Dân vận tốt, phong trào mạnh

16:09, 28/12/2011

Dẫn chúng tôi đi trên con đường xóm Bản Cái đang được trải nhựa, đồng chí Phan Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã Ôn Lương (Phú Lương) giới thiệu: Chỉ trong vòng 15 ngày sau khi triển khai, 41 hộ dân đã tự nguyện hiến trên 16,5 nghìn m2 đất giao cho đơn vị thi công. Đó chính là kết quả của việc triển khai một cách bài bản và hiệu quả công tác dân vận ở xã.

 

Ôn Lương là xã thuần nông nghèo, dịch vụ chưa phát triển, đời sống của bà con chủ yếu chỉ trông vào cây lúa. Xã có 860 hộ với trên 1.000 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,8%. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, bà con trong xã rất quan tâm đến việc xây dựng các công trình phúc lợi, đặc biệt là đường giao thông. Hiến đất làm đường đã trở thành phong trào được bà con hưởng ứng mạnh mẽ. Điển hình như việc 41 hộ dân đã tự nguyện hiến trên 16,5 nghìn m2 đất để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công làm tuyến đường du lịch làng nghề sinh thái hồ Na Mạt. Đầu năm 2010, UBND tỉnh có chủ trương đầu tư khoảng 5 tỷ đồng để xây dựng con đường này. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp, không có khả năng đền bù giải phóng mặt bằng, huyện Phú Lương đã chỉ đạo UBND xã Ôn Lương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến đất.

 

Ông Nguyễn Đình Cót, Bí thư Chi bộ xóm Bản Cái cho biết: Xác định công tác vận động, tuyên truyền là việc làm quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng, Ban Công tác Mặt trận xóm Bản Cái đã thành lập Ban Giải phóng mặt bằng. Ban có nhiệm vụ tổ chức họp dân để thông báo chủ trương, tuyên truyền về ý nghĩa của con đường cũng như mong muốn của tỉnh. Chỉ trong vòng 15 ngày, công tác tuyên truyền đã đạt được kết quả, các hộ dân đều đã thông suốt nhận thức việc làm đường là để phục vụ chính mình và giúp kinh tế địa phương phát triển.

 

Ông Phan Văn Sáng, Trưởng xóm tâm sự: Gia đình tôi đã hiến trên 3.000m2 đất. Vẫn biết tấc đất là tấc vàng, nhưng việc làm đường giao thông để phục vụ đi lại và phát triển kinh tế - xã hội đang là vấn đề cấp thiết ở địa phương, hơn nữa tôi là Trưởng xóm lại càng phải làm gương cho nhân dân. Chính vì vậy, khi có chủ trương là tôi đồng tình ngay, tôi đã tổ chức họp gia đình giải thích cho cả nhà đều hiểu suy nghĩ của mình.

 

Phong trào hiến đất làm đường ở Ôn Lương không phải bây giờ mới có, mà trước đó, bà con địa phương cũng đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của những con đường, do vậy họ đã sẵn sàng hy sinh lợi ích trước mắt vì lợi ích lâu dài, hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích tập thể. Năm 2007, tỉnh cũng có chủ trương đầu tư xây dựng con đường làng nghề đi qua 5 xóm: Na Tủn, Cây Thị, Thâm Đông, Đầm Rum, Thâm Trung. 138 hộ dân đất nằm trong quy hoạch con đường cũng đã tình nguyện hiến 10,3 nghìn m2. Hay như năm 2009, xã triển khai làm 2 tuyến đường: từ UBND xã đến Trường Mầm non và tuyến đường từ trung tâm xã đến Trạm Y tế với tổng chiều dài trên 300m. Nhận thức rõ lợi ích thiết thực của những con đường này, bà con có đất 2 bên đường cũng đã hiến hàng nghìn m2 đất giao cho đơn vị thi công…

 

Để có được sự chung sức đồng lòng của bà con như vậy, xã đã đặc biệt quan tâm làm tốt công tác dân vận. Khối Dân vận xã đã triển khai kế hoạch đến các chi bộ, MTTQ, các đoàn thể. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Khối Dân vận xã Ôn Lương đã phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” cùng với tuyên truyền thực hiện tốt quy chế dân chủ ở địa phương. Qua đó, đội ngũ cán bộ dân vận ở cơ sở có trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu năng động, sáng tạo, luôn thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cán bộ dân vận phải “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” đồng thời luôn có quan điểm “Gần dân, hiểu dân, trọng dân, có trách nhiệm với dân”. Từ việc đẩy mạnh công tác vận động khối đại đoàn kết toàn dân đã được tăng cường, nhiều công trình trên địa bàn xã Ôn Lương đã được đầu tư. Tính đến nay, bà con địa phương đã tham gia hiến hơn 57 nghìn m2 đất để xây dựng, nâng cấp trên 5km đường giao thông.

 

Việc xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không chỉ thể hiện ở phong trào hiến đất làm đường mà còn cả trên lĩnh vực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng chí Phan Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã cho biết: 5 năm trở lại đây, thu ngân sách của xã hàng năm tăng từ 10-20%, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 7 triệu đồng/người/năm… Kết quả này có sự đóng góp của công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là trong việc giải quyết những bức xúc trong nhân dân, xem xét những nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của nhân dân, công tác dân vận luôn giữ vai trò nòng cốt để tạo sự đồng thuận trong xã hội.