Ở bản người Mông Na Sàng xã Phú Đô (Phú Lương), cây chè đã được trồng từ chục năm về trước, nhưng nói đến cây chè cành, người dân vẫn còn thấy rất xa lạ.
Nhìn khu đất rộng 3ha ở bản Na Sàng, xã Phú Đô (Phú Lương) đã được san gạt bằng phẳng, vợ chồng ông Hoàng Văn Dùng vui lắm. Vậy là chỉ còn đợi giống chè cành về là có thể trồng thành hàng được rồi. Ông Dùng cho biết: Nhà tôi đã đầu tư gần 50 triệu đồng thuê máy xúc về cải tạo lại khu đồi này cho bằng phẳng, phù hợp với trồng, chăm sóc chè cành. Với gia đình tôi, số tiền ấy quả thật rất lớn nhưng phải mạnh dạn đầu tư mới mong có thu nhập cao. Để có số tiền này, vợ chồng tôi đã phải vay mượn thêm của anh em, bạn bè.
Ở bản người Mông Na Sàng này, cây chè đã được trồng từ chục năm về trước, nhưng nói đến cây chè cành, người dân vẫn còn thấy rất xa lạ. Với người Mông, làm gì cũng phải mắt thấy, tai nghe, tay sờ. Mới chỉ được nghe về cây chè cành mà đã dám bỏ cả nửa trăm triệu đồng ra đầu tư như ông Dùng quả là mạo hiểm. Ông Dùng quả quyết: Vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm, tôi tin là mình sẽ thành công.
- Vì sao ông lại có ý tưởng trồng chè cành? - Tôi hỏi.
- Cán bộ khuyến nông xã giới thiệu đấy. Với lại, tôi nghe trên đài, xem ti vi cũng thấy người ta nói đến cây chè cành nhiều mà. Làm chè cành trên bãi đất phẳng sẽ không bị rửa trôi đất màu, chăm sóc, cải tạo đất cũng dễ hơn. Còn nguồn nước tưới ở đây cũng rất thuận tiện, tôi sẽ làm một đường ống dẫn nước từ trên đỉnh núi về. Chia sẻ với chúng tôi, ông cho biết đã tìm hiểu về các giống chè cành và thấy giống LDP1 rất dễ chăm sóc, được Nhà nước cấp giống, giá bán lại cao hơn chè trung du.
Nhìn đôi mắt đầy tự tin của ông, tôi thầm nể phục người đàn ông người dân tộc Mông này. Bước sang tuổi 51, trông ông vẫn rắn rỏi và khỏe mạnh lắm. Có lẽ bao năm phong trần với cây rừng, gió núi đã tôi luyện, cho ông sự dẻo dải phi thường. Mục sở thị những gì ông đang có hôm nay mới thấy hết nỗ lực của một con người không cam chịu đói nghèo. Ông nói: Phải luôn kiên trì trước mọi việc. Bác Hồ đã dạy thế mà.
Cũng như nhiều hộ dân trong bản, năm 1988, ông từ Hà Quảng (Cao Bằng) về định cư ở đất Na Sàng. Bao năm sống du canh, du cư, khi về quần tụ tại đây, ông mới hiểu thế nào là an cư mới lạc nghiệp. Nghe cán bộ xã Phú Đô tuyên truyền, vận động, ông và các hộ dân nơi đây đã từ bỏ lối canh tác truyền thống là phá rừng tra mố (trồng lúa nương), trồng ngô giống địa phương năng suất thấp và dần chuyển sang trồng lúa nước, rồi trồng chè. Chăm chỉ làm ăn, cuộc sống của gia đình ông đã ngày một khấm khá hơn. Năm 1995, gia đình ông đã khai hoang được 6 sào ruộng. Sang năm 2000, gia đình bắt đầu trồng chè, đến nay đã có gần 10 sào. Sau đó, gia đình nhận quản lý, bảo vệ mấy chục ha rừng. Cách đây 3 năm, ông còn mạnh dạn trồng 10ha keo lai. 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, ông thu hơn 2 tấn thóc, đủ để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Ngoài ra, một năm, gia đình thu 7 lứa chè, mỗi lứa thu nhập hơn 10 triệu đồng. Không chỉ cấy lúa, làm chè, gia đình còn chăn nuôi lợn nái và 10 con trâu. Ông Dùng cho biết: Làm ăn không phải lúc nào cũng thuận lợn. Có lúc, tôi đã bị chết trâu mẹ và nghé do không hiểu biết, để trâu ăn quá nhiều sắn đến nỗi bị say. Mỗi lần thất bại là một lần rút ra bài học kinh nghiệm.
Không chỉ chịu khó tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn trong làm ăn, ông Dùng còn là người có tư tưởng rất tân tiến. Gần chục năm trước, ông đã dành dụm, chắt chiu tiền mua mảnh đất ở xóm Phú Thọ, nơi gần với trung tâm xã, đường đi thuận tiện hơn để làm thêm một ngôi nhà cho con cái có điều kiện học hành, phát triển. Nhờ đó, trong 6 người con của ông, đã có 1 người đi thoát ly, hiện đang công tác tại Công an Thị xã Sông Công, một người đang học tại Học viện Tài chính ở Hà Nội...
Những ngày này, trời rét đậm, rét hại nhưng vợ chồng ông vẫn miệt mài ngoài bãi, khi thì nhổ cây cỏ dại, lúc lại dùng cuốc san đất. Niềm mong mỏi lớn nhất của ông lúc này là được vay vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và được cấp hom giống chè cành LDP1 theo Dự án QSEP (nâng cao chất lượng chè) của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chúng tôi tin, niềm mong ước của ông sẽ thành hiện thực bởi đó chính là những cơ chế, chính sách Nhà nước đang hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế.