Hiến đất xây trường học

15:03, 24/05/2012

Nhanh nhẹn, chịu khó là nhận xét của những người đã từng gặp ông Ma Văn Lô. Với tôi, ngoài việc đồng tình với những nhận xét trên, điểm gây ấn tượng nhất là đôi mắt sáng, hiền từ, toát lên sự nhân hậu trong con người ông.

Một bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm năng động

Trước đây, ông Lô từng công tác trong ngành Thương nghiệp ở huyện và đến năm 1989, ông về hưu. Với sự nhanh nhẹn, nhiệt tình, quan tâm đến mọi người, ông được bầu làm Bí thư Chi bộ xóm Bản Héo kiêm Trưởng thôn. Lúc bấy giờ, Chi bộ Bản Héo là một chi bộ hoạt động yếu của xã Yên Trạch. Chi bộ có 7 đảng viên thì hầu hết là những người được chuyển từ nơi khác đến, đã lớn tuổi. Hơn 10 năm liền, Chi bộ không kết nạp được đảng viên mới, việc sinh hoạt định kỳ cũng không được tổ chức thường xuyên, vai trò của Đảng chưa được thể hiện, khiến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không được triển khai sâu rộng, vì thế việc chấp hành các chủ trương, chính sách cũng không được thực hiện tốt. Thêm vào đó, nhiều đảng viên còn có tư tưởng tự bằng lòng với thực tại, không có ý chí phấn đấu vươn lên, chính vì vậy, đời sống còn khó khăn, xóm có 130 hộ thì hơn một nửa số hộ thuộc diện nghèo.

Trước tình hình đó, ông đã họp lại Ban Chi ủy phân tích rõ nguyên nhân yếu kém để các đảng viên nhận thức được, từ đó tìm biện pháp khắc phục. Trước tiên, ông đưa ra yêu cầu các đảng viên phải tham gia sinh hoạt Chi bộ định kỳ mỗi tháng một lần, coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại đảng viên. Qua đó, các đảng viên trong Chi bộ đã có ý thức chấp hành giờ giấc, tham gia sinh hoạt đầy đủ hơn. Trong các buổi sinh hoạt, Chi bộ đều có đánh giá những mặt được và chưa được trong tháng, trên cơ sở đó đưa ra nghị quyết về công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tháng sau, thông qua đó, những tồn tại trước đó đã từng bước được giải quyết. Ngoài ra, Chi bộ còn có sổ sách ghi chép cụ thể chặt chẽ của từng đảng viên trong việc đi đầu tham gia các phong trào ở địa phương, trong đó có phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Là đảng viên, lại là Bí thư Chi bộ, ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, trên diện tích 1ha rừng của gia đình, ông đã đưa giống keo lai vào trồng, đối với diện tích đồi bãi cao, ông tích cực đưa cây chè vào sản xuất, nhờ đó kinh tế gia đình ông ngày càng khấm khá. Thấy được lợi ích từ việc tích cực sản xuất, chuyển đổi cây trồng, nhiều đảng viên trong Chi bộ đã hăng hái làm, qua đó tạo ra phong trào phát triển kinh tế rộng rãi trong nhân dân. Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng được nâng lên, số hộ nghèo giảm nhiều, riêng năm 2011, giảm được 23 hộ, được UBND xã tuyên dương trong công tác giảm nghèo, hiện xóm còn trên 30 hộ nghèo. Chi bộ từ năm 2008 đến nay liên tục đạt trong sạch, vững mạnh và trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.

Hiến đất xây trường mầm non

Cùng chúng tôi đến thăm Phân trường Mầm non Bản Héo, ông Lô tỏ ra rất thân thuộc với cô và trò ở đây, vừa trông thấy ông, bọn trẻ đã ùa ra sà vào lòng đòi ông kể chuyện. Nhìn lũ trẻ ríu rít bên ông, chúng tôi hiểu việc ông tình nguyện hiến cả đồi chè để xây dựng trường mầm non là xuất phát từ lòng yêu mến trẻ, ông dành sự quan tâm, chăm sóc cho trẻ. Thời buổi hiện nay, mỗi tấc đất quý hơn tấc vàng, nhiều gia đình vì tranh giành chút đất đai mà mất đi tình cảm máu mủ, thế mà đối với ông Lô, việc ông hiến 500m2 đất chỉ đơn giản là: Để “kéo” trường về gần nhà cho con cháu có chỗ học hành, đi lại đỡ vất vả. Ban đầu, các con ông cũng phản đối việc làm của ông, nhưng sau khi nghe ông bày tỏ quan điểm, mong mỏi của mình, đồng thời phân tích rõ nguồn lợi mà đồi chè mang lại cho gia đình đem so sánh với cái lợi cho cả thế hệ măng non thì cái lợi nào hơn. Dần dần, các con ông cũng nghe ra và ủng hộ quyết định của ông.

Kể về những tháng ngày phải học ghép, học nhờ trước đây, cô Nguyễn Thị Tấm, giáo viên Trường Mầm non Yên Trạch cho biết: Do địa bàn rộng, đường xá đi lại khó khăn nên Trường Mầm non xã được chia làm 2 phân trường là Đồng Quốc và Bản Héo để tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu tới lớp. Khu Đồng Quốc thì đã có điểm trường, riêng khu Bản Héo chưa có đất nên trước đây cô và trò Nhà trường vẫn phải nay đây mai đó, lúc thì học ghép với trường tiểu học, khi thì lại học nhờ nhà dân. Việc học nhờ, học ghép gây rất nhiều hạn chế trong dạy và học, không thể tạo ra các sân chơi, nơi cho trẻ hoạt động hay bày biện đồ chơi, tranh ảnh… phục vụ việc vui chơi và tìm tòi, sáng tạo của các em. Thêm vào đó, các giáo viên không ổn định về tư tưởng nên cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng nuôi dạy. Nhưng đó chỉ là chuyện trước đây, còn bây giờ điều kiện dạy và học ở đây đã rất tốt rồi.

Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng học, nhà bếp, khuôn viên của Trường, cô Tấm cho biết thêm: Sau khi ông Lô tình nguyện hiến đất, năm 2007, Trường được khởi công xây dựng và đến năm 2009 đã hoàn thành 1 nhà lớp học 3 gian, công trình phụ, bếp ăn, khuôn viên vui chơi hoạt động cho trẻ… Nhờ có trường mới, đội ngũ giáo viên ổn định về tâm lý, trẻ em có đầy đủ nơi học tập, vui chơi, nên chất lượng nuôi dạy trẻ ở đây ngày càng được nâng lên. Hiện nay, Trường có 71 trẻ, trong đó, trên 90% đạt sức khỏe kênh A. Có được sự đổi thay này, một phần là nhờ ông Lô hiến đất xây Trường.