Khi nhắc đến chị Vũ Thị Vương, ở xóm Chiến Thắng, xã Bình Long (Võ Nhai), nhiều người dân trong xã nể phục. Chị là một trong những người đầu tiên ở xã đã đưa giống chè cành LDP1 về trồng ...
Từ niềm đam mê với cây chè
Cởi mở, thẳng thắn là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi gặp và trò chuyện với chị Vũ Thị Vương. Qua cuộc chuyện trò, chị đã kể cho chúng tôi nghe cơ duyên chị chọn chè là cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình. Chị Vương cho biết: Tôi đã từng đi buôn chè trong một khoảng thời gian tương đối dài (từ năm 1996 đến năm 2000), có dịp đi đến nhiều vùng chuyên sản xuất, chế biến chè của tỉnh, được biết đến nhiều sản phẩm chè khác nhau và hiểu thêm về cách trồng, chế biến chè. Qua đó, tôi nhận thấy chè là cây trồng mang lại lợi ích kinh tế rất lớn. Vì thế, đến năm 2000, tôi đã bàn với chồng dồn toàn bộ số tiền của nhà và vay thêm 10 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện để đầu tư mua 1,5 vạn hom giống chè cành LDP1 đem về trồng trên bãi trồng ngô, đỗ tương của gia đình (khoảng 0,8ha). Nhiều bác, nhiều chị trong xóm thấy vậy đều tỏ ra hết sức ngạc nhiên và còn cho vợ chồng tôi "bị hâm". Bởi, thời điểm đó, hầu hết mọi người đều phá bỏ những nương chè hạt trên các triền đồi để trồng mía, trồng keo. Nhưng sau hơn 1 năm chăm sóc, 1,5 vạn cây chè cành này đã cho vợ chồng tôi được thu hoạch lứa đầu tiên...
Khi được chị dẫn ra thăm vườn bãi trồng chè của gia đình, chúng tôi có dịp ngắm nhìn thỏa thuê những cây chè cành đã xòe tán khá rộng, chi chít búp mới nhú - thành quả có được nhờ anh chị đã tận tâm, tận lực ươm trồng, chăm sóc trong suốt 6 năm nay. Gặp thời tiết ấm, ẩm như hiện nay thì chỉ khoảng chục ngày nữa, diện tích chè này sẽ lại được thu hái. Hiện nay, 1,5 vạn cây chè cành của gia đình chị Vương đã cho thu hái 7-8 lứa/năm, mỗi lứa thu hái được hơn 3 tạ chè búp khô, giá bán từ 130 đến 150 nghìn đồng/kg. Như vậy mỗi năm, trừ hết chi phí, anh chị có nguồn thu khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2000, gia đình chị còn trồng được gần 4 sào chè trung du. Mỗi năm, diện tích chè này cho thu hái được 4 tạ chè búp khô...
Thực ra, cây chè đã bén rễ trên đất Bình Long từ gần ba chục năm nay. Tuy nhiên, vào thời điểm những năm 2005-2006, người dân nơi đây mới chỉ biết trồng giống chè trung du trên các triền đồi thấp. Còn ở các soi, bãi, bà con vẫn dành để trồng đỗ tương và ngô. Do vậy, theo suy nghĩ của nhiều người dân trong xóm lúc đó, việc vợ chồng chị Vương đem giống chè cành LPD1 xuống trồng tại vườn và bãi, soi là hướng sản xuất không kinh tế, vì lúc đó chè còn khó bán, giá lại thấp, chỉ khoảng 6.000-7.000 đồng/kg chè búp khô. Song, từ niềm đam mê với cây chè, chị Vương có thêm quyết tâm và vững tin hơn vào sự lựa chọn của mình. Giờ đây, gia đình chị đã và đang làm giàu từ chính cây chè...
... đến giành giải Vàng cuộc thi sao chè
Bên cạnh việc mạnh dạn đưa giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng trên đất trồng ngô, đỗ tương, chị Vũ Thị Vương còn không ngừng đi học hỏi, tự tìm tòi kỹ thuật, kinh nghiệm chế biến chè sao cho thơm ngon nhất. Từ kinh nghiệm gần 6 năm đi buôn chè, chị nhận thấy khi loại chè nào thơm ngon, mẫu mã đẹp thì dù giá có cao đến mấy người tiêu dùng vẫn chọn mua. Và để các thương nhân biết đến và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm chè của mình, chị rất chú trọng đến chất lượng. Trong thời gian đầu làm chè cành, chị nhận thấy việc trồng, chăm sóc khá vất vả và đòi hỏi phải am hiểu kỹ thuật, đến công đoạn sao chế chè còn gian nan hơn nhiều. Chị cho biết: Phải sau nhiều lần sao chế tôi mới nhận ra rằng để sao được một mẻ chè ngon thì người sao chè cần phải chú ý đến số lượng chè cho vào chảo quay, nhiệt độ trong khi sao và khi lấy hương... Với tinh thần ham học hỏi, tự mình rút đúc kinh nghiệm, những mẻ chè do chính tay chị sao chế ngày càng thơm ngon hơn.
Đặc biệt, trong dịp diễn ra Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất tại Thái Nguyên (tháng 11-2011), chị Vương đã được dân làng tín nhiệm cử chọn vào đội tham dự cuộc thi "Bàn tay vàng" (thi sao chè). Và chị đã đem lại niềm vinh dự cho cả huyện khi đoạt giải Vàng của cuộc thi. Chị chia sẻ: Để đạt được kết quả cao nhất, tôi và các thành viên khác trong đội đã dành khá nhiều thời gian, công sức tập luyện sao chế chè...
Hơn nữa, qua cuộc thi này, chị đã có dịp được gặp gỡ, giao lưu với nhiều nghệ nhân ở các vùng chè nổi tiếng, được biết và thưởng thức nhiều loại chè khác nhau. Qua đó, chị nhận thấy bản thân mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để góp sức xây dựng thượng hiệu chè của Làng nghề chè Chiến Thắng, xã Bình Long (mới được công nhận) nói riêng, chè Võ Nhai nói chung được vang xa hơn...