bền vững…
Đến xã Tức Tranh (Phú Lương) ít ai lại không biết đến gia đình chị Hoàng Thị Toàn, xóm Đồng Danh. 5 năm trước gia đình chị còn là một hộ nghèo, thế mà nay gia đình chị đã được liệt vào diện giàu có ở xã. Chị Toàn tâm sự: Có được như ngày hôm nay, tất cả là nhờ vào Hội Phụ nữ xã. Trước đây, gia đình tôi tuy có diện tích đất khá rộng, nhưng không cấy được lúa bởi đất cằn, thiếu nước sản xuất, suy tính mãi cũng chẳng biết làm gì để sinh sống, vậy nên cuộc sống mới nghèo. Nhưng từ năm 2007, được các chị trong Hội LHPN nữ xã đến tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã san đất trồng chè. Ngoài ra, Hội còn đứng ra tín chấp cho tôi vay 1 triệu đồng để mua lợn về nuôi, vay phân bón trả chậm để đầu tư trồng chè. Từ đó, cuộc sống gia đình tôi đã từng bước được nâng lên. Đến nay, tôi đã có 6 sào chè cành, mỗi năm thu 7 lứa, mỗi lứa 150kg búp khô, thu nhập trên 80 triệu đồng. Số đầu lợn trong chuồng cũng ngày càng tăng lên, quy mô chuồng trại đã mở rộng nhiều. Hiện trong chuồng lúc nào gia đình tôi cũng có khoảng 40 con lợn thịt.
Ngoài gia đình chị Toàn, ở xóm Đồng Danh còn có gia đình chị Trần Thị Hường cũng từ một hộ khó khăn vươn lên làm giàu nhờ có sự giúp đỡ của tổ chức Hội Phụ nữ. Sự động viên, khích lệ của các chị đã giúp chị Hường có niềm tin, mạnh dạn vay ngân hàng 200 triệu đồng để đầu tư mô hình chăn nuôi lợn. Trong quá trình chăn nuôi, chị còn được hướng dẫn về quy trình chăm sóc, cách phòng, tránh các loại dịch bệnh thường gặp. Vì vậy nên trong 5 năm chăn nuôi lợn, gia đình chị không bị dịch bệnh lần nào. Hiện trong chuồng nhà chị lúc nào cũng có trên 100 đầu lợn, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng.
Những hộ thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của Hội LHPN xã ở Tức Tranh không phải là hiếm, ngoài chị Toàn, chị Hường, còn nhiều hội viên phụ nữ được Hội hỗ trợ, giúp đỡ để phát triển kinh tế nâng cao đời sống. Hội Phụ nữ xã Tức Tranh hiện có 1.230 hội viên, sinh hoạt ở 24 chi hội. Nhận thức rõ, muốn xây dựng tổ chức Hội vững mạnh thì từng hội viên phải là những nhân tố tích cực. Muốn vậy thì tổ chức Hội phải chăm lo tốt cho cuộc sống của các hội viên, trong đó hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, tăng giàu, giảm nghèo là yếu tố quan trọng. Chính vì vậy, Hội LHPN xã đã thành lập ra Ban Xóa đói giảm nghèo của Hội, phân công các thành viên phụ trách các vùng miền, đặc biệt quan tâm tới 3 chi hội là: Minh Hợp, Đồng Tâm và Đồng Tiến là các xóm có tỷ lệ nghèo cao nhất xã bằng cách tăng cường cán bộ, thường xuyên bám cơ sở, ưu tiên hỗ trợ chị em chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Sở dĩ các chi hội này được quan tâm là bởi đây là các xóm có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã.
Nhiệm vụ của các thành viên của Ban xóa đói giảm nghèo là chỉ đạo, đôn đốc, giám sát các chi hội mình phụ trách, khảo sát nắm bắt số lượng hội viên trong các gia đình thuộc diện nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, tìm ra nguyên nhân dẫn tới nghèo, từ đó phối hợp với chi bộ cơ sở tìm biện pháp giúp đỡ. Thông qua nhiều hình thức như: Cho vay cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… không lấy lãi; cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật về quản lý sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho chị em đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình làm kinh tế giỏi ở các địa phương bạn để áp dụng vào sản xuất trong hộ gia đình; tín chấp cho chị em vay các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng nông nghiệp, ngân hàng chính sách xã hội.
Tính đến nay, Hội đã tín chấp cho 365 lượt hội viên vay với tổng số vốn hơn 5 tỷ đồng. Chưa kể, từ nguồn quỹ hội, nhiều chị em cũng đã được vay vốn để mua vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền 97,5 triệu đồng. Ngoài ra, chị em hội viên còn giúp đỡ nhau bằng ngày công để tu sửa nhà cửa, hái chè, cấy lúa, gặt lúa, trồng ngô… Vào những ngày mùa, các chi hội đều tổ chức ngày đoàn kết. Đó là ngày mà các hội viên có điều kiện tình nguyện đến giúp đỡ các hộ hội viên khó khăn, neo người làm việc đồng áng, hay những việc gia đình. Vào những ngày này, trên những đồng lúa, nương chè, từng nhóm phụ nữ tụ lại cùng nhau làm việc, trò chuyện vui vẻ lắm. Việc làm này không chỉ giúp nhiều hộ hội viên thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khá giả mà còn làm cho tình cảm giữa các hội viên thêm keo sơn như chị em một nhà.
Từ những hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế đầy thiết thực, trong vòng 5 năm trở lại đây, năm nào cũng có khoảng 20 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo cùng với nhiều hộ vươn lên làm giàu bền vững. Trong trên 100 hộ hội viên thuộc diện khá, giàu ở xã, có nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu như mô hình thâm canh chè cao sản, chăn nuôi dê, chồn, nhím, đồi rừng tổng hợp… góp phần đáng kể vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.