Luật sư Nguyễn Mạnh Hùng là người đứng đầu ngành Tư pháp của tỉnh từ năm 1993 nhưng sau lần bị nhồi máu cơ tim sức khỏe của ông đã suy yếu. Để giữ mạng sống, đủ sức khỏe công tác, năm 2002, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng phải về Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội phẫu thuật tim và từ đó trong trái tim ông có thêm một vật lạ bằng kim loại. Không chấp nhận bệnh tật đeo bám, luật sư Hùng đã rèn luyện thân thể bằng cách đi bộ mỗi ngày khoảng 6km, tương đương với trên 1 vạn bước chân...
Thập tử nhất sinh
Vào một ngày nghỉ trung tuần tháng 4-1997, luật sư Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Tư pháp thấy tức ngực và ông nghĩ chắc bị viêm phế quản nên chỉ uống thuốc bổ phế, thuốc giảm đau, nhưng nửa ngày sau các cơn đau tức xuất hiện nhiều hơn. Thấy không ổn nên ông đã nhờ người nhà gọi xe cấp cứu đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên khám, điều trị. Sau khám bệnh, bác sĩ thông báo nếu vào bệnh viện chậm khoảng 5 tiếng nữa tim ông sẽ vỡ do bị nhồi máu. 1 tháng điều trị, luật sư Hùng đã xuất viện và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của Giám đốc Sở Tư pháp nhưng căn bệnh tim luôn hành hạ ông.
Năm 2002, bệnh tật có chiều hướng xấu đi và các bác sĩ khuyên luật sư Hùng về Bệnh viện Bạch Mai để phẫu thuật tim. Lúc bấy giờ phương pháp cấy ghép stent (giống một lò xo kim loại cực nhỏ nhằm chống co mạch máu) đang thử nghiệm (cả nước mới phẫu thuật 446 ca) và có nhiều người không thích ứng với stent nên có sự nguy hiểm đến tính mạng. Vì sức khỏe, luật sư Hùng chấp nhận mạo hiểm và sau phẫu thuật trong tim ông có thêm một vật lạ bằng kim loại. Luật sư Hùng tâm sự: Cấy ghép stent thành công tôi không còn thấy tức ngực, khó thở nhưng xuất hiện nhiều phản ứng tức thì như buồn nôn, ngứa họng, mũi. Đặc biệt, các bác sĩ của Viện tim mạch Trung ương khuyến cáo sau phẫu thuật không luyện tập thể thao để rèn luyện sức khỏe thì bệnh tim sẽ tiếp tục có diễn biến bất lợi.
Tập thể dục là nhiệm vụ
Luật sư Hùng nói: Trước khi phẫu tôi đã luyện tập thể thao và nhận thức rất rõ nó tốt cho sức khỏe nhưng khi nào thích thì mình làm, không thích lại nghỉ nên không có sự ổn định còn khi luyện tập để chữa bệnh lại phải coi đây là nhiệm vụ giống như làm việc ở cơ quan hay chuyện ăn, uống mỗi ngày. Nhà riêng của luật sư Hùng ở tổ 10, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) nên thời gian đầu ông chọn cách đi bộ đi làm (cả đi, lẫn về quãng đường dài khoảng 3km). Sau khi sức khỏe đã ổn định, ngoài việc đi bộ đi làm, mỗi tuần luật sư Hùng thực hiện chạy bộ 2 lần với chiều dài 3km/lần (từ khi nghỉ hưu, mỗi ngày luật sư Hùng đi bộ khoảng 6km).
Tập luyện thể thao đều đặn và thêm uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ nên bệnh tim của luật sư Hùng không có biểu hiện xấu thêm, vật thể kim loại trong tim ông thích ứng nên không phải phẫu thuật lại. Điều luật sư Hùng vui hơn là năng tập thể dục nên những căn bệnh tiền sử trước đây có như huyết áp, mỡ máu đã hết và tinh thần luôn thoải mái nên công tác chuyên môn cũng nhờ đó được giải quyết tốt hơn và đến cuối năm 2005 ông đã hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước để về nghỉ hưu, an dưỡng tuổi già.
Công việc chuyên môn không còn quá vướng bận nên từ năm 2005 trở lại đây, việc rèn luyện thể dục thể thao của luật sư Hùng được thực hiện ”chuyên nghiệp” hơn với mục đích đặt ra là ”giảm tốc” sự xuống cấp về sức khỏe của tuổi già. Ông tâm sự với tôi: Kinh nghiệm thì không phải nhưng theo tôi người già tập thể dục không mong thêm sức khỏe mà mục tiêu là làm giảm quá trình lão hóa nên chọn cách thực hiện nhẹ nhàng, không được quá sức. Thêm nữa là không nhất thiết phải ngày nào cũng luyện tập đúng giờ mà khi trời lạnh thì đi muộn hơn, lúc trời mưa thì đợi tạnh mình đi nhưng phải cố gắng duy trì cho được tính liên tục. Anh Trần Văn Đức kinh doanh trên tuyến đường Bắc Kạn cho biết: Ngày nào tôi cũng thấy bác Hùng đi luyện tập thể dục qua đây, nhiều hôm trời mưa tưởng bác nghỉ thì gần trưa vẫn thấy bác đi bộ. Mọi người sống ở tuyến phố này đều rất cảm phục tinh thần luyện tập của bác Hùng.
Luật sư Hùng không chỉ là người nghiêm khắc với bản thân về việc luyện thể thao để rèn luyện sức khỏe mà ngay cả những công việc trong sinh hoạt cá nhân như: giặt đồ, dọn dẹp phòng riêng ông đều tự làm với quan điểm nghỉ hưu thời gian nhàn rỗi nhiều nếu không lao động sẽ tự sinh độ ì và đó cũng là cách giúp người thân đỡ vất vả. Không lãng phí những kiến thức về pháp luật đã tích lũy được trong mấy chục năm công tác, sau khi nghỉ hưu luật sư Hùng đã thành lập Văn phòng luật sư Thái Hưng để tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật cho những người dân có nhu cầu. Ông cũng cho rằng làm việc trí óc thường xuyên cơ thể sẽ lâu già hơn.
Câu chuyện về sự miệt mài trong rèn luyện sức khỏe, nỗ lực để sống có ích khi về hưu của luật sư Nguyễn Mạnh Hùng không chỉ khiến người thân, bạn hữu thấy đáng nể phục, học tập mà đã góp phần cổ vũ phòng trào rèn luyện thân thể ở một số tổ dân phố của phường Hoàng Văn Thụ.