Thầy giáo trẻ đam mê sáng tạo

09:12, 06/03/2012

Trước đây, việc đánh phách và khớp phách các bài thi của Trường mất rất nhiều thời gian do phải làm hoàn toàn thủ công. Điểm thi của các thí sinh phải nhập đi nhập lại nhiều lần, khó tránh khỏi những sai sót, chưa kể những “sai sót tiêu cực”. Thế nhưng với phần mềm “Đánh phách và khớp phách tự động” của anh Nguyễn Tuấn Linh, Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) của Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên, những nhược điểm trên đã hoàn toàn được khắc phục. Đây là đề tài duy nhất về lĩnh vực CNTT đã đạt giải Ba - Giải thưởng Sáng tạo trẻ của tỉnh năm 2011.

Khi gặp chúng tôi, anh nói một cách say sưa về quy trình sử dụng, những tiện lợi của phần mềm này từ khi được áp dụng tại Trường. Anh cho biết: Phần mềm cho phép tạo ra một quy trình khép kín, khoa học về công tác chấm thi như: tạo đợt thi, lựa chọn sinh viên từ các lớp (danh sách sinh viên được chuẩn hóa vào phần mềm theo lớp, có thể chính sửa những thông tin về sinh viên như mã sinh viên, họ và tên, ngày sinh, lớp...); tự động phân phòng thi; chọn độ phức tạp của phách; phân quyền và nhiệm vụ cho từng cán bộ, giáo viên theo đúng chức năng và nhiệm vụ của từng người; phầm mềm cho phép nhiều giáo viên chấm thi có thể cùng nhập điểm cho một môn để tiết kiệm thời gian trong quá trình nhập điểm.

 

Sau khi mọi dữ liệu đã được nhập vào phần mềm bao gồm những thông tin (được thể hiện trên giao diện) về kỳ thi, môn thi, thí sinh dự thi... Người tạo ra đợt thi (thông thường là trưởng phòng khảo thí) sẽ phân quyền cho cán bộ của mình đánh phách. Chỉ những người được phân quyền mới có quyền đánh phách, in phòng thi cho đợt thi. Để đánh phách,  dao diện máy tính sẽ hiển thị 2 kiểu đánh phách ngẫu nhiên và cộng thêm số. Nếu đánh phách theo kiểu cộng thêm số, số phách sẽ được đánh theo quy ước của cán bộ khảo thí. Nếu là chọn kiểu đánh phách ngẫu nhiên thì việc bảo mật gần như là tuyệt đối bởi nó không theo một quy tắc, quy ước nào. Điều này áp dụng rất hiệu quả cho các kỳ thi quan trọng. Sau khi chọn kiểu đánh phách xong, số phách đã được thiết lập, cán bộ khảo thí sẽ thực hiện in bản đã đánh phách ra giấy để làm cơ sở đánh phách trên bài thi.

 

Giáo viên chấm điểm xong sẽ đăng nhập vào phần mềm và thực hiện việc nhập điểm theo số phách. Phần mềm sẽ gắn tên giáo viên nhập điểm với chính con điểm đó. Sau khi nhập xong, giáo viên phải kiểm tra lại kỹ lưỡng, Bởi sau khi đã bấm duyệt giáo viên sẽ không có quyền chỉnh sửa hoặc nhập lại bảng điểm đó (chỉ có trưởng phòng khảo thí mới có quyền này). Trong quá trình nhập điểm, phần mềm cũng có cơ chế bắt lỗi khi nhập trùng số phách, nhập sai điểm (giống như phần mềm tuyển sinh của Bộ giáo dục). Khi kết thúc việc nhập điểm và duyệt, phần mềm có chức năng in bảng điểm và xuất ra excel theo lớp, theo phòng thi, theo môn thi, dữ liệu này sẽ sử dụng để đồng bộ hóa với phần mềm quản lý đào tạo của nhà trường và đưa lên Website cho sinh viên xem.

 

Nói về chức năng của phần mềm, anh Linh cho biết: Phần mềm có đầy đủ tính năng như: sao lưu dữ liệu; tạo và quản lý tài khoản; quản lý theo đợt thi, theo khoa, theo nhóm người sử dụng… Phần mềm cho phép nhiều người sử dụng, nhưng cũng có cơ chế phân quyền theo chức năng, nhiệm vụ của từng người sử dụng. Ví dụ: Cán bộ phòng khảo thí có quyền tạo ra các đợt thi, có quyền đánh phách, không có các quyền về nhập điểm. Giáo viên chấm thi có các quyền về nhập điểm thi theo số phách, không có quyền vào xem số phách, đã nhập điểm vào thì không được phép vào lại để chỉnh sửa (trừ khi có sự cho phép của trưởng phòng khảo thí). Hơn nữa, mỗi lần truy cập, phần mềm lại có Chức năng lưu lại vết của người sử dụng. Nghĩa là thực hiện đánh phách, nhập điểm… phần mềm sẽ lưu lại họ tên, ngày, giờ, quyền hạn nội dung chỉnh sửa… của người sử dụng (như đã phân quyền) nếu có sự nhầm lẫn hay chỉnh sửa, quá trình lưu vết này sẽ dễ dàng giúp tìm ra người sử dụng nào gây ra sự sai sót đó. Hơn nữa, muốn sử dụng phần mềm, người sử dụng phải nhập đúng tên tài khoản và mật khẩu được cung cấp. Như vậy, chỉ có những cán bộ, giáo viên được phân quyền mới có quyền truy cập vào vào phần mềm.

 

Nói về hiệu quả của phần mềm này, cô Đinh Xuân Thủy, Trưởng phòng Khảo thí của Trường nói: Từ khi chính thức áp dụng phần mềm (tháng 3-2010), công việc tổ chức chấm thi của phòng khảo thí đã được tối ưu hóa đi nhiều. Việc cho phép xuất điểm theo lớp sau đó chuyển thẳng về phòng đào tạo đã giúp cán bộ tính điểm ở phòng đào tạo có thể chuyển thẳng điểm thi vào phần mềm để tính điểm trung bình môn học cho sinh viên (không phải trích lọc hay nhập lại điểm theo lớp như trước). Bảng điểm trên Excel xuất ra từ phần mềm đảm bảo tính chính xác và thẩm mỹ khi đăng bảng điểm lên Website của nhà trường.

 

Cũng từ khi áp dụng phần mềm này đã hạn chế rất nhiều sai sót trong một đợt thi, giúp minh bạch, khách quan hóa quá trình chấm thi và làm điểm của phòng khảo thí nhờ có cơ chế phân quyền và bắt lỗi. Hơn nữa, trong quá trình sử dụng, tác giả phần mềm có thể chỉnh sửa để phù hợp hơn với yêu cầu thực tế. Điều mà những phần mềm đặt mua từ bên ngoài khó có thể đáp ứng được.

 

Anh Linh sinh (năm 1982) là một giảng viên trẻ, nhiệt tình, đam mê tin học và không ngừng học hỏi trau dồi kiến thức. Năm 2004, anh công tác tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên sau khi tốt nghiệp Khoa CNTT của Trường Đại học Giao thông Vận tải. Anh tiếp tục theo học thạc sĩ tại Khoa CNTT (Đại học Thái Nguyên). Ngoài việc giảng dạy, anh luôn cần mẫn, nghiên cứu tìm những đề tài tin học sáng tạo để áp dụng vào công tác giảng dạy cũng như công tác quản lý hiệu quả cho Trường. Được biết, năm 2009, anh cũng từng đạt giải Ba Giải thưởng Sáng tạo trẻ do Tỉnh đoàn tổ chức với đề tài “Xây dựng website của Trường Cao đẳng kinh tế”. Tuy còn trẻ nhưng trong quá trình công tác anh luôn tạo được uy tín đối với Nhà trường. Hiện, anh là Phó Khoa kiêm phụ trách Khoa CNTT (Nhà trường chưa bổ nhiệm Trưởng khoa) có năng lực, trách nhiệm và là Bí thư Đoàn trường năng động, nhiệt tình. “Sau khi được chính thức áp dụng thành công ở Trường tôi, tôi sẵn sàng chia sẻ với các trường khác. Bởi tôi biết rằng công việc chấm thi, đánh phách và khớp phách nếu làm thủ công sẽ rất vất vả, tốn thời gian và tiềm ẩn nhiều sai sót. Hiện tôi đang xây dựng phần mềm “Tự động thống kê phiếu thăm dò giảng viên từ học sinh, sinh viên” cho Nhà trường và đã có những thành công bước đầu. Tìm kiếm và xây dựng đề tài mới là miềm say mê của tôi” - Anh Linh chia sẻ.