Gặp người có 3 đề tài sáng tạo trẻ

10:03, 22/11/2011

Đó là anh Nguyễn Quang Thiêm, đã tốt nghiệp chuyên ngành Hóa công nghiệp ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

 Sau khi ra trường, anh đã có vài năm làm việc ở Hà Nội, rồi mới trở về Thái Nguyên “đầu quân” vào công tác tại Phòng Kỹ thuật công nghệ, Nhà máy Cốc hóa, Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (CTGT). Qua thời gian thử việc, anh đã được giao phụ trách dây chuyền thu hồi các sản phẩm hóa của Nhà máy. Đây là một trong 3 phân xưởng chính (gồm PX than, cốc, hóa) hỗ trợ cho sản xuất. Trong đó, Phân xưởng Hóa có chức năng thu hồi, chế biến các sản phẩm hóa (từ khí cốc ngưng tụ hóa lỏng thành hỗn hợp dầu cốc; từ dầu cốc chưng luyện để lấy sản phẩm khác như: dầu nhẹ, dầu Naphtalen, dầu trung gian, dầu tẩy, dầu Antraxen, nhựa đường…)

 

Anh cho biết: Nhiệm vụ chủ yếu của Nhà máy là chuyên sản xuất cốc luyện kim phục vụ cho Nhà máy Luyện gang. Do các thiết bị máy móc được đầu tư đã nhiều năm nên công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, kinh phí sửa chữa tốn kém. Trong khi đó, đối với Nhà máy Cốc hóa nói riêng và CTGT nói chung, vấn đề “nóng bỏng” nhất vẫn là làm thế nào để cải thiện môi trường nhằm tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động và tăng hiệu suất lao động, giảm giá thành sản phẩm cho đơn vị. Vì vậy, bên cạnh việc làm tốt công việc chuyên môn (phụ trách dây chuyền thu hồi các sản phẩm hóa), hàng năm, anh đã tích cực tham gia phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật do Công ty phát động, cùng đồng nghiệp nghiên cứu, tìm tòi các giải pháp tốt nhất để giảm thiểu môi trường và tăng hiệu suất thu hồi chế biến các sản phẩm hóa.

 

Chỉ trong 4 năm công tác tại Phòng Kỹ thuật công nghệ, anh đã có 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được Hội đồng Sáng kiến cải tiến kỹ thuật Công ty nghiệm thu và 3 đề tài sáng tạo trẻ đạt  giải Nhất, Nhì và Khuyến khích cấp tỉnh. Trong đó có  một số đề tài đang được triển khai rộng rãi trong Công ty như: vấn đề Văn hóa doanh nghiệp; vấn đề bảo vệ môi trường (riêng lĩnh vực bảo vệ môi trường anh có 2 đề tài, được giải Nhất và Nhì cấp tỉnh, trong đó 1 đề tài được chọn vào Top 68 đề tài, sản phẩm sáng tạo trẻ trong phong trào “Sáng tạo trẻ” năm 2011. Đặc biệt, sáng kiến:  “Giải pháp thay thế công nghệ tách thoát nước có trong dầu cốc bằng máy li tâm 3 pha” được đánh giá cao và đây là giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo yếu tố môi trường, an toàn cho người sản xuất nên đã được nghiệm thu đưa vào ứng dụng tại Nhà máy Cốc hóa.

 

Anh  tâm sự: Dây chuyền thu hồi và chế biến các sản phẩm hoá học từ quá trình luyện cốc ở Nhà máy Cốc hoá hiện nay đã cũ và lạc hậu. Một trong những khâu quan trọng nhất của dây chuyền thu hồi và chế biến các sản phẩm hoá học là thu hồi dầu cốc triệt để đảm bảo tỷ lệ thu hồi dầu cốc là lớn nhất. Nếu thu hồi được dầu cốc triệt để sẽ làm lợi rất nhiều cho đơn vị và tăng năng suất lao động, giảm chi phí tiêu hao. Tuy nhiên, chi phí để thay đổi công nghệ tiên tiến bằng máy li tâm 3 pha dùng để tách thoát nước có trong dầu cốc là tương đối lớn, trong khi điều kiện tài chính  của đơn vị còn rất khó khăn. Vì vậy, tôi đã đề nghị giải pháp thay thế công nghệ tách thoát nước có trong dầu cốc bằng máy li tâm 3 pha nên được áp dụng  nhằm thay đổi công nghệ tiên tiến hơn, giảm thời gian thoát nước, nâng cao hiệu xuất thu hồi dầu cốc và nâng cao được chất lượng hiệu quả xử lý nước thải hiện nay của đơn vị” và đã được chấp nhận, đây là niềm vui lớn với tôi.

 

Không nói về nhiều về mình, nhưng qua đồng nghiệp và Đoàn Công ty Gang thép Thái Nguyên, tôi được biết, anh Nguyễn Quang Thiêm còn là người luôn đi đầu, gương mẫu trong mọi phong trào; luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; được bạn bè đồng nghiệp yêu mến. Anh còn là một trong 40 đoàn viên  được CTGT lựa chọn là tấm gương tiêu biểu trong Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2011”; được Trung ương Đoàn tuyên dương trong Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo, BVMT toàn quốc năm 2011.