Số tiền nhỏ, ý nghĩa lớn

08:45, 28/02/2012

Khi tiếp cận với chương trình Tín dụng người nghèo được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đại Từ triển khai gần 2 năm nay, chúng tôi thêm cảm phục ý chí của những hộ nghèo đang từng bước vươn lên…

Tôi đã từng đi nhiều nơi, đã từng nghe và nhìn thấy các địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị, đoàn thể có nhiều hình thức tiết kiệm trong Cuộc vận động thực hành tiết kiệm theo gương Bác Hồ vĩ đại. Ấn tượng với tôi nhất là những hình thức tiết kiệm như: “hũ gạo tình thương”, “nuôi heo đất”, “ống tre Bác Hồ”... Những cân gạo, những đồng tiền nhỏ sau mỗi tháng của từng hộ góp lại để giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thật đáng quý. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với chương trình Tín dụng người nghèo được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Đại Từ triển khai sâu rộng trong toàn huyện gần 2 năm nay khiến chúng tôi thêm cảm phục ý chí của những hộ nghèo đang từng bước vươn lên.


Mùa xuân năm nay với gia đình chị Lương Thị Lan, xóm Tiền Đốc, xã Yên Lãng dường như có ý nghĩa hơn. Bởi sau nhiều năm là hộ nghèo, đến cuối năm 2011, gia đình chị đã thoát nghèo. Trong ngôi nhà cấp 4 vững chãi, chị Lan chia sẻ: Gia đình tôi có 5 khẩu gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con. Cháu lớn đang theo học nghề dược, còn 2 cháu nhỏ đang học lớp 1. Kinh tế của gia đình chỉ trông vào 5 sào ruộng. Những khi giáp hạt, kiếm cái ăn còn khó chứ nói gì đến việc nuôi dạy các cháu cho tốt. Vào lúc khó khăn nhất, gia đình tôi được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đứng ra tín chấp với NHCSXH cho vay 15 triệu đồng trong thời gian 3 năm (từ 2011-2013) với lãi suất 0,65%/tháng để đầu tư phát triển kinh tế xóa nghèo. Cầm số tiền này trong tay, hai vợ chồng tôi bàn bạc và quyết định mua một con trâu về nuôi để lấy sức kéo và tận dụng phế phẩm phục vụ sản xuất. Nhờ đó, năm 2011 gia đình tôi đã thoát nghèo. Cũng trong năm 2011, tôi được các chị trong Chi hội Phụ nữ xóm tuyên truyền, vận động tham gia gửi tiền tiết kiệm, mỗi tháng từ 10 nghìn đồng trở lên, tính theo mức lãi suất không kỳ hạn. Từ khi tham gia đến nay, trung bình mỗi tháng tôi gửi 50 đến 100 nghìn đồng, tổng số tiền tiết kiệm của tôi hiện cũng được gần 1 triệu đồng. Số tiền này tôi dự định khi nào có việc lớn gia đình cần đến như mua sắm máy móc, phục vụ học tập cho con thì mới rút...

 

Cũng thuộc diện hộ nghèo, gia đình chị Lương Hải Yến, xóm Đầm Bàng, xã Bản Ngoại chỉ có hơn 1 sào ruộng, 2-3 sào chè. Gia cảnh khó khăn, đầu năm 2011, cậu con trai thứ hai của chị mất do bị chết đuối. Giữa lúc tang gia, trong nhà chị không còn một hạt gạo, Hội Phụ nữ xã đã quyên góp tiền, gạo giúp gia đình chị vượt qua lúc khó khăn, tín chấp với Ngân hàng cho gia đình vay vốn phát triển sản xuất. Tâm sự với chúng tôi, chị Yến cho biết: Khi mình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, mình nhận được sự sẻ chia giúp đỡ của mọi người. Tuy mình nghèo nhưng thấy các chị trong Hội Phụ nữ tuyên truyền về hiệu quả của việc tiết kiệm cho những người có hoàn cảnh như mình nên mình mạnh dạn tham gia. Mỗi tháng mình tiết kiệm từ 20 đến 50 nghìn đồng coi như để dành, lúc cần thì rút ra cũng được một khoản. Đối với chị em phụ nữ vùng nông thôn mỗi năm tiết kiệm được khoảng 1 triệu đồng thì cũng là số tiền lớn.     Hơn nữa, từ số tiền nhỏ này của mình sẽ góp thêm phần vốn giúp chính những người nghèo vay vốn để có hướng phát triển sản xuất.

 

Có thể nói, chương trình Huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo đã giúp cho người dân có được khoản tiền tiết kiệm nhất định để sử dụng trong những trường hợp gia đình gặp khó khăn đột xuất. Nói về chương trình này, ông Phạm Thế Khả, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đại Từ cho biết: Từ năm 2010, chúng tôi triển khai việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) theo nguyên tắc tự nguyện. Để triển khai, NHCSXH đã quán triệt mục đích huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo nhằm từng bước tạo cho người nghèo có ý thức dành tiền tiết kiệm để tạo vốn tự có, quen dần với hoạt động tín dụng, tài chính, đồng thời tạo thêm nguồn vốn để mở rộng cho vay trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo tại địa phương.

 

Ngân hàng đã tổ chức  tập huấn cho cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội làm uỷ thác, Ban giảm nghèo cấp xã, cán bộ ngân hàng và 100% tổ TK&VV trên địa bàn. Nội dung tập huấn ngắn gọn, dễ hiểu, tập trung vào thủ tục, quy trình gửi - rút tiết kiệm, cách thức ghi trên phiếu theo dõi của tổ viên, bảng kê thu - chi tiền tiết kiệm của Ban quản lý tổ, cách đối chiếu số dư tiền gửi tiết kiệm và các sổ sách ghi chép tại tổ tiết kiệm. NHCSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã để đánh giá, phân loại tổ, lựa chọn những tổ TK&VV đủ điều kiện, đủ tiêu chí để uỷ nhiệm thu tiết kiệm. Với những tổ đủ điều kiện uỷ nhiệm thu tiết kiệm, Ngân hàng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo tổ chức họp tổ, phổ biến nội dung, bàn bạc thống nhất về việc gửi tiết kiệm và mức tiền gửi để ghi vào quy ước hoạt động của tổ. Mức tiền gửi tiết kiệm, thời gian gửi ở các tổ TK&VV khác nhau, tuỳ theo quy ước ở các tổ với nhau nhưng tất cả đều phải được công khai với người dân.

 

Chị  Chu Thị Dinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Bản Ngoại cho biết: Ban đầu, người dân cũng băn khoăn khi tham gia góp vốn vì sợ nguồn vốn sẽ bị xâm tiêu, quản lý vốn ra sao, nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ tín dụng, mỗi tổ viên góp vốn đều có tờ phiếu ghi và nhập vào sổ tín dụng tiết kiệm để Ngân hàng quản lý. Vì vậy, đến thời điểm này, 21 tổ TK&VV của xã duy trì đều đặn và bà con tích cực tham gia. Nếu như năm 2010, tổng số tiền gửi tiết kiệm của các tổ TK&VV xã Bản Ngoại là 94 triệu đồng, thì năm 2011, đã huy động tiết kiệm được trên 150 triệu đồng. Trong thời gian gửi, cũng có một số người rút tiền phục vụ việc gia đình, hiện nay, số dư tiền gửi tiết kiệm của 21 tổ TK&VV xã Bản Ngoại tại NHCSXH là gần 180 triệu đồng.

 

Với những nỗ lực tích cực triển khai, thực hiện đồng bộ, chương trình Huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo đã có những kết quả đáng khích lệ. Toàn huyện Đại Từ có 503 tổ TK&VV được uỷ nhiệm huy động tiền gửi tiết kiệm, trong đó có 497 tổ đã huy động tiết kiệm cộng đồng người nghèo với tổng số tiền gửi đến đầu năm 2012 đạt trên 3,6 tỷ đồng. Đại Từ trở thành địa phương đi đầu trong toàn tỉnh về thực hiện việc huy động vốn người nghèo. Việc huy động vốn tiết kiệm góp phần tạo cho hộ nghèo ý thức tiết kiệm, tích lũy của cải vật chất, đầu tư phát triển, từng bước thoát nghèo...