Qua câu chuyện với nhiều người dân ở tổ dân phố số 6, phường Mỏ Chè, T.X Sông Công chúng tôi được biết về ông tổ trưởng Dương Văn Đảm là người gương mẫu, nhiệt tình, sáng tạo và hết lòng với công việc chung.
Gần 5 năm làm tổ trưởng, ông Đảm đã góp phần tích cực đưa tổ dân phố trở thành một trong hai đơn vị 3 năm liên tục được UBND T.X Sông Công cấp bằng chứng nhận Tổ dân phố văn hóa.
Ông Dương Văn Đảm trước công tác tại Công ty Phụ tùng máy số 1. Năm 2007, ông về nghỉ hưu và được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 6, phường Mỏ Chè. Tổ dân phố được thành lập năm 2005 trên cơ sở tách ra từ Khối phố 2 cũ, với 114 hộ gia đình gồm 412 nhân khẩu, nằm trải dài trên 1km đường Cách mạng Tháng Tám (T.X Sông Công). Cư dân của tổ gồm nhiều thành phần: cán bộ hưu trí, người dân làm nghề tự do, cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan, doanh nghiệp. Thời điểm ông Đảm được bầu làm tổ trưởng, tổ dân phố chưa có nhà văn hóa, các hội, đoàn thể hoạt động chưa thường xuyên, tổ dân phố chưa năm nào đạt được danh hiệu tổ dân phố văn hóa.
Sinh sống nhiều năm tại địa phương, ông Đảm hiểu rõ nhược điểm lớn nhất của tổ mình là người dân chưa thực sự đoàn kết, nhà nào nhà nấy “kín cổng cao tường”, chưa thực sự quan tâm tới hàng xóm, tới công việc chung của tổ. Với bản tính nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, ông Đảm trăn trở nghĩ cách để người dân trong tổ dân phố gắn bó, đoàn kết với nhau hơn. Việc đầu tiên ông nghĩ đến là phải xây dựng nhà văn hóa, để có chỗ sinh hoạt chung cho các hộ dân. Tháng 6-2007, ông Đảm đã đề xuất với cấp ủy chi bộ tổ phát động bà con trong tổ xây dựng nhà văn hóa. Ban đầu, còn một số hộ dân không ủng hộ chủ trương này vì cho rằng: chưa thực sự cần thiết, mức đóng góp cao….
Không nản chí, ông Đảm và ban lãnh đạo tổ dân phố đã kiên trì đến từng gia đình chưa đồng thuận để phân tích lẽ thiệt hơn, sự cần thiết phải có nhà văn hóa tổ. Cuối cùng, đến đầu năm 2008, 100% hộ dân trong tổ đã đồng thuận để đóng góp xây dựng nhà văn hóa. Đến tháng 5-2008, nhà văn hóa tổ diện tích 60m2 đã được xây dựng xong với tổng số tiền huy động được 78,3 triệu đồng. Qua việc xây dựng nhà văn hóa, niềm tin của người dân đối với ông Đảm và ban lãnh đạo tổ dân phố thêm củng cố. Vì thế, dân lại tự nguyện đóng góp thêm gần 8 triệu đồng để trang bị thêm phông bạt, loa đài, quạt… cho nhà văn hóa. Ông Đảm cũng đề xuất với cấp ủy chia tổ dân phố thành 4 nhóm tự quản để dễ triển khai công việc, nhanh chóng nắm bắt được tình hình các hộ dân. Vì thế, việc phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đến người dân rất nhanh chóng. Không những thế, các gia đình khi có việc hiếu, hỉ, ốm đau, hoạn nạn đều được đại diện tổ dân phố kịp thời động viên giúp đỡ.
Ngoài ra, ông Đảm cũng dành nhiều thời gian để nắm bắt những khó khăn của từng gia đình, hiểu rõ hoàn cảnh của họ để tìm cách giúp đỡ phù hợp. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Thái Bình, một hộ nghèo của tổ. Anh Bình đã từng có thời vướng mắc vào tệ nạn xã hội và phải thụ án tù. Năm 2009, anh được trở về với gia đình sau khi đã chấp hành án phạt. Về nhà với 2 bàn tay trắng, hai vợ chồng cùng không có việc làm trong khi 2 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Anh Bình rất mặc cảm, không quan hệ với hàng xóm. Lúc đó, ông Đảm đã dành thời gian quan tâm thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của anh Bình. Ông đã đứng ra vận động người dân trong tổ cùng với số tiền của gia đình cho anh Bình vay 20 triệu đồng để đi học nghề sửa xe máy. Sau khi anh Bình đã thành thạo nghề, ông Đảm cũng là người tiếp tục giúp anh Bình tiếp cận được với nguồn vốn giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã vay 20 triệu đồng, vận động bà con trong tổ cho anh Bình vay thêm 30 triệu đồng để mở cửa hàng sửa chữa xe máy vào năm 2010. Đến nay, anh Bình đã hòa nhập tốt với cộng đồng và chăm chỉ làm ăn, thu nhập từ công việc sửa chữa xe máy của anh đã đảm bảo cho gia đình sinh sống. Nói về ông Dương Văn Đảm, anh Nguyễn Thái Bình cảm kích: “Người dân ở tổ dân phố rất tôn trọng ý kiến của chú Đảm vì chú là người rất mẫu mực trong cuộc sống và hết lòng vì công việc chung của tổ dân phố. Cá nhân tôi, sau 6 năm thụ án tù nếu không có sự tin tưởng và giúp đỡ cao quý của chú Đảm, thì tôi không thể có ngày hôm nay, trở thành một người có ích cho xã hội”.
Từ những thay đổi tích cực như trên, mối đoàn kết trong nhân dân ở tổ dân phố đã được cải thiện rõ rệt, xây dựng được môi trường văn hóa lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường được đảm bảo, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế... 3 năm liên tục từ 2008 đến 2010, Tổ dân phố số 6 được UBND T.X Sông Công cấp bằng chứng nhận Tổ dân phố văn hóa. Nói về công việc của mình, ông Dương Văn Đảm cho rằng: Làm tổ trưởng tổ dân phố là công việc không dễ dàng, phải biết sống vì mọi người, vì công việc chung. Thế nhưng, làm tổ trưởng tổ dân phố cũng được rất nhiều, đó là lòng kính trọng, yêu mến của bà con trong tổ, tìm thấy niềm vui trong công việc, sống có ích. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng để làm được nhiều việc có ích cho tập thể hơn nữa.