Người luôn “nói đi đôi với làm”

09:46, 07/05/2012

Đó là ông Trần Quang Tánh, 65 tuổi, Trưởng xóm Giá 1. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Phấn Mễ cho biết: Ở xã nông thôn này, trưởng xóm hầu hết đều ở thế hệ 7X, 8X, riêng ông Tánh là cao tuổi nhất và cũng nhiệt tình nhất.

Khi chúng tôi hỏi bí quyết gì giúp ông làm tốt công việc của người trưởng xóm, ông Tánh cười: Chẳng có bí quyết gì cả, theo tôi, muốn có được sự đồng thuận trong xóm thì phải làm cho dân tin, nói phải đi đôi với làm. Tôi đã học được điều này qua lời dạy của Bác.

 

 

Đúng như lời ông Tánh chia sẻ với chúng tôi, những việc gì ông đã nói với bà con, ông đều quyết làm bằng được. Đã 3 năm trôi qua nhưng đến nay ai cũng khâm phục sự mạnh dạn của vị Trưởng xóm. Đó là vụ xuân năm 2009, xã hô hào các xóm đưa giống lúa lai (Syn6, BC15 Thái Bình…) vào gieo cấy. Vì đã quen cấy giống lúa Khang dân nên mặc dù ông giải thích đây là những giống lúa cho năng suất cao, chất lượng tốt nhưng chẳng hộ dân nào trong xóm Giá 1 hưởng ứng. Ông nói với bà con: Tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy những ưu điểm của giống lúa mới này. Vậy là cả xóm chỉ có ông Tánh đăng ký cấy 2 sào giống lúa Syn6.

 

Cứ phấp phỏng lo âu, ông mong từng ngày, từng ngày qua đi. Rồi cũng đến lúc lúa chín. Cánh đồng của gia đình ông lúa vàng trĩu bông, năng suất đạt 2,5tạ/sào, cao hơn lúa khang dân 50-80kg/sào. Khi nấu thử, cơm dẻo, thơm, bà con trong xóm ai cũng tiếc rẻ vì không mạnh dạn cấy giống lúa mới, vừa được hỗ trợ giá giống, năng suất lúa cao và chất lượng gạo cũng rất tốt. Vậy là ngay vụ mùa tiếp theo, bà con trong xóm đăng ký gieo cấy lúa lai khá đông.

 

Từ 2 sào lúa lai cấy “thử nghiệm” của gia đình ông Tánh, đến vụ xuân 2012 đã có 30% ruộng của xóm cấy các giống lúa lai (trong khi diện tích lúa lai toàn tỉnh vụ này chỉ chiếm 19%, riêng gia đình ông cấy 5 sào). Rồi cả việc vận động người dân cấy trà lúa mùa sớm để trồng cây màu vụ đông, ông Tánh cũng thành công bởi gia đình ông luôn thực hiện trước tiên để bà con noi theo. Việc quyên góp các loại quỹ phúc lợi, đóng thuế nhà đất… ông cũng là người thực hiện đầu tiên. Đơn cử như đợt quyên góp quỹ phúc lợi vừa qua, bà con đóng 1, ông đóng gấp đôi.

 

Ông Nguyễn Ngọc Sơn nhận xét: Ông Tánh luôn nhiệt tình với mọi phong trào ở địa phương. Từ khi ông làm trưởng xóm (năm 2008) đến nay, xóm Giá đã có những đổi thay rất rõ rệt. Trước đây, các hoạt động của xóm rất lỏng lẻo, người dân không nhiệt tình đóng các khoản quỹ phúc lợi, làm đường giao thông, nộp thuế nhà đất đúng thời hạn, nhưng với tài vận động của ông Tánh, giờ mọi việc đã đâu vào đó. Mỗi khi đến kỳ đóng thuế nhà đất, ủng hộ các loại quỹ… xóm Giá 1 luôn là địa phương hoàn thành đầu tiên. Đây cũng là xóm thực hiện đầy đủ các quy định trong việc cưới, việc tang; kinh tế ngày một phát triển… Năm 2011, xóm Giá được công nhận Làng văn hóa cấp huyện.

 

Nhiệt tình với công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng ông Tánh cũng không quên chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Ngoài đầu tư chăn nuôi lợn nái và 10-15 con lợn bột/lứa, 1 năm nuôi 3 lứa; cấy 2 vụ lúa, mỗi vụ 1 mẫu ruộng; trồng 3-5 sào cây màu vụ đông, năm ngoái, ông đã mua bộ giàn máy cày bừa trị giá gần 20 triệu đồng về phục vụ nhu cầu của các hộ dân trong xóm. Vụ xuân vừa qua, ông thu 12 triệu đồng tiền làm đất thuê cho bà con. Trung bình ông thu 40-50 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí).

 

Ông nói: Mình làm trưởng xóm, nếu không phát triển kinh tế hiệu quả thì không thể hướng dẫn cũng như vận động người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Điều ông mong muốn nhất hiện nay là có lớp trẻ kế cận, làm tốt công việc chung để ông có thể an tâm nghỉ ngơi lúc tuổi già và chỉ “xuất đầu, lộ diện” khi mọi người cần tham vấn.