Luôn xuất phát từ lợi ích của hội viên

10:39, 01/01/2012

Đó là phương châm hoạt động của chị Tạ Thị Liên, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Khánh (Phú Bình) trong phong trào phụ nữ địa phương. Với hơn 15 năm tham gia công tác hội, chị luôn nhiệt tình, tận tụy với công việc, đề ra nhiều hoạt động thiết thực xuất phát từ chính lợi ích của hội viên.

Chúng tôi đến UBND xã Tân Khánh vào một buổi chiều cuối năm đúng vào thời điểm chị Liên đang chuẩn bị tới thăm gia đình bà Ngô Thị Bình, hội viên chi hội phụ nữ xóm Cà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau câu chuyện bên chén trà, ấn tượng ban đầu của tôi về chị Liên là sự điềm đạm, cởi mở, dễ gần... Tôi ngỏ ý muốn được cùng chị tới nhà bà Bình, chị cười hiền hậu gật đầu. Theo chị đi trên con đường bê tông của xóm Cà trong cái nắng heo hắt đầu đông, câu chuyện chị kể về hoàn cảnh éo le của bà Bình đã khiến tôi không khỏi xúc động.

 

Bà Bình năm nay 58 tuổi, cái tuổi đã ở “dốc bên kia” của cuộc đời nhưng vẫn đang chăm sóc, dạy dỗ ba con nhỏ của vợ chồng con trai đang mang trong mình “căn bệnh thế kỷ” từ nhiều năm nay. Vì cuộc sống khó khăn, cả hai vợ chồng đã phải đi làm ăn ở xa kiếm tiền trị bệnh, để lại 3 con nhỏ ở nhà cho người mẹ, thương nhất là cháu gái út 5 tuổi bị lây truyền HIV từ người mẹ. Hiện nay, nguồn thu nhập chính của bốn bà cháu chỉ chông chờ vào 6 sào ruộng, một vụ lúa, một vụ màu, khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Sau khi ân cần thăm hỏi, động viên, chị Liên không quên tặng bốn bà cháu chút quà nhỏ của cá nhân mình gồm một vài gói bánh và thùng mì tôm. Đỡ gói quà trên đôi bàn tay gầy guộc, bà Bình lặng lẽ xúc động cảm ơn chị Liên cùng Hội phụ nữ xã. Được biết, những năm qua chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, trong đó có Hội phụ nữ xã đã tích cực hỗ trợ, thường xuyên phân công hội viên giúp đỡ gia đình bà việc đồng áng mỗi khi vào vụ thu hoạch hoặc trồng màu. Không chỉ riêng gia đình bà Bình, chị Liên cùng Hội PN xã luôn quan tâm, động viên, chia sẻ với tất cả 14 người có HIV trên địa bàn và người thân của họ thông qua nhiều biện pháp như: hỗ trợ tiếp cận với các dịch vụ truyền thông, chăm sóc y tế; tập huấn chuyển giao kĩ thuật sản xuất, phát triển kinh tế… Chị tâm sự: “Là phụ nữ nên tôi thấu hiểu những mong muốn của chị em. Càng đồng cảm với chị em, tôi càng thấy mình phải quan tâm, gần gũi với chị em hơn nữa, nắm bắt hoàn cảnh, nguyện vọng, kịp thời giúp đỡ chị em vượt qua khó khăn trong cuộc sống”.

Đây cũng chính là mong muốn, phương châm hoạt động của chị Liên trong suốt hơn 15 năm tham gia công tác hội.

 

Trò chuyện với chị, tôi thấy chị là một người phụ nữ đầy nghị lực, tâm huyết bên trong con người nhỏ bé. Chị kể rằng trước năm 1996, chị là y tá công tác tại nông trường Tân Khánh. Năm 1996, khi nông trường giải thể, chị cùng gia đình tiếp tục phát triển kinh tế tại địa phương. Cũng thời gian này, xóm Phố Chợ (nơi cư trú của gia đình chị) được thành lập gồm các hộ dân từ nhiều nơi đến đây mua đất, làm nhà và sản xuất, kinh doanh. Sau khi xóm được thành lập, hệ thống tổ chức đảng, đoàn thể cũng dần hình thành. Là đảng viên, chị Liên được cấp ủy, chi bộ giao nhiệm vụ tham gia Ban vận động thành lập Chi hội phụ nữ của xóm. Những ngày đầu xây dựng chi hội không hề dễ dàng. Sau một thời gian tích cực tuyên truyền, vận động, Chi hội PN xóm đã ra mắt với 30 hội viên tham gia sinh hoạt. Chị được hội viên tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng.

 

Thời gian đầu công tác, chị gặp không ít khó khăn, lúng túng. Tuy nhiên, với suy nghĩ đã nhận nhiệm vụ thì phải làm cho tốt, không phụ lòng mong đợi của chị em. Chị không ngừng học hỏi, rèn luyện, tổ chức tốt nhiều hoạt động thiết thực như: vay vốn phát triển sản xuất; động viên, thăm hỏi những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật; đa dạng hóa nội dung, hình thức sinh hoạt chi hội… để giúp đỡ, hỗ trợ hội viên. Nhờ vậy, số hội viên tham gia sinh hoạt tại chi hội tăng lên nhanh chóng, từ 30 hội viên ban đầu đã tăng lên 60 hội viên sau đó không lâu. Sự nhiệt tình, tận tụy với công việc của chị đã góp phần đưa chi hội PN xóm Phố Chợ luôn trở thành đơn vị dẫn đầu trong phong trào phụ nữ của xã Tân Khánh, qua đó năng lực của chị cũng được khẳng định. Năm 2001, chị được bầu vào Ban Thường vụ Hội phụ nữ xã, rồi trở thành Chủ tịch Hội 3 năm sau đó.

 

Ở cương vị mới, trách nhiệm nặng nền hơn, chị ý thức  mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Với trên 1,6 nghìn hội viên sinh hoạt ở 25 chi hội, phân bố trên địa bàn rộng có 6 dân tộc cùng chung sống, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt hội và phong trào phụ nữ địa phương gặp nhiều trở ngại. Đứng trước tình hình đó, chị đã cùng Ban Thường vụ Hội Phụ nữ xã xác định: Hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên quê hương là nhiệm vụ trọng tâm. Cùng với đó, bằng kinh nghiệm thực tế của bản thân, chị cho rằng công tác hội phụ thuộc nhiều vào năng lực của cán bộ ở các chi hội. Vì vậy, chị luôn quan tâm, động viên, hướng dẫn nghiệp vụ công tác PN cho đội ngũ này, đồng thời nêu gương, đi đầu trong phát triển kinh tế, giữ gìn gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi. Đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế, qua khảo sát tình hình hộ nghèo, chị đã đưa ra kế hoạch giúp đỡ các hộ hội viên nghèo có địa chỉ, đồng thời tranh thủ nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT huyện, Ngân hàng Chính sách - Xã hội để hội viên được vay vốn phát triển kinh tế. Ngoài ra, chị còn tổ chức nhiều lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật thu hút hàng nghìn lượt hội viên tham gia, giúp chị em ứng dụng triển khai các mô hình kinh tế phù hợp, sử dụng hiệu quả vốn vay. Cùng với vay vốn ngân hàng, Hội phụ nữ xã còn duy trì hiệu quả các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế ở các chi hội như: cho vay vàng, tiền, cây con giống không lấy lãi; giúp ngày công lao động… Trong năm 2011, 435 hội viên đã giúp đỡ 56 hội viên nghèo với 21 chỉ vàng, 785 kg lợn giống, 15 nghìn con gà giống… tương đương số tiền trên 72 triệu đồng. Đến nay, toàn xã đã có 105 hộ phát triển theo mô hình trang trại, gia trại. Nhiều hộ hội viên đã thoát nghèo vươn lên làm giàu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; tỷ lệ hộ hội viên nghèo giảm từ 30% năm 2004 xuống còn 19% năm 2010. Các phong trào do các cấp hội phát động luôn được hưởng ứng, trong đó phải kể đến phong trào “Mái ấm tình thương” cho hội viên nghèo. Từ năm 2006 đến nay, Hội phụ nữ xã đã vận động, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng 5 nhà với giá trị từ 10 đến 17 triệu đồng/nhà...

 

Xuất phát từ lợi ích của các hội viên, bằng sự nhiệt tình, tận tụy trong công việc chị Liên đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của phong trào phụ nữ địa phương. Với những kết quả đó, chị đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp hội và chính quyền địa phương; trong 3 năm gần đây, chị liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp huyện.