Niềm đam mê của chàng kỹ sư trẻ

14:05, 13/03/2012

Sau gần 5 năm tốt nghiệp đại học, Nguyễn Việt Cường được bổ nhiệm bổ nhiệm làm Trưởng phòng Cơ điện, Nhà máy cán thép Thái Nguyên khi mới 28 tuổi.

Trò chuyện với chàng kỹ sư trẻ này chúng tôi cảm nhận được niềm đam mê của anh trong lĩnh vực kỹ thuật, phụ trách nhiều máy móc nhưng anh thuộc làu những quy trình vận hành, cũng như "bệnh" của từng thiết bị để từ đó xây dựng kế hoạch sửa chữa và có sáng kiến tăng năng suất, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản phẩm.

 

Tốt nghiệp Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên năm 2006 với chuyên ngành chế tạo và sửa chữa, Nguyễn Việt Cường được tuyển dụng vào Nhà máy Cán thép Thái Nguyên làm công nhân sửa chữa cơ điện (Phân xưởng Cơ điện). Những kiến thức học được ở Trường hoàn toàn mới mẻ khi Cường làm việc tại xưởng. Trong suốt thời gian học tập, Cường chỉ được cầm que hàn 1-2 lần và hàn thử nhưng khi vào làm việc tại Nhà máy, lần đầu tiên Cường được tổ trưởng giao hàn trọn vẹn một sản phẩm là chiếc xe goòng dài 12m. Lo lắng mất ăn, mất ngủ mấy ngày vì sợ làm hỏng, sai, cong, vênh… và như thế sẽ rất mất "điểm" với lãnh đạo. Cường đã chủ động hỏi các bác, các chú thợ hàn trong tổ, sau đó làm rất cẩn thẩn từng phần, chỗ nào không biết lại hỏi. Sản phẩm đầu tay được hoàn thành đáp ứng yêu cầu đề ra, tuy nhiên các mối hàn không được đẹp lắm. Hoàn thành sản phẩm thì Cường cũng bị đau mắt hơn 1 tuần. Hiện tại, chiếc xe goòng- sản phẩm đầu tay của Cường vẫn đang hoạt động bình thường. Việc thứ hai đó là sự cố cháy bạc dây chuyền Blok cán tinh, cứ thay bạc mới được 1-2 ngày lại cháy mà không tìm ra nguyên nhân. Cường đã xem kỹ bản vẽ và qua nhiều lần tháo lắp đã phát hiện do dầu bôi trơn quá bẩn… Thấy tay nghề của chàng kỹ sư mới ra trường rất khá, nên chỉ sau hơn 1 năm làm việc tại xưởng sản xuất, đầu 2008, Cường được điều chuyển làm kỹ thuật viên của Phân xưởng Cơ điện, sau đó chuyển lên phòng Cơ điện. Tháng 3-2009, Cường được đề bạt làm Phó phòng, rồi làm Trưởng phòng Cơ điện vào tháng 5-2011, phụ trách thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản của Nhà máy. Vậy là chỉ sau chưa đầy 5 năm, chàng kỹ sư trẻ đã khẳng định được mình trước công việc được giao.

 

Cường chia sẻ: Nhà máy cán thép Thái Nguyên mới hoạt động từ năm 2005 với dây chuyền cán thép rất hiện đại, tự động hoá cao của Italia. Vì thế những kiến thức tôi được học ở Trường chỉ là kiến thức cơ bản, còn trên thực tế để làm chủ được thiết bị thì cần phải nghiên cứu, học hỏi rất nhiều. Ví dụ: Trong trường không học thiết bị nâng nhưng thực tế làm việc lại sử dụng rất nhiều thiết bị này, hoặc thiết bị lò nung 50 tấn/giờ khi vào Nhà máy tôi mới biết và còn rất nhiều khái niệm, máy móc hoàn toàn mới mẻ đối với tôi… Tôi thấy mình may mắn là khi vào làm việc thì Nhà máy mới hoạt động nên gặp nhiều sự cố đòi hỏi phải kê chỉnh. Đây là môi trường tốt để những sinh viên mới rời ghế nhà trường thử sức, nhưng cũng rất vất vả vì sức ép công việc. Ngoài thời gian làm việc, tôi tranh thủ đọc tài liệu, phân tích các bản vẽ để hiểu thêm về các thiết bị, nắm chắc "bệnh" của từng máy móc để sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra. Chính thời gian làm việc tại xưởng đã cho Cường khá nhiều kinh nghiệm để hiện nay, trên cương vị lãnh đạo phòng, khi nơi sản xuất gọi điện báo có sự cố, chỉ cần mô tả qua điện thoại, Cường đã biết phải xử lý như thế nào.

 

Mới chỉ hơn 5 năm làm việc tại Nhà máy, Cường đã có gần chục sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị. Tiêu biểu như: Sáng kiến Cải tạo hệ thống làm mát cho máy cán thông qua cải tiến hệ thống đường ống (thay thế ống kẽm bằng ống nhựa chịu nhiệt, tăng tiết diện ống từ 250 lên 300mm, giảm tối đa đường đi của ống, lắp máy bơm tăng áp), nhờ đó áp lực làm mát đạt yêu cầu đề ra. Sáng kiến được áp dụng đã góp phần làm lợi trên 700 triệu đồng và được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2008. Sáng kiến thứ hai là cải tạo cân điện tử 2 tấn từ cốt âm trên 2m lên cốt 0.

 

Trước khi cải tạo, cân chòng chành, thiếu chính xác, tháng nào cũng phải sửa, chỉnh lại cân, khách hàng có ý kiến… sau khi cải tạo đã giảm momen lật, tăng độ cứng vững, cân chính xác, tăng uy tín của đơn vị với khách hàng. Một sáng kiến nữa khiến mọi người biết đến tên tuổi của anh, đó là sáng kiến tính toán, nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống giảm nhiệt dầu máy nén khí Comfe L160 (từ 120 độ C xuống còn 85-90 độ C) bằng hệ thống ống nước làm mát quấn quanh ống dẫn dầu. Chỉ với 12 triệu đồng chi phí cải tạo nhưng nếu bị hỏng phải thay mới phải mất gần 1 tỷ đồng. Sáng kiến đã được trao giải Ba giải thưởng Sáng tạo trẻ lần thứ 7-2011 do Tỉnh đoàn tổ chức… Năm 2012, Cường dự định thực hiện sáng kiến giảm nhiệt hệ thống nước làm mát máy cán (hiện nay đang cao so với yêu cầu).

 

Sự say mê trong công việc, hiểu cơ chế hoạt động của máy móc thiết bị đã giúp chàng kỹ sư trẻ có nhiều dự định, sáng kiến, góp phần làm tăng năng suất, sản lượng của đơn vị. Anh Cường cho biết thêm: Từ thực tế hoạt động của các thiết bị, máy móc, mỗi năm tôi đặt kế hoạch thực hiện từ 2-3 sáng kiến. Tôi nghĩ, thường xuyên trau dồi kiến thức, bám sát sản xuất, biết thu thập thông tin để đưa ra quyết định chính xác, những vấn đề gì không biết hoặc chưa biết chính xác thì hỏi ngay và giải quyết dứt điểm. Còn trên cương vị Trưởng phòng, để mang lại hiệu quả trong công việc thì điều quan trọng là đoàn kết, tập hợp được anh em, nhất là những người làm kỹ thuật, những ý kiến, ý tưởng được đưa ra để cùng nhau trao đổi, thảo luận sẽ mang lại phương án tối ưu và hiệu quả cao nhất.