Là mẹ của 3 người con với bộn bề lo lắng, thế nhưng, với tình thương yêu dành cho những đứa trẻ có hoàn cảnh éo le, cô Bùi Thanh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khe Mo (Đồng Hỷ) vẫn nhận “đỡ đầu” tới 6 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mong muốn thật giản đơn để các em có điều kiện học tập, vui chơi như bao đứa trẻ khác.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó, với 7 anh chị em, cô Vân là người nếm trải cuộc sống vất vả ngay từ nhỏ. Bởi vậy, trước những hoàn cảnh cơ cực của học sinh, cô đều dang tay giúp đỡ. Dẫu rằng, kinh tế gia đình không mấy khả giả nhưng mỗi khi cô trao đổi với chồng, con về ý định giúp đỡ các em thì đều nhận được sự tán thành. Chồng cô là lính cụ Hồ, lại là thầy thuốc Đông y nên ông rất hiểu và ủng hộ việc làm của vợ. Tính đến nay, cô Vân đã nhận đỡ đầu được 6 em học sinh. Ngoài việc có mặt khi các con cần, cô Vân còn ra “qui định” 2 tuần họp gia đình một lần, để mọi người cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cũng như những khó khăn, vất vả... Trong số 9 người con của cô, có 7 người đã trưởng thành và lập gia đình. 3 người đã theo nghề của mẹ (trong đó có 1 người con mà cô nhận đỡ đầu), những người khác có việc làm và thu nhập ổn định. Với các em, có được cuộc sống như hôm nay, bản thân không sa ngã hay mắc phải các tệ nạn xã hội có công rất lớn của mẹ Vân…
Trong 9 người con của cô thì em Lê Đại Thành hiện là học sinh lớp 2A (Trường Tiểu học Khe Mo) là bé nhất. Bố Thành nghiện ma tuý nên phải đi trại cai nghiện cách đây 2 năm. Mẹ thì bỏ đi ngay khi biết chồng nghiện. Lúc đó, Thành mới 4 tuổi. Thành sống cùng bà nội bị liệt nửa người vì tai biến. Ở cái tuổi đang rất cần sự chăm lo của người lớn thì Thành lại trở thành “trụ cột” gia đình, phải tự chăm sóc bản thân và lo cho bà. Trước hoàn cảnh cơ cực của học sinh, năm 2011, cô Vân quyết định nhận đỡ đầu Thành. Các thầy, cô giáo trong Trường cũng tự nguyện trích một phần tiền lương để giúp Thành có bữa ăn trưa hằng ngày. Được cô và Nhà trường quan tâm, Thành đi học đều, cuối tuần được mẹ Vân đưa về nhà chăm sóc. Nhìn Thành quấn quýt bên cô, tôi cảm nhận rõ tình yêu thương mà cô dành cho em. Tâm sự với chúng tôi, bà Nông Thị Sáy, bà nội Thành rưng rưng nói: “Nhờ có cô Vân đỡ đầu, giúp đỡ nên cuộc sống của 2 bà cháu đã bớt nhiều khó khăn. Cháu Thành được đi học, các bữa ăn của bà, cháu thỉnh thoảng có thêm thịt, cá. Tôi rất biết ơn Nhà trường, đặc biệt là cô Vân…”.
Rời nhà Thành, chúng tôi tìm đến gia đình anh Lăng Văn Biên (xóm Làng Cháy) - một trong những người con đầu tiên cô Vân nhận đỡ đầu. Bố mẹ không may bị điện giật chết từ khi 3 chị em Biên còn rất nhỏ. Trước hoàn cảnh đó, cô Vân đã tìm đến và nhận đỡ đầu 3 chị em để chia sẻ khó khăn với ông bà nội các em. Được ông bà nội Biên đồng ý, cô đã làm thủ tục xin cho chị và em gái Biên vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, còn Biên ở lại cùng ông bà. Ngày ngày, cô Vân chăm sóc, động viên Biên đến lớp, thỉnh thoảng lại đưa lên tỉnh thăm các chị… Đến nay, cả 3 chị em Biên đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. Cô chia sẻ: “Con cái mạnh khoẻ, có cuộc sống ổn định, biết đoàn kết, thương yêu lẫn nhau là niềm vui, cũng là những thứ giá trị nhất mà tôi có được trong cuộc đời”…
Hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, trong đó có 15 năm làm hiệu trưởng, cô luôn khắc ghi lời Bác dạy: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Bởi thế, trong suốt thời gian gắn bó với Trường Tiểu học Khe Mo, đặc biệt từ khi giữ vai trò hiệu trưởng, cô luôn trăn trở cùng tập thể cán bộ, giáo viên tìm cách gây dựng, chăm chút cho cơ ngơi của Trường… Nhờ đó, từ một trường thiếu thốn trăm bề, đến năm 2011, Trường Tiểu học Khe Mo đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I…
Đối với học sinh, cô Vân dành nhiều thời gian quan tâm, tìm hiểu và ghi chép cẩn thận những em có hoàn cảnh khó khăn, để thông qua các phong trào mà các cấp, ngành và Nhà trường phát động như: “Hũ gạo tình thương”, “Vì bạn nghèo hiếu học” có điều kiện giúp đỡ các em. Cô Lương Thị Chính, Tổng phụ trách Liên đội Nhà trường cho biết: “Cô Vân không chỉ truyền đạt kinh nghiệm, giúp chúng tôi vững về chuyên môn mà còn mang đến cho tập thể cán bộ, giáo viên Nhà trường nguồn sinh lực dồi dào, giúp mọi người hiểu hơn về giá trị của cuộc sống. Đó là tình thương yêu giữa con người với con người…”
Với những cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cô Bùi Thanh Vân đã được nhận nhiều phần thưởng cao quí của các cấp, ngành như: Bằng khen của UBND tỉnh năm 2011; được công nhận là “Chiến sỹ thi đua” cấp huyện liên tục từ năm 2004 đến năm 2011; được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc toàn quốc” năm 2006… Cô là tấm gương nhà giáo lương thiện, tâm huyết, rất đáng để mỗi người chúng ta học tập.