Người trưởng xóm làm giàu từ cây chè

09:09, 23/12/2011

Đó là anh là Mạc Thanh Dương, Trưởng xóm Soi Mít, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên).

Ở tuổi mới ngoài 30 như anh Mạc Thanh Dương (sinh năm 1976) có lẽ không mấy người đam mê và am hiểu về chè đến vậy. Có thời cơ được giãi bày, anh nói chuyện say sưa như muốn truyền cho chúng tôi tất cả những kinh nghiệm liên quan đến cây chè, được đúc rút từ quá trình mày mò, học hỏi của bản thân. Rồi anh kết luận: “Làm chè ngon không khó, miễn là chịu học hỏi và trú tâm vào nó…”

 

Khoảng hơn 10 năm trước những đám chè trung du của gia đình cứ tàn lụi rồi chết dần, anh xót xa và day dứt vì không tìm ra nguyên nhân, cách khắc phục. Chán nản, anh quay sang trồng các loại cây ăn quả, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao vì hình như vùng đất này chỉ dành riêng cho cây chè. Đang trăn trở tìm lối thoát thì anh may mắn được dự các lớp tập huấn, hỗ trợ người nông dân đưa kỹ thuật mới vào trồng chè. Cộng với kinh nghiệm sẵn có, anh nhận ra nguyên nhân của vấn đề là do trước đây gia đình anh cũng như nhiều hộ khác đã chạy theo năng suất trước mắt nên quá lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đất đã bị thoái hóa. Anh quyết định làm lại từ đầu bằng cách tăng cường dùng phân vi sinh và phân chuồng bón cho cây, trồng thay thế những chỗ chè bị chết. Tuy nhiên, cây chè mới trồng lại cũng không phát triển được. Anh lại thêm một lần nữa quyết tâm, tập trung cải tạo đất: thay thế dần những chỗ đất thoái hóa bằng đất khác; “độn” lớp đất bị thoái hóa xuống dưới… Kiên trì, cần mẫn, mòn nhiều chiếc quốc chim, với bao mồ hôi công sức và đôi bàn tay chai sạn, đổi lại, niềm tin của vợ chồng anh ngày một lớn dần (cùng gặp tình cảnh đó, nhiều hộ dân trong xóm đã quay lưng với cây chè).

 

Anh vui vẻ nói mà như khoe với chúng tôi: “Giờ đất đã tơi xốp lắm, chè đang phát triển rất tốt, chất lượng được nâng lên đáng kể”. Nhận thấy tác dụng của các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ đối với sự phát triển bền vững của cây chè, anh thường đặt mua số lượng lớn phân chuồng từ các trang trại quanh vùng đem về ủ mục (hiện gia đình cũng đang ủ khoảng 7 tấn), rồi kết hợp với phân vi sinh bón cho chè. Khi bón phân, anh thường đào hố cạnh gốc chè rồi thả phân xuống và lấp đất cẩn thận nên cây dễ hấp thụ mà lại không bị rửa trôi. Ngoài việc kiên trì cải tạo đất, anh Dương còn tích cực san sườn đồi dốc thành những bãi bằng đồng mức, đắp bờ bao nhằm ngăn đất màu và giữ ẩm cho chè. “Đất không phụ công người”, mỗi lứa chè gia đình anh Dương thu được từ 3 đến 3,5 tạ chè búp khô, một năm cũng xấp xỉ 2 tấn chè, trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng và hứa hẹn còn tăng cao trong những năm tới.

 

Chúng tôi có dịp được dạo một vòng qua những đám chè đang thời kỳ “ngủ đông”, được gia đình anh Dương chăm bón cẩn thận để chuẩn bị cho những lứa chè bội thu sắp tới. Với tổng diện tích chè khoảng 12.000 m2, gia đình anh Dương là một trong những hộ có diện tích và sản lượng chè lớn nhất ở xã Phúc Trìu. Không những thế, anh còn là người đi đầu trong việc thay thế chè trung du bằng các giống chè cành (năm 2001 anh bắt đầu trồng thử nghiệm và hiện nay, các giống chè cành đã chiếm trên 90% diện tích chè của gia đình). Nhiều người đã đến tận nơi tham quan và được anh tận tình chỉ cho kinh nghiệm, với cương vị là trưởng xóm, trong các buổi họp dân anh đều kết hợp tuyên truyền, phổ biến cho bà con kỹ thuật làm chè, đặc biệt là chè an toàn.

 

Nói về kinh nghiệm làm ra sản phẩm chè ngon, anh cho biết: “Ngoài việc chăm sóc và thu hái thì công đoạn lấy hương và khả năng cảm quan là rất quan trọng”. Được biết, anh là người có “tiếng” trong vùng vì kỹ năng lấy hương chè. Anh bảo, hôm nào trong người không được khỏe hoặc không tập trung thì thường sản phẩm chè không được như ý. Trong dịp Liên hoan Trà vừa qua, anh là người trực tiếp tham gia thi sao chè thủ công và đã mang về cho xóm Soi Mít danh hiệu “Bàn tay vàng”. Trong và sau Liên hoan Trà, nhiều người từ các nơi đã gọi điện thoại cho anh khen chất lượng chè của gia đình và có ý muốn hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, anh nảy ra ý định sẽ đầu tư một xưởng chế biến chè có quy mô khoảng 10 lao động với thương hiệu riêng.

 

Dù công việc gia đình bộn bề, anh Dương vẫn tích cực tham gia công tác xã hội: Từ Ủy viên BCH Chi đoàn xóm Soi Mít đến Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân xóm khi mới 27 tuổi. Năm 2005,  anh được Chi bộ tin tưởng, bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm. Vợ anh, chị Nguyễn Thị Hưởng cho biết: Vì công việc gia đình quá bận, có lần anh ấy xin nghỉ nhưng thật khó vì bà con vẫn quyết tâm bầu. Nhiều bận, đang cặm cụi trên nương chè, nghe có vụ tranh chấp, cãi cọ trong xóm là anh lại tức tốc đến tận nơi hòa giải và tìm cách giải quyết…

Năm 2010, anh Mạc Thanh Dương được Thành ủy Thái Nguyên tặng Kỷ niệm chương Cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”