Người phụ nữ ấy rất kiệm lời khi chúng tôi hỏi về những thành quả mà chị đã gây dựng gần 20 năm qua Chị là Đàm Thị Xuyên, hội viên xuất sắc của Chi hội Phụ nữ xóm Tiền Phong, xã Thanh Ninh (Phú Bình)..
Để có được xưởng mộc trị giá trên 200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho gần 10 lao động ở địa phương với mức thu nhập trên dưới 3 triệu đồng/người/tháng; xây được nhà cao tầng kiên cố; con cái chăm ngoan, học giỏi như ngày hôm nay, vợ chồng chị đã phải cố gắng rất nhiều.
Ngày ấy, con gái Thanh Ninh ai cũng lấy chồng sớm, vậy nên năm 1992, mới 20 mươi tuổi, chị Xuyên đã bước chân về nhà chồng với bao bỡ ngỡ. Chị đã phải làm lụng vất vả, suốt ngày quần quật ngoài đồng cày xới, chăm bón 1 mẫu ruộng nhưng thu nhập cũng chỉ đủ tằn tiện chi tiêu cho cả nhà. Để có thêm thu nhập, chị bàn với chồng (anh Nguyễn Duy Hiếu) đầu tư chăn nuôi lợn thịt, nhưng giá bán lợn hơi bếp bênh, lúc lên, lúc xuống nên nuôi mấy lứa, lứa nào cũng chỉ hòa hoặc lỗ vốn nên chị đành bỏ cuộc. Đến năm 1995, vợ chồng chị quyết định chung vốn với một người bạn đầu tư mua máy xẻ gỗ trị giá 24 triệu đồng về xẻ gỗ thuê cho một số cơ sở sản xuất đồ mộc trong xã. Công việc tuy vất vả nhưng cũng có thêm thu nhập, bởi vậy vợ chồng chị luôn gắng sức làm. Khi lưng vốn đã hòm hòm, năm 2000, vợ chồng chị quyết định tách riêng, mua 2 máy xẻ gỗ và gây dựng 1 xưởng chuyên xẻ gỗ thuê.
Loay hoay mãi với bài toán phát triển kinh tế nhưng thu nhập cũng chỉ đủ ăn, cách đây 2 năm (2009), vợ chồng chị quyết định đầu tư làm ăn lớn hơn khi anh chị tìm được hợp đồng chế biến gỗ để làm nan bao bì (các thanh gỗ được đóng thành các thùng đựng hàng xuất khẩu đi nước ngoài) cung cấp cho một công ty ở tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, vợ chồng chị đã đầu tư 50 triệu đồng mua thêm 1 máy cắt gỗ trị giá trên 100 triệu đồng và mua nguyên liệu gỗ về chế biến. Từ đó, xưởng chế biến gỗ không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định (khoảng trên 100 triệu đồng mỗi năm) cho gia đình chị mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Chị Xuyên tâm sự: Tôi hiểu và cảm thông với những nỗi nhọc nhằn của phụ nữ nông thôn, bởi tôi cũng đã có những ngày tháng vô cùng vất vả. Vì vậy, xưởng mộc của gia đình tôi luôn tạo điều kiện cho những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào làm việc.
Để chứng thực lời nói của chị Xuyên, chúng tôi đã dành thời gian trò chuyện với một số lao động đang làm việc tại xưởng mộc. Hầu hết lao động ở đây đều là nữ, nhiều chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đơn cử như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thanh, ở xã Dương Thành (Phú Bình), đã làm việc tại đây vài năm nay. Hoàn cảnh của chị Thanh rất khó khăn, một mình chị phải nuôi 2 con ăn học, trong đó có một cháu đang học đại học. Ngoài ra, chị Xuyên cũng tạo điều kiện cho chồng của một số chị em thường xuyên ốm đau, mất sức lao động làm việc tại xưởng mộc, như trường hợp của anh Nguyễn Văn Toán, người cùng xã. Vợ anh Toán đau ốm liên miên, mất sức lao động, may mà thu nhập của anh tại xưởng mộc đã cơ bản trang trải cho cuộc sống của cả gia đình.
Theo lời nhận xét của chị Trương Thị Nụ, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Ninh, chị Xuyên không chỉ là một phụ nữ giàu nghị lực, luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình mà còn là một hội viên phụ nữ xuất sắc, tích cực tham gia mọi phong trào hoạt động ở địa phương, như: văn hóa, văn nghệ, thể thao... Chị đã được Hội LHPN xã tặng danh hiệu hội viên phụ nữ xuất sắc trong phong trào thi đua từ năm 2006-2011.
- Trong Di chúc, Bác Hồ mong muốn đất nước ta ngày càng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Và để thực hiện mong muốn của Người, ngoài sự tạo điều kiện của Nhà nước, tôi nghĩ, mỗi người dân cũng cần phải tự lực vươn lên. Trên thực tế, làm giàu cho mình chính là làm giàu cho quê hương, đất nước - chị Xuyên đã tâm sự với chúng tôi như thế. Và trong tương lai, chị dự định sẽ mở thêm một cửa hàng kinh doanh đồ gỗ, mỹ nghệ. Để có sản phẩm cung cấp cho thị trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, gia đình chị sẽ mua gỗ, sản xuất các sản phẩm thô như giường tủ, bàn ghế, kệ các loại… rồi thuê những người thợ đã có tay nghề ở các làng nghề mộc truyền thống về gia công thành phẩm. Tuy nhiên, để mở được cửa hàng, chị rất mong địa phương tạo điều kiện về thủ tục hành chính, qua đó giúp chị có thể vay được vốn của ngân hàng.