Sức trẻ làm giàu

09:27, 28/05/2012

Nguyễn Cao Đạt, người con sinh ra và lớn lên ở xóm Tiến Thành, xã La Bằng (Đại Từ) vừa tròn 20 tuổi. Tuy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng quyết tâm làm giàu của Đạt thật đáng học tập.

Chúng tôi gặp Đạt tại Lễ tuyên dương 65 thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác do tỉnh Đoàn tổ chức nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về ATK Thái Nguyên và 122 năm Ngày sinh của Bác. Trong buổi Lễ hôm ấy, Đạt là thanh niên trẻ nhất được tuyên dương bởi có nhiều đóng góp trong công tác đoàn và hơn thế đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi cá Tầm nước lạnh đem lại hiệu quả cao.

 

Vài ngày sau buổi tuyên dương, chúng tôi về La Bằng để mắt thấy tai nghe những gì Đạt làm. Trại cá của gia đình Đạt nằm trên địa bàn xóm Kẽm, được nhận chuyển giao từ mô hình nuôi cá Tầm nước lạnh do Trung tâm Thủy sản tỉnh triển khai tại địa phương vào tháng 8/2011. Trên con đường dốc, nhỏ, đất đá ghồ ghề chỉ vừa một người đi, ngồi sau xe của cậu thanh niên này nhiều khi tôi phải nín thở, thế mà vừa đi Đạt vừa hào hứng kể: “Gần 1 năm nay, mỗi ngày làm xong việc Đoàn thanh niên ở xã, xóm em lại lên chăm sóc đàn cá nên con đường này em đi quen rồi, chị cứ yên tâm. Chắc chắn Tết năm nay chị lên, đường sẽ dễ đi hơn”.

 

Đạt giới thiệu: Bên kia con suối là Trại nuôi cá tầm của gia đình em. Trước đây khi Trung tâm triển khai mô hình, em thấy nó khá mới nên đã dành thời gian vào xem cách các cô chú làm việc, lâu dần thành yêu cá Tầm lúc nào không hay. Bởi vậy khi Trung tâm thông báo chuyển giao mô hình, em đã bàn với bố mẹ vay họ hàng gần 100 triệu đồng với 20 triệu đồng tiền vốn của gia đình để nhận chuyển giao và đầu tư nuôi cá. Được các cô chú tư vấn về cách chọn giống, kỹ thuật chăm sóc cá,…cùng với 2 bể cá chuẩn bị cho thu hoạch của mô hình, em đã làm thêm 2 bể nữa và mua 400 con cá Tầm giống ở SaPa (Lào Cai) về nuôi, mỗi bể thả 200 con. Sau đó, khi bán hết mỗi bể cá em tiếp tục mua cá giống về thả gối nhau. Thời gian đầu để có thêm kinh nghiệm, em đã đi tham quan mô hình nuôi cá tầm ở Phú Thượng (Võ Nhai) và Tam Đảo (Vĩnh Phúc)… Đầu năm nay, nhận thấy nuôi cá Lăng và cá suối bản địa vừa tận dụng điều kiện sống tự nhiên sẵn có, vừa tận dụng được nguồn thức ăn và nước thừa của cá tầm nên em đã xây dựng thêm 1 bể để nuôi 2 loại cá này. Hiện tại, em có 4 bể cá tầm và 1 bể cá bản địa, trong đó có 2 bể cá tầm đang cho thu hoạch.

 

Theo kinh nghiệm của Đạt để nuôi cá đạt hiệu quả cao, chọn giống và cám chăn nuôi rất quan trọng. Cá giống khỏe, đều con sẽ phát triển tốt; cám lấy ở những địa điểm tin cậy, chất lượng như Viện Thủy sản Trung ương I. Nuôi cá tầm có ưu điểm ít mắc dịch bệnh, chỉ cần chăm sóc đúng quy trình sau 8-12 tháng sẽ cho thu hoạch, trung bình mỗi con nặng khoảng 3kg, với giá giao động từ 210-230 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là loại cá này chưa phổ biến, thị trường đầu ra nhỏ lẻ, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn. Hơn nữa, nuôi cá tầm vốn đầu tư lớn, điều kiện môi trường sống khắt khe như: Bể cá được làm bằng inox chống han rỉ, được che đậy cẩn thận, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp, có thể tích gần 35m3, giá khoảng 10 triệu/bể; cám dùng để chăm sóc cá tầm có giá khá cao từ 35 đến 40 nghìn đồng/kg; cá giống có chiều dài khoảng 12-18cm, giá 60.000 đồng/con…

 

Cá tầm chỉ sống và phát triển trong môi trường nước lạnh, sạch, nhiệt độ từ 18-22 độ C, nồng độ oxi khoảng 5-6%, pH trung bình 6,5. Để giữ bể luôn sạch, 3 ngày 1 lần phải vệ sinh bằng cách dùng máy hút chân không hoặc dùng bàn chải cọ, rửa. Mỗi ngày cho cá ăn 3 lần: 6 giờ sáng, 12 giờ trưa và 6 giờ tối. Khoảng 4 -5 tháng kiểm tra tốc độ sinh trưởng của cá để phân loại, những con cá bé hơn được tách, nuôi riêng vào 1 bể và cho ăn nhiều bữa. Do cá tầm rất mẫn cảm, dễ chết khi môi trường nước bẩn, điều kiện sống thay đổi nên cần phải chăm sóc, theo dõi cá thường xuyên. Để đáp ứng nhu cầu công việc, Đạt thuê 4 lao động thường xuyên, chia thành 2 ca chăm sóc cá với mức lương 2-2,5 triệu đồng/người/tháng. Với thu nhập trung bình của trại cá 30 triệu đồng/tháng (chưa trừ chi phí), Đạt dự kiến, cuối năm nay sẽ trả hết số tiền vay ban đầu và tiếp tục mua cá giống về nuôi thay thế những lứa đã bán.

 

Chúng tôi được biết, từ nay đến tháng 11-2013, UBND tỉnh giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Từ triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ nuôi cá Tầm” trên địa bàn huyện. Đây sẽ là cơ hội tốt cho người dân Đại Từ nói chung và người nuôi cá tầm nói riêng có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế gia đình, địa phương…

 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, Đạt còn hăng hái tham gia các hoạt động đoàn thể. Sau 1 năm làm Bí thư chi đoàn xóm Tiến Thành, tháng 3-2012, Đạt được bầu làm Phó Bí thư đoàn xã. Đạt cho biết: Làm phong trào thanh niên cần nhiều thời gian và phải tâm huyết, vậy nên em luôn cố gắng sắp xếp việc chung, riêng cho phù hợp. Việc ở trại cá, em giao cụ thể cho từng người nên tất cả đều rất suôn sẻ. Mọi việc mới chỉ bắt đầu, em cũng thấy lo, nhưng rồi lại tự động viên như lời Bác đã dạy: “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền…” và hơn nữa với sức trẻ như chúng em thì tin rằng mọi việc nếu cần cù, cố gắng hết sức, chắc chắn sẽ thành công.

 

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Đạt nói sẽ tiếp tục thực hiện ước mơ xây dựng mô hình trang trại tổng hợp ấp ủ từ khi là học sinh phổ thông để làm giàu trên chính quê hương cách mạng La Bằng. Tới đây, em sẽ mở rộng thêm 2 bể cá tầm nữa, sau đó dần dần tạo vốn quy hoạch từng khu đất trên diện tích 1ha đồi này để nuôi thêm dúi, dê, gà an toàn sinh học. Khi mô hình thành công, em sẽ vận động đoàn viên, thanh niên nhân rộng mô hình này trên toàn xã. Nhìn đôi mắt sáng đầy quyết tâm của em, tôi tin em sẽ thành công!