“Học Bác cả đời vẫn chưa đủ” - đó là suy nghĩ của ông Nguyễn Đại Hải, cán bộ tiền khởi nghĩa ở xóm Thâm Đông, xã Ôn Lương (Phú Lương). Có lẽ từ suy nghĩ này mà cả cuộc đời ông đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc, nay đã 99 tuổi đời và hơn 60 năm tuổi Đảng, ông vẫn chưa ngừng học tập theo Người.
Kỷ niệm 5 lần được gặp Bác
Mặc dù đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, gương mặt in đầy những vết hằn của thời gian, không đi lại nhưng ông Hải vẫn khá minh mẫn. Trò chuyện với chúng tôi tại căn phòng riêng được sắp xếp gọn gàng, ông bảo: Trong sinh hoạt cá nhân hằng ngày, tôi không muốn nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, còn làm được việc gì là tôi cố gắng làm để con cháu bớt vất vả, bản thân cũng được tập luyện…
Nhìn bàn tay run run của bố đang gấp lại tấm chăn cho thật vuông vắn, anh Nguyễn Đại Đức - con trai ông Hải cho biết: Cả cuộc đời bố vẫn luôn nghĩ cho người khác như thế đấy! Thời trai trẻ, bố đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc, khi tuổi già, bố vẫn không chút nào nghĩ cho mình…
Nhắc đến thời trai trẻ, chúng tôi tìm đến Đảng bộ xã Ôn Lương để được xem quá trình hoạt động và công tác của người cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Đại Hải. Ông sinh năm 1913, đến năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam và hoạt động cách mạng bí mật ở địa phương. Năm 1949, xây dựng chính quyền đầu tiên ở địa phương, ông được bầu làm Chủ tịch lâm thời xã Ôn Lương kiêm cán bộ tổ chức Ủy ban Dân tộc giải phóng mặt trận Việt Minh. Trong quá trình công tác, ông đã thể hiện là một người yêu nước, một đảng viên gương mẫu, cán bộ có trí tuệ, do vậy ông được bầu vào các chức vụ quan trọng như: Bí thư Huyện ủy Phú Lương, Trưởng ty Thủy lợi, Tỉnh ủy viên, Ủy viên UBND tỉnh…
Cũng bởi giữ các chức vụ quan trọng đó, nên ông có may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ. Nói về Bác, ông Hải xúc động: Tôi còn nhớ như in 5 lần được gặp Người, một lần được dẫn đường cho Bác vào đình Kẻm, xã Yên Đổ; lần thứ hai nghe Bác nói chuyện tại xã Cổ Lũng về vấn đề mở đường giao thông phục vụ cho chiến dịch; lần khác gặp Bác khi Bác đi thăm kè Lũ Yên; một lần đón Bác về thăm tỉnh Bắc Thái và lần cuối cùng là tôi đi họp ở Bộ Thủy lợi, đang họp Bác bước vào, đứng lên bục nói chuyện với các cán bộ làm công tác thủy lợi, trong câu chuyện Bác rút ở túi áo ra một mảnh báo cắt sẵn và đọc cho mọi người nghe bài báo về một người mù ở xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai biết làm máy bơm nước, đọc xong Bác hỏi: Bộ trưởng có biết không, bộ trưởng chưa lên tiếng bác lại quay sang hỏi: Hải có biết không? Tôi nghe Bác nhắc tên thì bật đứng dậy chưa kịp nói gì thì Bác cười nói sang chuyện khác. Về nhà, tôi liền lên tận Dân Tiến để tìm người làm ra chiếc máy bơm nước mà Bác nhắc đến thì thấy quả ông ta đã làm ra chiếc guồng nước phục vụ tưới được khoảng 3 sào ruộng.
Sau lần đó, tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền để bà con các địa phương học tập làm guồng quay nước lấy nước sản xuất. Mỗi lần được gặp Bác, được nghe Bác huấn thị, tôi lại học được nhiều điều, nhưng với tôi kỷ niệm sâu sắc nhất là lần đầu tiên gặp Người và đây cũng là lần duy nhất tôi được nói chuyện với Bác. Nói đến đây, ông Hải lần dưới gối của mình lấy ra một chiếc cặp nhỏ trong đó có một mảnh giấy ghi rõ ngày 15 tháng 11 năm 1951 Bác Hồ về đình Kẻm, xã Yên Đổ, vừa nâng niu mảnh giấy như một báu vật, ông tiếp: Lần đó, tôi và đồng chí Phan Văn Sáng được giao nhiệm vụ trực ở phố Trào, xã Yên Đổ, để đón Bác. Chúng tôi đang ngồi chờ thì Bác đến, dáng người dong dỏng, bước đi rất nhanh, khiến tôi chỉ kịp đứng dậy mà chưa kịp nói tiếng chào Bác thì Bác hỏi luôn: Chúng ta đi đường nào? giọng nói của Bác nghe rất đỗi ấm áp, gần gũi, thân thương. Theo phản xạ, tôi liền trả lời: Thưa Bác, đi đường này ạ! Thế là tôi đi trước, Bác đi ngay phía sau tôi, tiếp đến là các cán bộ cùng đi với Bác, chúng tôi men theo bờ ruộng để đến đình Kẻm. Hơn 60 năm trôi qua, đến giờ, giọng nói ấy vẫn như còn đâu đây, tác phong nhanh nhẹn, dứt khoát ấy tôi đã luôn phấn đấu học tập làm theo trong suốt cuộc đời công tác của mình.
Hiến hơn 2.000m2 đất làm đường giao thông
Cả cuộc đời hoạt động sôi nổi, cống hiến toàn bộ sức lực, trí tuệ cho quê hương, đất nước, đến năm 1972, ông Hải về hưu sống cuộc sống bình dị tại nơi ông đã sinh ra – xóm Thâm Đông, xã Ôn Lương. Từng là lãnh đạo tỉnh, đến khi nghỉ hưu, ông không có được tài sản gì lớn ngoài những tấm huân chương, bằng khen, giấy khen. Vẫn ngôi nhà đơn sơ cha ông để lại, ông cùng vợ chồng người con trai tần tảo ruộng vườn để nuôi các cháu ăn học.
Đồng chí Nguyễn Văn Cung, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Hiện nay, ông Hải là người cao tuổi nhất ở xã, lại là đảng viên mẫu mực nên lời nói của ông được nhân dân tin nghe lắm, xã có việc gì khó, được ông lên tiếng là xong ngay. Nổi bật là phong trào hiến đất làm đường ở địa phương. Năm 2008, địa phương triển khai làm con đường vào làng nghề mây tre đan Tân Thành, do không có kinh phí giải phóng mặt bằng nên xã vận động nhân dân hiến đất làm đường, ban đầu một số hộ không đồng tình, nhưng sau khi ông Hải gọi những người trong gia tộc mình đến nghe ông phân tích cái lợi của con đường, vận động họ tham gia hiến đất, họ đã đồng ý, thế là con đường nhựa phẳng phiu dài 3km được hoàn thành với sự ủng hộ của nhân dân, cụ thể là khoảng 50 hộ dân hiến được gần 6.000m2, trong đó, những hộ trong gia tộc ông chiếm phân nửa. Hay như con đường vào hồ Na Mạt, Nhà nước cũng đầu tư kinh phí, nhân dân hiến gần 2.000m2 đất với khoảng 30 hộ cũng có công vận động tuyên truyền của ông. Bản thân gia đình ông không có đất nằm trên phạm vi 2 con đường đi qua, nhưng ông cũng tình nguyện hiến hơn 2.000m2 đất dọc theo dải đất nhà mình để mở con đường vào rừng Khau Giáo. Khu rừng này trước vốn không có đường đi, bà con lên làm rừng phải đi nhờ nhà dân, để phục vụ việc đi lại cho hơn 10 hộ dân có rừng, ông đã quyết định lấy đất nhà mình để làm đường, con đường vừa mới được hoàn thành cuối năm ngoái với chiều dài 800m, rộng 3m. Với ông Hải, những cống hiến đó chính là: “Tôi học những lời Bác dạy và làm theo việc Bác làm!”