Trước ngày công diễn vở kịch “Bác không phải là Vua”, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với tác giả kịch bản Lê Quý Hiền. Ông cho biết: Có lần, tôi đọc một tài liệu kể câu chuyện Bác Hồ đi trong vườn cây của Phủ Chủ tịch. Mấy cô công nhân đang đi xe đạp, nói chuyện cười đùa vui ve, thấy Bác liền luống cuống xuống xe chào Bác, không may một cô bị ngã. Bác đến gần nâng cô ấy dậy và nói: “Bác có phải là Vua đâu mà các cô phải hạ mã”.
Từ câu nói đó của Bác tôi bật ra ý tưởng sẽ viết một vở kịch về Bác lấy nhan đề “Bác không phải là Vua”. Trong kịch bản, tôi xây dựng nhân vật Bác Hồ là trung tâm, đặt nhân vật vào nhiều tình huống đời thường để khắc tạc nên hình tượng con người giản dị của Bác.
Những nhân vật quanh Bác cũng đều là người bình thường: anh bảo vệ, người thư ký, cậu thợ điện... Trong vở kịch này, người xem dễ nhận thấy xung đột kịch nằm ở vấn đề: Bác là Vua, là Thánh hay là con người bình thường, giản dị? Chợt tác giả Lê Quý Hiền quay sang tôi nói: Tôi chọn khán giả chính là đối tượng giải quyết xung đột. Mỗi người sau khi xem xong vở kịch sẽ tự suy ngẫm và giải thích liệu Bác Hồ có phải là một vị Vua, hay Thánh không? Trong 5 cảnh của vở kịch, nhân vật Bác Hồ đều là trung tâm. Các lớp kịch nói về việc Bác Hồ kêu gọi tầng lớp trí thức hãy góp sức kiến quốc; Bác Hồ thực hành tiết kiệm và ý thức bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị các di tích lịch sử của Người; Bác luôn sâu sát với quần chúng, để tìm hiểu về đời sống nhân dân và Bác Hồ với vấn đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Trong vở kịch “Bác không phải là Vua”, nhân vật Bác Hồ xuyên suốt tác phẩm. Ở đó, khán giả bắt gặp một con người đời thường, với những khát khao hết sức đời thường. Đó là hình ảnh một người con có hiếu muốn tự tay đi chợ, nấu nướng, làm một mâm cơm, cắm lọ hoa huệ để thắp hương mẹ. Đó là hành động Bác Hồ xếp hàng mua thịt giống như những người dân thường. Hay Bác vay tiền của anh Ngọc bảo vệ, tự bỏ tiền cá nhân để mua bánh kẹo, hoa quả mời mọi người mừng nhà mới...
Xem những cảnh này, ai cũng có thể nhận ra: Bác là người đứng đầu một nước nhưng rất giản dị. Giản dị trong cách ăn mặc, trong sinh hoạt, hàng ngày tăng gia, sản xuất, tập võ để luyện rèn sức khỏe. Giản dị khi Người quyết định ở trong ngôi nhà sàn nhỏ bé, diện tích phòng ngủ và làm việc chỉ vẻn vẹn 18m2 bởi Người suy nghĩ, đất nước còn nghèo, phải dành tiền để kiến quốc…
Với nghệ sĩ Trần Đức Lợi (Trung tâm Văn hóa tỉnh), lần đầu tiên được vào vai Bác Hồ nên anh đã không ngừng nỗ lực để hóa thân vào nhân vật, cố gắng tạo được cái thần thái của Bác, đem đến cho khán giả biết bao cảm xúc kính yêu, tự hào về vị Cha già của dân tộc. Xem từng cảnh, chúng ta thấy cảm động biết bao khi vị Chủ tịch nước phải lo biết bao công việc lớn nhưng vẫn quan tâm đến từng cá nhân, từ anh Ngọc bảo vệ đến cậu Châu thợ điện, anh Trúc kiến trúc sư... Xúc động biết nhường nào khi sau bao năm về Thủ đô Hà Nội, Người vẫn nhớ từng tên gọi của người dân, từng địa danh lịch sử ở vùng đất ATK Thái Nguyên ngày nào. Qua hình thức sân khấu hóa, hình tượng vị Cha già của dân tộc mà thế giới gọi là vĩ nhân ấy hiện ra là một con người bình thường. Cũng như biết bao con người bình thường khác, khi đi công tác về, Người không quên mua quà tặng mọi người, đó là chiếc bút, là cái kẹo... Những món quà nhỏ thôi nhưng chan chứa tình yêu thương...
Xem vở kịch này, chúng ta cảm nhận được qua từng câu chuyện nhỏ, từng lời nói, hành động của Bác đều mang đến cho khán giả, từ người nông dân, công nhân đến trí thức hay cán bộ, đảng viên những bài học sâu sắc về đạo đức cách mạng. Tất cả đều rất nhỏ bé, đời thường, rất dễ nhưng cũng rất khó vì không phải ai cũng làm được. Đó là đức tính cần, kiệm, liêm, chính của Bác trong sinh hoạt, làm việc. Là sự thể hiện lời nói đi đôi với việc làm. Đó là lời dạy của Bác với các thế hệ “dân ta phải biết sử ta”, biết giữ gìn và phát huy giá trị những di tích lịch sử. Đó là công tác cán bộ, là lời dạy đối với cán bộ trong việc chống căn bệnh bè phái, thành tích, quan liêu, tham nhũng lãng phí. Là lời nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trước tiên mới được dân tin, phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc. Là sự khoan dung, độ lượng với cán bộ mậu dịch viên có lỗi…
Một chi tiết tạo ấn tượng mạnh trong vở diễn là khi Bác biết lãnh đạo một tỉnh đã mở tiệc chiêu đãi rình rang sau đó gửi hóa đơn thanh toán mừng Bác về thăm, Người đã nói với cán bộ văn phòng: “Bác cũng là người bình thường... cũng ăn uống như các chú. Các chú bắt Bác vĩ đại ăn hết cả một con bò” (câu chuyện về sự tiết kiệm, chống lãng phí). Rồi tư tưởng của Bác về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “Nhớ chọn chỗ đất cằn cỗi để xây dựng nhà máy, xí nghiệp, dành đất tốt cho nông dân”.
Trong vở kịch, chỉ có 2 lần Bác Hồ nói: “Bác có phải là Vua đâu” nhưng nó chứa chan khát khao muốn trở thành một con người bình thường của Người. Bác không muốn mọi người coi mình là vĩ nhân, là thánh... Và với câu trả lời về vấn đề Bác Hồ có phải là vua không, đúng như ý tưởng của tác giả, mỗi người xem sẽ tự tìm ra lời giải đáp khi xem từng lớp, từng cảnh trong vở kịch này.
Trò chuyện với chúng tôi, diễn viên Phan Đức Việt (vai Châu, thợ điện trong Phủ Chủ tịch), sinh năm 1990, vừa tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc (Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc) cho biết: Đây là lần đầu tiên tôi diễn kịch, nói nhiều lời, tình cảm và khó nhất là có sự chuyển biến nhiều về tâm lý. Tham gia diễn vở kịch này, tôi có cảm giác như được sống trong thời kỳ ấy, thấy Bác Hồ thật gần gũi. Tôi tự nhủ mình càng phải cố gắng phấn đấu hơn nữa để có thể làm theo tấm gương cần, kiệm, liêm, chính của Người...
Đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Văn Bộ, Chánh văn phòng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ nhiệm chương trình cho biết: Nhiều năm nay, sân khấu kịch Thái Nguyên mới lại được sáng đèn sau một thời gian dài vắng bóng. Chúng tôi rất tin vào sự đam mê và hăng say tập luyện của anh chị em diễn viên sẽ mang đến thành công cho vở kịch. Với những nỗ lực của các diễn viên, nghệ sĩ sân khấu của Trung tâm Văn hóa tỉnh, tin tưởng rằng ngày 15 và 20/5 tới, vở kịch “Bác không phải là Vua” được công diễn sẽ là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về ATK Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp...